> Hoài nghi một sáng chế động trời
Tại hội thảo, TS Khê trình bày trước các nhà khoa học, nhà quản lý Việt Nam về qui trình hoạt động, các hóa chất sử dụng trong chiếc máy phát điện chạy bằng nước của mình. Sau phần trình bày, tất cả xuống phòng thí nghiệm để tìm hiểu trực tiếp chiếc máy.
Tại buổi thực nghiệm, TS Khê đổ chất hóa học trộn trong 3 bình chứa nước. Khoảng 2 phút sau phản ứng, bật máy phát điện thì máy thắp sáng được một bóng đèn trong phòng. Khi các nhà khoa học ngắt nguồn Hydro cung cấp vào bình pin nhiên liệu, đèn tắt.
Kết quả cho thấy, chiếc máy hoạt động đúng như khả năng được TS Khê công bố trước đó. Tuy nhiên, GS. TSKH Nguyễn Đăng Hưng, tỏ ý nghi ngờ hóa chất có khả năng tách được Hydro ra khỏi nước (sau đó Hydro đi qua bình pin nhiên liệu để tạo ra dòng điện).
“Đây phải là một hóa chất cực kỳ quan trọng, một hóa chất có tính đột phá mới có thể thực hiện được phản ứng tách Hydro ra khỏi nước”, GS Hưng nói và cho rằng cần làm rõ hơn về hóa chất này.
Các nhà khoa học đặt câu hỏi về việc sử dụng thuật ngữ “chất xúc tác” như TS Khê đã công bố trước đó. Theo GS Hưng, không thể gọi chất sử dụng để tách Hydro ra khỏi nước là “chất xúc tác” như đã công bố.
TS Khê cũng cho rằng sử dụng thuật ngữ “chất xúc tác” như đã công bố là chưa chính xác, thực tế hóa chất sử dụng để tách Hydro ra khỏi nước phải gọi là chất hóa học hoặc chất khử có năng lượng.
Ông Vương Đức Tuấn, Phó Vụ trưởng Cơ quan đại diện phía Nam Bộ Khoa học và Công nghệ, cho rằng sáng chế này cần phải có sự thẩm định về mặt khoa học sâu hơn từ các nhà khoa học, đặc biệt là nhà hóa học trong nước lẫn quốc tế, trước khi giới thiệu rộng rãi.
Màn trình diễn ly kỳ
Từng là kỹ sư của Cty máy tính HP ở Mỹ, ông Khê về nước và làm Giám đốc Trung tâm nghiên cứu và phát triển công nghệ cao TPHCM. Theo những gì ông Khê giới thiệu với giới truyền thông, cơ chế hoạt động của máy phát điện chạy bằng nước là sử dụng công nghệ nano tách các phụ gia trong nước thành điện tử và proton H+ để tạo ra điện năng.
Trong buổi giới thiệu phát minh hồi tháng 1, TS Khê cho một cộng sự đổ nước lã vào ba chiếc bình bằng nhựa màu xanh. Sau đó, đổ một chất vào bình. Nước bắt đầu sôi; hai phút sau, bật công tắc của thiết bị chuyển đổi dòng điện, một bóng đèn sáng lên.
Theo giải thích của TS Khê, quá trình phản ứng đã tác động thiết bị phát ra dòng điện một chiều. Dòng điện một chiều từ thiết bị phát điện, qua thiết bị chuyển đổi dòng điện, sẽ được đổi thành dòng điện xoay chiều.
Vội vàng
Trước khi diễn ra hội thảo này, TS Khê cho biết đã có một doanh nghiệp đặt mua sáng kiến này, và ông khẳng định 6 tháng nữa, máy phát điện bằng nước sẽ có mặt trên thị trường. Tuy nhiên, hôm qua, các nhà khoa học và cơ quan quản lý cho rằng, việc công bố như vậy là vội vàng, tạo dư luận khi chưa có sự chuẩn bị, thẩm định sâu.
Hoài nghi
“Nếu đó là chất xúc tác thì nhiên liệu là nước. Còn nếu là chất khử thì nhiên liệu chính là chất khử đó vì nó là chất tham gia, bị tiêu tốn trong phản ứng tạo hydro. Trong thuyết trình của mình, TS Khê đã gọi hóa chất đó là “chất khử nano”. Vậy thì nhiên liệu phải là chính chất khử đó, chứ không phải là nước. Giống như với động cơ xăng, nhiên liệu phải là xăng chứ không phải là không khí, dù không khí cần dùng để đốt xăng.
Không dùng bất cứ nguồn năng lượng nào để biến một quá trình không tự xảy ra thành có thể xảy ra được là vi phạm Nguyên lý II của Nhiệt Động học. Còn dùng nước để sinh năng lượng, rồi lại tạo ra nước để có thể quay vòng mãi là vi phạm Định luật Bảo toàn Năng lượng” - TS Giáp Văn Dương (Đại học Quốc gia Singapore).