Phó tổng thanh tra chính phủ Trần Đức Lượng:
Cán bộ giàu nhanh phải đặt nghi vấn
Chính phủ vừa ban hành Nghị định 68 sửa đổi, bổ sung quy định về minh bạch tài sản, thu nhập, ông có thể nói cụ thể hơn về việc công khai bản kê khai tài sản?
Thông qua giám sát, nếu một cán bộ, công chức nào đó giàu lên nhanh chóng thì phải đặt ra nghi vấn.
Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng
Qua thực tế triển khai Nghị định 37 về minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn đã thấy một số vướng mắc, khó khăn, cần bổ sung rõ ràng hơn. Nghị định 68 đề cập đến 10 nội dung, thì tôi tâm đắc nhất nội dung liên quan đến công khai, minh bạch bản kê khai tài sản. Nhưng ở đây là công khai có nguyên tắc.
Nghị định 68 quy định, bản kê khai tài sản của người có chức vụ, quyền hạn phải được công khai ở cơ quan, tổ chức, đơn vị mà mình công tác.
Ví như tôi công tác ở Thanh tra Chính phủ, giữ cương vị Phó Tổng Thanh tra, hằng năm tôi kê khai tài sản, thì những cán bộ xung quanh tôi phải được biết tài sản, thu nhập của tôi để người ta giám sát. Người được Quốc hội bầu và phê chuẩn thì phải công khai tài sản cho đại biểu Quốc hội. Đây là một bước tiến.
Thưa ông, trong Nghị định đề cập đến việc niêm yết công khai 30 ngày bản kê khai tài sản, ông có thể nói rõ hơn?
Nghị định đề cập nhiều hình thức công khai, trong đó có việc niêm yết tại trụ sở cơ quan, tổ chức, đơn vị. Thông thường cuối năm cán bộ, công chức có nội dung sinh hoạt kiểm điểm quá trình công tác trong năm, bình bầu thi đua, thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của cán bộ, công chức trong đó có việc kê khai tài sản. Khi đó, người có chức vụ quyền hạn phải thông tin cho cán bộ, công chức, Đảng viên cùng sinh hoạt về biến động tài sản. Ví như, năm vừa rồi cán bộ đó có mua một chiếc ô tô, bán một mảnh đất được giá chênh lệch nên mua thêm một căn hộ… Tuy nhiên, có trường hợp không tổ chức được cuộc họp cán bộ thì phải niêm yết tại trụ sở cơ quan, đơn vị để công khai cho mọi người biết.
Như vậy là chỉ niêm yết công khai khi không tổ chức được cuộc họp trong cơ quan?
Nghị định không bắt buộc phải niêm yết bản kê khai mà hình thức công khai tại cuộc họp hay niêm yết là do thủ trưởng đơn vị quyết định. Thậm chí, có thể công khai bằng cách đăng trên tờ tin hoặc trang web của đơn vị. Nghị định đưa ra một số hình thức công khai, còn lựa chọn hình thức nào là thủ trưởng cơ quan, đơn vị quyết định.
Vừa rồi, chúng tôi cũng có ý tưởng làm sao để công bố công khai bản kê khai tài sản, thu nhập tại cộng đồng dân cư, nhưng vấn đề này chưa có sự thống nhất cao. Do vậy, lần này công khai trước hết tại cơ quan, đơn vị công tác. Như vậy là bản kê khai tài sản không còn bí mật nữa. Trong thực tế bản kê khai đã được tan tỏa khá rộng. Còn khi bổ nhiệm cán bộ cấp phòng thì dứt khoát phải công khai trong phòng, bổ nhiệm cấp vụ, cục thì phải thông tin trong vụ, cục, cấp Thứ trưởng thì người được bỏ phiếu giới thiệu thứ trưởng (từ chuyên viên chính trở lên) phải được công khai.
Còn cơ chế giám sát việc kê khai không trung thực có được bổ sung gì không, thưa ông?
Nghị định 68 đã tiến lên một bước trong hoạt động giám sát. Trong đó, quy định quyền giám sát của các tổ chức, xã hội và đặc biệt nhấn mạnh vai trò của MTTQ và các tổ chức thành viên, tổ chức Đảng. Thông qua giám sát, nếu một cán bộ, công chức nào đó giàu lên nhanh chóng thì phải đặt ra nghi vấn. Khi việc công khai, minh bạch rõ hơn thì hoạt động thẩm tra, xác minh sẽ dễ hơn. Trong Nghị định 68, đã quy định rõ hơn trình tự, thủ tục, thẩm quyềt liên quan hoạt động thẩm tra, xác minh sẽ dễ hơn.
Nhưng cũng có lo ngại là người có nghĩa vụ kê khai sẽ tìm cách chia nhỏ tài sản xuống dưới 50 triệu đồng để tránh phải kê khai bổ sung, thưa ông?
Nghị định 68 đã quy định nguyên tắc kê khai, nhấn mạnh rất rõ yêu cầu “tự kê khai, tự chịu trách nhiệm”. Rõ ràng, việc đánh giá giá trị của tài sản tăng thêm là rất khó khăn, thậm chí rất khác nhau. Tôi dẫn chứng, một người có tài sản tăng thêm nhưng cho rằng trị giá chưa đến 50 triệu, người khác lại bảo trên 50 triệu đồng. Do vậy, người có tài sản chịu trách nhiệm tự định giá.
Lần này chúng ta tăng chế tài xử lý với hình thức kỷ luật nặng nhất là cách chức người kê khai không trung thực, ông có thể nói cụ thể mức độ sai phạm thế nào thì bị cách chức?
Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ và có hướng dẫn các mức độ sai phạm để xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Các hình thức kỷ luật quy định trong Nghị định 68 hoàn toàn phù hợp với quy định chung về xử lý kỷ luật cán bộ, công chức. Ví như, cán bộ kê khai không trung thực, dẫn đến mất niềm tin của cấp dưới, không đủ uy tín để đảm nhiệm chức vụ thì chắc chắn anh không thể ngồi ở vị trí lãnh đạo đó được. Người không có chức vụ lãnh đạo thì phải chịu chế tài khiển trách, cảnh cáo, xem xét thi đua, khen thưởng, nâng lương và uy tín chính trị trong quá trình công tác.
Ngày 16- 8, Thanh tra Chính phủ, Ngân hàng thế giới đã tổ chức vòng chung kết Chương trình “Sáng kiến phòng chống tham nhũng Việt Nam 2011” với chủ đề tăng cường liêm chính công và thực thi pháp luật góp phần phòng chống tham nhũng hiệu quả. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Đức Lượng, công tác phòng chống tham nhũng ở Việt Nam có chuyển biến tích cực, dù đã có nhiều cố gắng, quyết tâm nhưng nhìn chung tham nhũng ở Việt Nam vẫn còn nghiêm trọng.