Cảnh báo 'cò' tín chỉ carbon gây nguy hiểm

TPO - Dù mới thí điểm một số mô hình chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh ở khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, nhưng đã xuất hiện ‘cò’ tín chỉ carbon sẵn sàng đặt cọc tiền, số lượng tín chỉ carbon. Điều này đặt ra nguy cơ sẽ khó xử lý sau này nếu tỷ lệ giảm phát thải không đạt nên các địa phương được cảnh báo chưa vội ký kết, đặt cọc gì.

Thông tin được lãnh đạo ngành nông nghiệp một số địa phương đưa ra tại cuộc họp về triển khai Đề án 1 triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng ĐBSCL (Đề án), do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tổ chức sáng 3/1.

"Bình tĩnh, không nhẹ dạ cả tin"

Ghi nhận những kết quả tích cực về sản lượng, lợi nhuận kinh tế từ các mô hình lúa chất lượng cao thí điểm các mùa vụ gần đây, ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết, việc mua bán lúa giảm phát thải hiện chưa được công nhận. Tuy nhiên, cùng các đoàn công tác về địa phương thí điểm mô hình lúa mới, đã xuất hiện ‘’ tín chỉ carbon.

“Họ (cò tín chỉ carbon - PV) sẵn sàng trả tiền đặt cọc, kỳ mua số lượng tín chỉ carbon. Điều này cực kỳ nguy hiểm, nếu không khéo các vùng nguyên liệu ký kết bán tín chỉ carbon với họ rồi sau này không đạt được, có thể sẽ thất vọng, khó xử lý. Chúng tôi đã báo cáo UBND tỉnh, cảnh báo các địa phương chưa vội ký kết với ai về nội dung tín chỉ carbon, chỉ tiếp tục sản xuất theo đúng quy trình của Đề án lúa chất lượng cao", ông Toàn nói.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - phát biểu. Ảnh: CK.

Theo người đứng đầu ngành nông nghiệp Kiên Giang, tỉnh phấn đấu năm 2025 tham gia Đề án 100.000ha, năm 2030 khoảng 200.000 ha. Sản xuất lúa đạt chuẩn, giảm phát thải, nâng cao hiệu quả kinh tế là mục tiêu chính. Các mô hình làm vững chắc, khi ngành chức năng rút đi, bà con nông dân tự làm và nhân rộng được, đó là ý nghĩa và hiệu quả lớn nhất của mục tiêu Đề án hướng tới.

Ông Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - nêu quan điểm, về tín chỉ carbon từ mô hình lúa chất lượng cao, phát thải thấp, các địa phương hết sức bình tĩnh, giữ quan điểm, không nhẹ dạ cả tin, hiểu sai lệch mục tiêu của Đề án.

Theo ông Nam, giai đoạn này, các địa phương cần tập trung nâng cao năng lực các lực lượng tham gia đề án, như hợp tác xã, khuyến nông, nông dân... Ông Nam giao Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các đơn vị xây dựng tiêu chí thí điểm chi trả giảm phát thải (bán tín chỉ carbon - PV), chọn diện tích phù hợp, làm tới đâu chắc tới đó, các địa phương có diện tích đăng ký tham gia thí điểm chi trả xem xét bố trí vốn để triển khai.

Hiệu quả rõ rệt

Đại diện Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết, kết quả các mô hình thí điểm lúa chất lượng cao phát thải thấp tại 5 địa phương là Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Đồng Tháp cho thấy những hiệu quả tích cực về năng suất, lợi nhuận.

Ông Lê Hữu Toàn - Giám đốc Sở NN&PTNT Kiên Giang - cho biết, mô hình thí điểm vụ Thu Đông 2024 tại địa phương được bà con ghi nhận. “Nổi lên là hiệu quả kinh tế, khi mô hình đạt lợi nhuận cao hơn 32% so với bên ngoài. Lợi nhuận này trước tới nay nông dân đều mơ ước, trước giờ vụ Thu Đông đa phần hòa vốn, không nghĩ lãi như vậy”, ông Toàn nói.

Theo ông Toàn, giá lúa Thu Đông của mô hình cao hơn bên ngoài 40%, lúa canh tác kiểu truyền thống có giá 6.800 đồng/kg, trong khi lúa mô hình thí điểm được thương lái đặt mua 8.300 đồng/kg. Điều này do chất lượng lúa tốt, đồng đều, độ bóng, chắc, sáng đẹp không thua gì lúa Đông Xuân; thu hoạch cơ giới hóa toàn bộ nên giữ được chất lượng lúa.

"Hiệu quả mang lại từ mô hình lúa thí điểm rất rõ ràng, được nông dân họ tự chỉ ra với nhau. Với 50ha ban đầu, đến nay đã có 613 ha xung quanh đăng ký tham gia mô hình mới", ông Toàn nói.

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Trần Thanh Nam chủ trì cuộc họp. Ảnh: CK

Theo Cục Trồng trọt, dự kiến mô hình thí điểm lúa chất lượng cao phát thải thấp sẽ tiếp tục nhân rộng tại 5 địa phương đã triển khai từ các mùa vụ trước, với tổng số lượng 53 mô hình, diện tích trên 3.600 ha, sản lượng gần 24.500 tấn. 4 tỉnh còn lại gồm Long An, Tiền Giang, Hậu Giang, An Giang đã chủ động xây dựng các mô hình thí điểm trong vụ Đông Xuân 2024-2025, với 45 mô hình, tổng diện tích 745 ha, sản lượng hơn 5.500 tấn.

Thứ trưởng NN&PTNT Trần Thanh Nam tái khẳng định, Đề án có ý nghĩa trong chuyển đổi tư duy, chuyển đổi phương thức trồng lúa theo hướng sản xuất lớn. Thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam với thế giới về giảm phát thải. Lợi ích đem lại cho nông dân là tăng thu nhập, chuyển đổi nhận thức, ổn định làm giàu, nông dân thực sự sống được với trồng lúa, trong bối cảnh công nghiệp hóa, đô thị hóa đang lấn dần sản xuất nông nghiệp.

Ông Nam chỉ ra tín hiệu đáng mừng, khi lãnh đạo từ trung ương đến địa phương, nông dân đều thấy hiệu quả từ các mô hình trồng lúa mới, muốn mở rộng diện tích. Tuy nhiên, việc này cần kiên trì, tập trung vào quan điểm chỉ đạo xuyên suốt là mang tới hiệu quả cho nông dân.

Hơn 28.000 ha đăng ký thí điểm chi trả tín chỉ carbon

Cục Trồng trọt cho biết, đã rà soát lại toàn bộ diện tích đủ tiêu chí thực hiện Đề án lúa chất lượng cao phát thải thấp. Việc này nhằm chuẩn bị cho ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ Quỹ Tài chính carbon chuyển đổi (TCAF), với tổng diện tích khoảng 28.000 ha đất lúa cho 12 tỉnh đăng ký tham gia Đề án. Cục Trồng trọt đã có công văn gửi các tỉnh rà soát, đăng ký vùng sản xuất lúa chuẩn bị cho việc ký thỏa thuận chi trả giảm phát thải từ TCAF.