Không khí đã sôi động lên từ hơn 1 tháng trước đây. Người người tập hát, từng đoàn tập hát. Ông Phó Chủ tịch huyện Cao Thanh Tấn, trần tình: Nhiều khi tổ chức chào cờ mà phát băng một cách máy móc, còn ai nấy đứng im thấy nó vô duyên đến lạ. Vô hình trung việc hát Quốc ca chỉ như một thủ tục, hơn là một tấm lòng. “Không gì linh thiêng bằng cái phút đứng dưới cột cờ hát lên bài Quốc ca. Quốc ca khơi gợi lịch sử hào hùng của dân tộc, phải được cất lên từ cái tâm yêu nước của mỗi người. Đó là khoảnh khắc để mỗi người tự ý thức về tình cảm, trách nhiệm công dân lớn lao của mình.
Ý tưởng được “thai nghén” như thế, rồi đưa ra thảo luận tại các cuộc họp, bất ngờ mọi người đều hưởng ứng. Thì ra ai cũng đều có chung suy nghĩ như vậy, nhưng chưa nói ra.
Sếp, lính cùng một đội
Ngay từ đầu, Hội thi hát Quốc ca của huyện đã tạo ấn tượng mạnh với 100 đơn vị thuộc các ban, ngành đăng ký tham gia. Mỗi đơn vị không phân biệt lãnh đạo hay nhân viên, cùng mặc đồng phục đứng dưới cờ hát vang bài hát Tiến quân ca.
Theo quy định, Hội thi tập trung vào hình thức hợp ca, không hát bè, bao gồm hai vòng sơ khảo và chung khảo. Mỗi đơn vị một đội, số lượng tùy vào số người ở mỗi cơ quan. Vậy nên có những đội thi chỉ 7 người, nhưng có những đội lên tới 20-30 người. Ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Trung tâm Văn hóa – Thể thao huyện, Phó Ban tổ chức Hội thi, cho hay, Hội thi không quy định số người cụ thể, miễn sao hát đều, hùng hồn.
Dự kiến đầu năm 2014, huyện Điện Bàn sẽ tổ chức chào cờ đầu tuần vào mỗi sáng thứ Hai. Toàn bộ cán bộ nhân viên của từng phòng ban của huyện sẽ tập trung tổ chức nghi lễ chào cờ trang nghiêm.
Chị Lê Thị Hồng Phước, chuyên viên Trạm khuyến nông, khuyến lâm huyện Điện Bàn, chia sẻ: Thực ra, từ khi đi làm tới giờ rất ít khi hát Quốc ca, nhất là lời 2 thì hầu như ít ai biết tới. Những khi có dịp lễ hội thì phần lớn cũng mở băng đĩa nên khi đứng vào hàng ngũ dự thi mình cũng thấy hồi hộp lắm. Để chuẩn bị cho Hội thi, cả 6 thành viên thuộc Trạm mỗi ngày sau giờ làm đều tập trung tập hát. “Không đơn giản tí nào. Ngoài việc phải thuộc lời hai, thì hát làm sao cho đồng đều và truyền tải được hào khí của bài Quốc ca” - chị Phước tâm sự.
Ngày dự thi khối cụm, đơn vị trạm khuyến nông, khuyến lâm được đánh giá cao do hát đúng kỹ thuật, và sáng tạo. Dưới cờ Tổ quốc, các thành viên ăn mặc chỉnh tề, đặt tay lên ngực hát vang Tiến quân ca.
Chị Bích Thủy, nhân viên Bảo tàng huyện, chia sẻ: “Cuộc thi là dịp để nhìn lại mình. Lâu nay mình vẫn tưởng thuộc và hát được. Nhưng nhận thức một cách sâu sắc, hát đúng kỹ thuật và hát với tấm lòng của mình về bài Quốc ca thì đúng là bây giờ mình mới cảm nhận rõ”.