Theo Thư kí báo chí Nhà Trắng Sarah Huckabee Sanders, hai quan chức cấp cao của Thổ Nhĩ Kỳ là Bộ trưởng Tư pháp Abdulhamit Gül và Bộ trưởng Nội vụ Süleyman Soylu sẽ bị đưa vào danh sách trừng phạt của Mỹ do có liên quan đến vụ bắt giữ mục sư Andrew Brunson.
Bà Sander cho biết, hành động của Mỹ được thực thi theo đạo luật Magnitsky toàn cầu, qua đó sẽ đóng băng tài sản và cấm hai quan chức trên được nhập cảnh vào Mỹ.
Lệnh trừng phạt trên cũng nghiêm cấm người dân và doanh nghiệp Mỹ không được giao dịch với những người nằm trong danh sách đen của đạo luật Magnitsky toàn cầu.
Đáp lại động thái của Mỹ, Bộ Tư pháp Thổ Nhĩ Kỳ Abdulhamit Gül nói rằng lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ không ảnh hưởng tới cá nhân ông.
"Tôi không có giấc mơ nào khác ngoài việc sống trên mảnh đất này và chết trên mảnh đất này. Tôi không có tài sản tại Mỹ hoặc ở bất kỳ quốc gia bên ngoài Thổ Nhĩ Kỳ", Bộ trưởng Abdulhamit Gül viết trên trang Twitter cá nhân.
Mục sư người Mỹ Andrew Brunson bị an ninh Thổ Nhĩ Kỳ bắt giữ hồi tháng 10/2016 về tội giúp đỡ FETO mà Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào danh sách các tổ chức khủng bố, cũng như hỗ trợ Đảng Lao động Kurdistan bị cấm ở nước này. Mục sư Branson phủ nhận các cáo buộc trên.
Trả lời phỏng vấn Sputnik, nhà khoa học chính trị Nga Vladimir Shapovalov cảnh báo động thái của Mỹ có thể gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
"Đây là một ví dụ rất sinh động về chính sách hoàn toàn vô lý, bởi những tác động tiêu cực mà các hành động của Mỹ gây ra vô cùng to lớn.
Có thể đây là lần đầu tiên trong hệ thống quan hệ quốc tế hiện đại, Mỹ áp đặt biện pháp trừng phạt cá nhân là các bộ trưởng một quốc gia đồng minh. Khó có thể tưởng tượng một tình huống vô lý hơn thế.
Rõ ràng điều này chỉ khiến cho quan hệ vốn không yên ả giữa Washington và Ankara càng trở nên tồi tệ hơn, bởi chế độ trừng phạt không thể làm cho các bên xích lại gần nhau. Ngược lại, áp lực thô bạo đối với Thổ Nhĩ Kỳ có thể đẩy Ankara rời xa Washington, và nếu tất cả điều này tiếp tục, trong tương lai Thổ Nhĩ Kỳ có thẻ rút khỏi NATO", ông Vladimir Shapovalov nhận định.