> Lê Khắc Cường với điêu khắc ngựa cực lớn
> Hình thể mới - tham vọng đổi mới nghệ thuật điêu khắc
Bốn tác phẩm điêu khắc đề tài Trâu - Ngựa kích thước lớn mang đến nhiều suy tưởng thú vị (có tác phẩm chiếm nửa phòng trưng bày). Lê Khắc Cường trao đổi cởi mở với Tiền phong Chủ nhật về sáng tác của mình.
Vì sao triển lãm của anh lại mang tên “Góc khuất”, khi trên thực tế, đó là 4 tác phẩm điêu khắc mang hình “trâu - ngựa” được tạo hình theo phong cách hiện thực - biểu hiện?
Tôi đặt tên triển lãm với ý nghĩa gián tiếp là: Người nghệ sĩ làm việc ngoài cảm hứng còn cần sự nghiêm túc, tĩnh tâm, luôn đối diện chỉ với chính mình trong một không gian riêng tư về mặt tinh thần cũng như không gian thực tế để sáng tác, đó chính là góc khuất đối với thế giới bên ngoài.
Ý định làm tác phẩm điêu khắc bằng chất liệu composite đến với anh từ khi nào, vì sao anh lại chọn loại vật liệu có vẻ rất “công nghiệp” này? Trong khi trước đó anh đã đi một quãng đường dài với vật liệu khác là gốm?
Sau khi sáng tác điêu khắc trong một khoảng thời gian khá dài với chất liệu đất nung và mặc dù vẫn rất yêu thích chất liệu này, tôi nhận thấy đất nung có nhiều hạn chế như: rất khó thể hiện với kích thước lớn, và với một số ý tưởng sáng tác, một số cấu trúc hình thể thì không thể thực hiện được tác phẩm trên chất liệu này. Với chất liệu composite thì ngược lại. Đây là chất liệu được sử dụng khá phổ biến trong điêu khắc hiện đại, mang tính linh động, tính bền vững rất cao.
Ở nước ngoài composite là một chất liệu điêu khắc hiện đại được sử dụng khá phổ biến. Ở VN thì không thế. Có vẻ rất ít người làm như anh, theo anh vì sao?
Quả thật, hiện ở VN rất ít người sáng tác trên chất liệu composite như tôi, hoặc nếu có làm thì đa phần là tượng nhỏ, tượng lớn hầu như không thấy. Nhưng vì sao thì tôi cũng không rõ.
Trong khi chất liệu composite theo tôi là chất liệu ưu việt. Nó có thể cho phép thực hiện những công trình rất lớn, chi tiết phức tạp, lại có thể sửa chữa khá chủ động, giá sản xuất chỉ bằng khoảng 1/3 so với các chất liệu đồng, đá… Theo tôi đây là một chất liệu có tính ứng dụng cao, rất phù hợp với Việt Nam.
Xem tác phẩm của anh, thấy khá hợp với việc trưng bày tại sảnh lớn các tòa nhà, tại công viên… Anh có nhận xét gì về thị trường này? Dường như chủ đầu tư các công trình kiến trúc lớn hiện nay đang ít quan tâm đến mỹ thuật tạo hình nói chung và điêu khắc nói riêng?
Tôi tin rằng đây là một thị trường đầy tiềm năng trong tương lai nhưng để phát triển nó cần quá nhiều điều kiện, mà cái đầu tiên cần vượt qua là sự coi thường mỹ thuật, ngay cả khi người ta không thiếu tiền.
Đây là tôi đang nói đến thị trường của các tác phẩm nghệ thuật không gian đích thực. Còn thị trường của những sản phẩm mang tính trang trí trong không gian thì cũng có nhiều điều cần bàn nhưng xin không đề cập ở đây.
Làm nghệ sĩ nghĩa là sáng tạo, nhưng cũng phải nghĩ đến việc bán tác phẩm, xin anh cho biết công việc này hiện nay (bản thân anh và đồng nghiệp điêu khắc nói chung)? Có khó khăn gì không, anh mong muốn gì về khía cạnh này?
Tôi quan niệm một cách rõ ràng là sáng tác nghệ thuật cũng là một công việc, mà công việc nào cũng có cơ hội và thách thức riêng. Nghệ thuật đích thực luôn khó khăn và nghiệt ngã ngay cả với những tài năng.
Với tôi sự trả giá cho những đam mê của mình là hoàn toàn tự nguyện, còn những nhận xét, đánh giá về thẩm mỹ và giá trị nghệ thuật các tác phẩm của tôi lại thuộc về những người xem, họ sẽ có những cảm nhận riêng.
Xin cảm ơn anh!
Cù Lu
Thực hiện