Sáng 13/5, các luật sư được quyền xét hỏi nhóm 15 bị cáo trong vụ án gian lận điểm thi THPT Quốc gia các năm 2017 - 2018 tại Hòa Bình.
Tiến hành khai báo, bị cáo Nguyễn Khắc Tuấn - chuyên viên Phòng Khảo thí Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình cho biết rất ăn năn, hối hận vì nâng điểm bài thi trắc nghiệm. Khắc Tuấn khai mình được Đỗ Mạnh Tuấn - Phó hiệu trưởng trường nội trú Lạc Thủy kiêm Ủy viên chấm thi trắc nghiệm nhờ nâng điểm và nể nang nên nhận lời.
Khắc Tuấn nói: "Tôi bảo không giúp, anh Tuấn vẫn nói và đưa tôi xem danh sách nói có cả Trưởng phòng PA83 rồi, có chống lưng rồi, lo gì? Tôi thấy có Khương Bá Anh, biết là chiến sĩ công an ở huyện Kim Bôi nên yên tâm. Tôi tình cảm, nể nang anh Tuấn đã giúp đỡ tôi lên Sở, còn cho tôi ở nhờ... nên mới phạm tội".
Luật sư đặt câu hỏi, Mạnh Tuấn có hướng dẫn khai báo gian dối? Khắc Tuấn khẳng định: "Có. Khi lên công an tỉnh khai báo hành vi phạm tội của mình và gặp ở nhà vệ sinh, anh Mạnh Tuấn nhắc bị cáo khai sai về số thí sinh nhờ, khai là cùng cầm chìa khóa vào phòng thi".
Ra tòa, Diệp Thị Hồng Liên khai đã đề nghị các giám khảo chấm "có lợi cho học sinh của tỉnh mình" nhưng không hề ép buộc cấp dưới chấm theo yêu cầu. Bị cáo nói: "Về chuyên môn, chấm thế nào do các giáo viên. Tôi không có chỉ đạo với bất kỳ trường hợp nâng điểm nào cụ thể... Cáo trạng nêu tôi có động cơ vụ lợi cá nhân nhưng động cơ của tôi là do nể nang".
Đáng chú ý, bị cáo Liên cho rằng có nhiều trường hợp gian lận, mình không làm theo sẽ khó vì: "Ai cũng gù, mình thẳng lưng sẽ thành khuyết tật".
Tương tự, bị cáo Bùi Thanh Trà - giáo viên kiêm tổ trưởng chẩm thi môn Ngữ Văn khẳng định không có vụ lợi trong việc yêu cầu giám khảo nâng điểm. Trà khai: "Tinh thần chung là khi chấm thi cho học sinh tỉnh mình cần chấm "nới tay" vì biết học sinh Hòa Bình còn yếu... Chấm “nới tay” vì môn Ngữ văn có dung sai, quan điểm của mỗi giáo viên khác nhau... Tâm lý là trong trường hợp nào cũng giúp được các em có cơ hội được lấy bằng tốt nghiệp, có cơ hội việc làm".