Cai nghiện ở cao nguyên đá

TP - Chúng tôi đến Trung tâm chữa bệnh, giáo dục lao động xã hội tỉnh Hà Giang (gọi tắt là trung tâm), nơi những người nghiện của tỉnh biên giới này đang tìm cách đoạn tuyệt với ma túy, tìm lại chính mình.

> Hà Giang cần đẩy mạnh giảm nghèo

Ông Tống Khánh Hải, Giám đốc Trung tâm cho biết, Trung tâm được thành lập năm 2007, bắt đầu hoạt động năm 2008, hiện quản lý, giáo dục 60 đối tượng cai nghiện.

Đặc biệt, theo ông Hải, ở đây, 100% bệnh nhân là nam, người cao tuổi nhất 48 tuổi, trẻ nhất 18, hầu hết ở nông thôn, nhận thức về các tác hại của ma túy còn hạn chế.

Ông Nguyễn Duy Khoa - Trưởng phòng giáo dục hòa nhập cộng đồng của Trung tâm cho biết, những người điều trị ở đây hầu hết đều đã nghiện lâu năm, nhiều người đã cai tại cộng đồng nhưng chưa dứt nên được chuyển về đây cai tiếp.

Để nâng cao năng lực hành vi, nhận thức về cuộc sống, gia đình, tác hại của ma túy, Trung tâm tự soạn thảo một bộ sách giáo dục về nhân cách, hành vi, tư tưởng gồm 56 bài giảng.

Mỗi tuần, các bệnh nhân sẽ được học tập trung 3 buổi. Nội dung chủ yếu xoay quanh các bài giảng về tình cảm gia đình, giá trị đồng tiền… nhằm thay đổi ý thức, trách nhiệm của những người nghiện, giúp họ chiến thắng được ma túy.

Ngoài việc giáo dục nhân cách, Trung tâm cũng bố trí những khu chăn nuôi bò, dê, thả cá, trồng rau… khu luyện tập, thể dục, thể thao trên diện tích 20 ha, tạo công việc, lao động, hoạt động thể lực cho chính những bệnh nhân trong thời gian cai nghiện.

Theo bà Trần Thị Cúc – Nhân viên y tế của Trung tâm, hiện tại ngoài việc cắt cơn cho bệnh nhân bằng thuốc an thần theo phác đồ điều trị của Bộ Y tế, Trung tâm cũng áp dụng các biện pháp như mát - xa, phục hồi sức khỏe…

“Sau khi vào đây, Trung tâm sẽ giúp các học viên cắt cơn nghiện, sau đó, tùy theo tình hình sức khỏe sẽ bố trí gia nhập vào đội lao động của trung tâm, đồng thời tham gia các hoạt động thể dục, thể thao” –
Bà Cúc nói.

Gần đến bữa cơm tối, ngó qua bếp ăn của Trung tâm, thấy chỉ có rau luộc và nước mắm đặt trong lồng bàn. Ông Tống Khánh Hải, cho biết, mỗi tháng, chế độ ăn cho các bệnh nhân chỉ từ 240 đến 280 nghìn đồng.

Ngoài ra suất ăn của người cai nghiện còn phụ thuộc chính những sản phẩm lao động được của các bệnh nhân trong Trung tâm. Gia đình các bệnh nhân đa phần cũng nghèo, không có tiền gửi vào thăm nuôi.

Ăn uống kham khổ, nhưng vào Trung tâm, tránh xa được ma túy, học viên nào cũng béo ra. Anh Thèn Ngọc Thắng- 38 tuổi (thị trấn Mỹ Xuyên), qua gần một năm ở Trung tâm đã tăng 5kg.

Anh Thắng bảo, trước đây, trong quá trình chạy xe, dính vào nghiện ngập. Bây giờ đã cắt được cơn hoàn toàn, thấy khỏe hơn nhiều. Hiện tại, anh Thắng ở cùng với 12 học viên khác trong cùng một phòng và được giao nhiệm vụ quản lý các anh em.

Anh Thắng bảo, cả phòng ai cũng tăng cân, khỏe mạnh, đang chờ ngày về với gia đình.

Dạo qua các phòng của học viên, nhìn những tấm chăn, màn được gấp vuông vức ai cũng tin, những người này đang quyết tâm xa rời ma túy. Trước sự thăm hỏi, động viên của khách, nhiều học viên rơi nước mắt.

Dẫn chúng tôi đi thăm những học viên chưa cắt được cơn, bà Trần Thị Cúc nói: “Với những học viên mới vào, chúng tôi phải cách ly, khi nào cắt cơn xong, mới chuyển sang khu học viên đã cắt cơn và được đi lao động, hoạt động thể thao”.

Chúng tôi đến thăm phòng của hai học viên chưa cắt được cơn. Theo người của Trung tâm, anh Nguyễn Văn Hải (45 tuổi, quê ở Thị trấn Việt Lâm) mới bị bắt buộc vào trại.

“Khoảng bốn năm trước, tôi đi làm phu mỏ vàng, đua đòi với đám bạn, nghiện ngập mới ra nông nỗi này” - Người đàn ông đã có cháu ngoại với vẻ mặt khắc khổ, thú nhận.

Cùng phòng với anh Nguyễn Văn Hải là Ngô Xuân Trường. Trường vừa đến Trung tâm được 5 hôm. Trường cho biết, trước đó, đã cai nghiện ở nhà nhưng không thành công, nên tìm đến Trung tâm, hy vọng sớm dứt khỏi nghiện ngập về với gia đình.

“Vào trong này cắt cơn dễ hơn. Bây giờ mình không còn nhớ ma túy nữa rồi, chỉ còn nhớ con thôi. Con mình mới được 20 tháng tuổi. Mình nhớ nó lắm” - Anh Trường tâm sự.

Buổi chiều, trước khi Đoàn kiểm tra rời khỏi, các học viên được ra sân chơi đá bóng. Nhìn những con người trước đây là nô lệ của ma túy, giờ lại vui vẻ với cuộc sống, với hoạt động thể thao, sẵn sàng hòa nhập với cộng đồng, ai cũng mừng cho họ.

Theo Báo giấy