Cần ưu tiên nguồn lực cho cấp nước sạch nông thôn

Theo Tổng cục Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT), thời gian tới, sẽ tiếp tục hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, ưu tiên các nguồn lực thực hiện Chiến lược Quốc gia về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, nhất là khu vực vùng núi, vùng dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước, chịu tác động hạn mặn, biến đổi khí hậu.
Hiện nhiều người dân ở khu vực vùng núi còn gặp khó khăn về nước sạch sinh hoạt

Theo Tổng cục Thuỷ lợi, việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về cấp nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn thời gian qua đã có những kết quả tích cực.

Đến nay có 88,5% người dân ở nông thôn được sử dụng nước hợp vệ sinh và 51% được sử dụng nước sạch đây là tín hiệu hết sức khả thi.

Ngoài ra, có 75,2% người dân nông thôn có nhà tiêu hợp vệ sinh. Có 12,7 triệu hộ vay vốn theo các Chương trình về nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo Quyết định số 62…

Chương tình đã giúp nâng cao chất lượng đời sống của người dân, nước sạch và vệ sinh môi trường khu vực nông thôn được cải thiện đáng kể, góp phần thực hiện thắng lợi Chương trình mục tiêu Quốc gia về nông thôn mới.

Nhận thức của người dân và cộng đồng về sử dụng nước sạch và vệ sinh hộ gia đình thay đổi và nâng cao; tỷ lệ các bệnh liên quan đến nước sạch và vệ sinh giảm rõ rệt qua từng năm.

Tuy đã đạt được nhiều kết quả đáng ghi nhận, nhưng vấn đề cấp nước và vệ sinh nông thôn vẫn còn nhiều tồn tại.

Hiện còn hơn 30 triệu người dân nông thôn chưa được sử dụng nước đạt quy chuẩn Việt Nam (từ năm 2021 áp dụng theo Quy chuẩn cấp nước QC-01/2018/QCVN, số lượng người dân chưa được cấp nước đạt quy chuẩn còn lớn hơn nhiều).

Hơn 16 triệu người dân nông thôn đang sử dụng nhà tiêu không hợp vệ sinh, hơn 5 triệu học sinh phổ thông chưa được sử dụng công trình nước sạch và nhà vệ sinh đảm bảo trong trường học.

Đặc biệt ở vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có nhiều người dân tộc thiểu số, vùng khan hiếm nước thì điều kiện được sử dụng nước sạch và vệ sinh môi trường an toàn còn gặp nhiều khó khăn…

Chưa kể, trong thời gian tới, biến đổi khí hậu và thiên tai ngày càng nhiều, đặc biệt là hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn; lũ, ngập lụt, úng đang có xu hướng gia tăng và ngày càng cực đoan.

Tỷ lệ cấp nước sạch và vệ sinh ở nhiều vùng vẫn còn thấp so với bình quân chung của cả nước như: vùng miền núi phía Bắc, Bắc Trung Bộ và Tây Nguyên. Đây cũng là những vùng có tỷ lệ cao về người nghèo, dân tộc thiểu số.

Bên cạnh đó, năng lực và nguồn lực kiểm soát chất lượng nước ở nhiều địa phương còn rất hạn chế. Hiện chỉ gần 50% số Trung tâm nước sạch và vệ sinh nông thôn tỉnh có phòng phân tích chất lượng nước, nguồn lực phân tích chất lượng nước hàng năm cũng rất hạn chế.

Ông Lương Văn Anh, Phó Tổng cục trưởng Thuỷ lợi (Bộ NN&PTNT) cho biết, theo kế hoạch thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025, mục tiêu cấp nước và vệ sinh nông thôn phải đạt được đến 2025 là 55% dân cư nông thôn có nước sạch đạt Quy chuẩn Việt Nam, 100% trường học và trạm y tế xã có công trình nhà tiêu hợp vệ sinh, 70% có công trình cấp nước sạch…

Như vậy, trong giai đoạn tới nhiệm vụ cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn còn rất nặng nề. Theo đó, một mặt phải duy trì và nâng cấp các công trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đã xây dựng thời gian qua theo những tiêu chí, tiêu chuẩn mới, mặt khác phải xây dựng công trình mới cho những vùng chưa có công trình theo yêu cầu phát triển bền vững.

Nhiều địa phương ở Đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về nước sinh hoạt do hạn hán, xâm nhập mặn

Lãnh đạo Tổng cục Thuỷ lợi cũng kiến nghị, sớm trình Chính phủ ban hành Nghị định nước sạch nông thôn. Đồng thời, sớm trình Thủ tướng phê duyệt Chiến lược quốc gia về cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn đến 2030, tầm nhìn 2045, trong đó tập trung đảm bảo phần nguồn nước phục vụ cấp nước sinh hoạt và vệ sinh môi trường nông thôn, ưu tiên nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, hệ thống thủy lợi đã và sẽ đầu tư mới trong kế hoạch trung hạn, đảm bảo số lượng và chất lượng.

Ngoài ra, cần sớm trình Thủ tướng tiếp tục triển khai chương trình tín dụng cho chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn theo hướng tăng mức hỗ trợ và mở rộng đối tượng cho vay.

Bên cạnh cấp nước vệ sinh hộ gia đình cần tập trung giải quyết cảnh quan, môi trường, tiêu thoát và xử lý nước thải, rác thải… sẽ ưu tiên nguồn lực từ Chương trình Nông thông mới và các cơ chế chính sách ưu đãi theo quy định.

Theo ông Văn Anh, Tổng cục Thủy lợi sẽ thực hiện các công trình nước sạch nông thôn theo kế hoạch đầu tư công trung hạn 2021-2025, ưu tiên các tỉnh thường xuyên bị ảnh hưởng của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, lũ lụt, ngập úng (6 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long), vùng khan hiếm nước miền núi phía Bắc (Hà Giang, Cao Bằng, Điện Biên) là khoảng 1.500 tỷ đồng.

Các công trình cấp nước nông thôn trong Đề án an ninh nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt và quản lý an toàn, hồ đập giai đoạn 2021-2025 theo Nghị quyết của Quốc Hội; Các công trình dự kiến vay vốn Ngân hàng Thế giới cho cấp nước và vệ sinh môi trường nông thôn bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu cho 17 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long, miền Trung khoảng 8.800 tỷ đồng (400 triệu USD)…