Dân góp ý sẽ chọn được cán bộ tốt
Theo ông Phùng Hữu Phú, Phó Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Dự thảo văn kiện có rất nhiều điểm mới, trong đó nhấn mạnh việc tạo điều kiện để kinh tế tư nhân phát triển, coi kinh tế tư nhân là động lực quan trọng để phát triển đất nước.
Về nội dung xây dựng Đảng, ông Phú nói rằng, Dự thảo khẳng định tập trung xây dựng Đảng về đạo đức, đồng thời tiếp tục kiên trì thực hiện Nghị quyết Trung ương 4, chú trọng xây dựng lực lượng cán bộ chủ chốt cấp chiến lược và củng cố quan hệ mật thiết giữa Đảng với nhân dân.
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, nói rằng, Dự thảo văn kiện cần chú trọng nội dung xây dựng, chỉnh đốn Đảng để xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh. Đảng cần coi trọng thực sự vấn đề giám sát và phản biện xã hội.
“Không có dân thì làm sao chống được tham nhũng, hạn chế được sự suy thoái trong Đảng? Vì vậy, chúng ta cần coi trọng sự vào cuộc của người dân, cần phải khen thưởng thỏa đáng những người dân dũng cảm trong chống tham nhũng và suy thoái, thực sự coi trọng và phát huy vai trò của người dân”, ông Duyệt góp ý.
Về vấn đề nhân sự, ông Duyệt cho rằng, khi Trung ương làm nhân sự Ban Chấp hành khóa mới, nên có kênh nào đó để quần chúng nhân dân góp ý, giới thiệu cho Đảng. Tương tự, đối với những người dự kiến được bố trí vào các vị trí lãnh đạo quan trọng của Đảng, cũng nên có cách nào đó để nhân dân góp ý, đánh giá.
“Có thế chúng ta mới lựa chọn được cán bộ tốt”, ông Duyệt nói và đề nghị MTTQ Việt Nam cũng cần có tiếng nói về vấn đề trên. Bởi sau Đại hội XII của Đảng, cũng là lúc MTTQ phải hiệp thương, lựa chọn những người xứng đáng vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. “Chúng ta phải làm ngay từ bây giờ, chứ để đến lúc đó mới hiệp thương, nghe ý kiến thì không ổn. Cái gì đáng nói thì nên nói trước sẽ tốt hơn”, ông Duyệt nói.
Ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, góp ý, cần phải chú ý đến việc việc xây dựng đại đoàn kết dân tộc, đoàn kết trong Đảng. “Muốn dân đoàn kết thì Đảng phải nêu gương đoàn kết, chứ nếu Đảng không đoàn kết thì sẽ khiến nhân dân rất phân vân. Chúng ta không thể nói toàn dân đoàn kết khi trong nội bộ đảng vẫn còn có một bộ phận suy thoái”, ông Đảm nói.
Đổi mới kinh tế phải song hành đổi mới bộ máy
Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, cho rằng, việc đổi mới hệ thống chính trị diễn ra rất chậm, dẫn đến nền kinh tế không thể gánh nổi bộ máy hành chính. “Hệ thống chính trị của chúng ta hiện nay về cơ bản vẫn giống như thời trong chiến tranh, chưa đáp ứng yêu cầu với đổi mới kinh tế”, ông Thám nói.
Ông đề nghị, Đại hội Đảng tới đây cần phải nhận thức cho đúng về đổi mới chính trị, đặc biệt, phải quyết tâm có một cuộc đổi mới toàn diện, cơ bản hệ thống chính trị. “Tất nhiên, chúng ta phải nghiên cứu kỹ, nhưng phải quyết liệt làm. Chứ không nhìn nhận, đặt đúng việc đổi mới chính trị, đáp ứng nhu cầu đổi mới kinh tế thì những nguy cơ đối với Đảng có thể không bớt mà còn tăng nặng hơn trong thời gian tới”, ông Thám cảnh báo.
GS Trần Ngọc Đường, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, cho rằng, nếu có đổi mới về chính trị, bộ máy một cách song hành với đổi mới về kinh tế thì chắc chắn đất nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, thành tựu cũng nhiều hơn. “Nếu chúng ta mạnh dạn đổi mới về bộ máy, thì chỉ riêng việc tiết kiệm tiền lương, chi phí thôi cũng đã làm giàu cho đất nước rồi”, ông Đường nói.