Cần rà soát toàn bộ cầu vượt 

TP - Theo các chuyên gia, vấn đề quy hoạch phát triển giao thông của Việt Nam thiếu tầm nhìn, đặc biệt, người đi bộ bị bỏ rơi. Trong khi đó, việc quản lý lỏng lẻo, thiếu trách nhiệm dẫn tới quốc lộ (QL) trở thành đường đô thị, nhà dân san sát mọc hai bên. Từ đó, nguy cơ tai nạn gia tăng, những tai nạn thảm khốc liên tiếp. Bộ GTVT cần rà soát toàn quốc để điều chỉnh.
Cầu vượt cho người đi bộ trên QL5 tại Hải Dương, nơi xảy ra tai nạn làm 8 người tử vong với lối xuống thẳng lòng đường. Ảnh: Thanh Hà

quy hoạch thiếu tầm nhìn, trách nhiệm thả trôi

Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, trước đây, khi đưa QL5 vào sử dụng, với 2 làn xe cơ giới và 1 làn xe máy, xe thô sơ, người đi bộ có tường hộ lan cứng che chắn. Nhiều ý kiến cho rằng, QL5 thiết kế không theo chuẩn, khi 2 làn ô tô không có làn dừng khẩn cấp. Do đó, nếu ô tô gặp sự cố sẽ dừng ngay trên 2 làn xe chạy, dễ dẫn tới tai nạn đột ngột. Vì vậy, cùng với lưu lượng phương tiện tăng lên, thiết kế đường không hợp lý, Bộ GTVT đã bỏ hộ lan, lấy làn xe thô sơ, người đi bộ làm làn dừng khẩn cấp, người đi bộ không còn đường riêng.

Cũng từ đây, cầu dành cho người đi bộ từ chỗ thiết kế hợp lý cầu thang dẫn xuống làn riêng, có hộ lan, trở thành lối dẫn thẳng xuống lòng đường, hòa vào dòng xe đông đúc. Người đi bộ từ chỗ được bảo vệ, bị đẩy vào làn xe cộ hỗn hợp, đầy rủi ro. Hậu quả lớn nhất là tai nạn làm chết 8 người đi bộ ngày 21/1 ở Hải Dương.

Ngoài ra, sau khi QL5 được nâng cấp, các tỉnh như  Hưng Yên và Hải Dương đã mở thêm đường nhánh kết nối với QL5. Tuy nhiên, chỉ một số đoạn có đường gom, còn hầu hết vẫn nối thẳng khiến QL5 quá tải. Đây là hậu quả của quy hoạch không đồng bộ, thiếu tầm nhìn, cách làm chắp vá của ngành GTVT. Hầu hết các tuyến QL hiện tại đều như vậy, khiến người đi bộ và xe thô sơ gặp nhiều rủi ro. Thực tế này dễ dẫn đến tai nạn là điều khó tránh.

Ông Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu Đường Việt Nam cho rằng, quy hoạch phát triển và cung cách quản lý giao thông phải thay đổi. Với các nước, dân cư phải nằm trong khu riêng biệt cách xa đường chính, với hệ thống đường riêng, cấm mọi trường hợp sinh sống và xây dựng nhà cửa hai bên QL, cao tốc. “Chỉ ở nước ta mới có tình trạng dân cư sống bám QL, thậm chí đất mặt QL1 còn thành “đất vàng”.

Tình trạng này không chỉ gây sức ép lên hạ tầng giao thông, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn, không lạ khi đọc những tin xe tải đâm sập nhà dân. Pháp luật hiện hành có quy định về lộ giới an toàn giao thông, cắm mốc rõ ràng. Tuy nhiên, khi hành lang an toàn được giao cho địa phương quản lý thì người dân lại lấn chiếm”, ông Long nói và cho biết thêm, giờ ông cảm thấy sợ khi ra đường.

Có thể kiện cơ quan quản lý đường bộ?

PGS.TS Phạm Xuân Mai, nguyên Trưởng khoa Kỹ thuật giao thông (ĐH Bách khoa TPHCM) cho rằng, để cầu vượt dành cho người đi bộ dẫn thẳng xuống làn xe cơ giới như ở QL5 hoàn toàn sai về nguyên tắc, không nước nào làm như vậy. Điều này gián tiếp dẫn tới cái chết của 8 người đi bộ ở Hải Dương.

Thực tế, thiết kế các cầu vượt cho người đi bộ trên QL5 ban đầu đều có cầu thang dẫn xuống lối đi riêng dành cho xe thô sơ, xe máy và người đi bộ. Chỉ khi QL5 được mở rộng, người ta mới lấy làn cho người đi bộ, xe thô sơ bị biến thành làn dừng khẩn cấp. “Đáng ra, khi biến lối đi của người đi bộ thành mặt đường, mở rộng QL5, đơn vị thi công phải bổ sung một đường gom khác. Tuy nhiên, điều này đã bị bỏ qua”, ông Mai nói. 

Theo ông Mai, ở Việt Nam, tình trạng các cơ quan thực hiện quy hoạch, đầu tư đường bộ (cả QL, đường đô thị…) “ăn bớt” phần đường dành cho người đi bộ, xén vỉa hè làm đường diễn ra khá phổ biến. Người đi bộ đáng được coi trọng lại thành nhóm xếp cuối bảng quan tâm. Tình trạng này dẫn tới có nhiều tai nạn thương tâm xảy ra, như vụ “xe điên” trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội, chiều 19/1/2019). Do vỉa hè nhỏ, lại bị lấn chiếm, nên bà bán hàng rong phải đi xuống lòng đường và bị ô tô đâm.

“Đường dành cho người đi bộ không được quan tâm, đó là trách nhiệm của chủ đầu tư, đơn vị tư vấn, trước hết là Bộ GTVT. Những gia đình nạn nhân hoàn toàn có thể khởi kiện các đơn vị chức năng đã thiếu trách nhiệm”, ông Mai nêu quan điểm.

Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch Phát triển Đô thị Hà Nội cho rằng, những người đi bộ phải đi xuống lòng QL 5 và bị tai nạn tử vong. Trường hợp này không phải do lỗi của họ mà do đơn vị thiết kế thẩm định công trình giao thông không tốt, để cho ra đời một cây cầu như vậy.

Khẩn trương rà soát cầu bộ hành trên toàn quốc

 Kiến trúc sư Đào Ngọc Nghiêm và Phó Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật Cầu Đường Nguyễn Ngọc Long đều kiến nghị: Bộ GTVT cần khẩn trương tổng rà soát toàn bộ hệ thống đường gom, cầu vượt, hầm chui cho người đi bộ cả nước. Từ đó, những vị trí nào bất cập, nguy cơ tai nạn tập trung xử lý, thêm các biển cảnh báo người tham gia giao thông. Đồng thời, xử lý trách nhiệm các đơn vị liên quan do quy hoạch “ẩu”, bỏ qua sự an toàn của người đi bộ. Xa hơn là quy hoạch dân cư xa các tuyến quốc lộ, cao tốc, quản lý chặt hành lang an toàn giao thông, xử lý nghiêm người đứng đầu các địa phương để xảy ra vi phạm.