Cũng rất chớp nhoáng, cơ quan điều tra vừa khoanh vùng, triệu tập xử lý gọn mấy đối tượng tung tin nhảm về dịch bệnh Ebola xuất hiện tại Hà Nội.
“Các mẹ ơi tin khẩn, dịch bệnh Ebola đã đến VN rồi nhé, tại bệnh viện Bạch Mai, tin nội bộ không nên để lộ ra. Các mẹ biết để phòng tránh cho gia đình và bé con nhé”.
Mấy ngàn mẹ trong “Hội nuôi con bằng sữa mẹ” hết hồn khi đọc tin “khẩn” của một mẹ, vội “se” ra cảnh báo khắp nơi. Đến khổ với mấy mẹ!
Nhưng dù sao vụ này cũng dễ thông cảm hơn mấy “bố” dụng công và rắp tâm viết rồi đăng bài “Gái miền Tây và 3 chữ N nổi danh thiên hạ” trên báo điện tử Trí Thức Trẻ thuộc Hội Trí thức khoa học và Công nghệ trẻ VN, nhưng nghe nói thực chất của Cty Cổ phần truyền thông Việt Nam – VC Corporation, vừa bị phạt nặng kể trên (Bạn đọc đừng nhầm đây là phiên bản điện tử của ấn phẩm chuyên đề Tri Thức Trẻ thuộc báo Tiền Phong nhé). Một tác phẩm “báo chí” vô đối về sự liều mạng và bệnh hoạn.
Vụ “mẹ tự tử lấy tiền phúng viếng cho con ăn học” ở Cà Mau vừa được các báo mạng ầm ào đăng tải. Cư dân mạng được phen xót xa, bức xúc, cộng thêm sự rủa sả từ những nhà “đạo đức học” bàn phím. Mà chẳng ai thèm đọc lại bản tin đến quá dòng thứ 3 để biết rằng sự việc trên đã xảy ra từ tháng 4/2013, nay được báo mạng xào lại.
Có lẽ hưởng ứng thời sự mùa khai trường đang đến, các báo tranh thủ “khai quật” hàng cũ để kiếm miếng chăng ? Dù có báo tỏ ra “biết điều” hơn với phi lộ: “Chuyện một người mẹ tự tử để gia đình có sổ hộ nghèo được vay tiền cho con đi học xảy ra từ hơn 1 năm trước, bỗng nhiên trở lại nóng bỏng cộng đồng mạng”. Thế mà “cộng đồng mạng” vẫn vô tư, chẳng cần biết cũ mới, đúng sai gì, chộp được cái tít giật gân trôi nổi trên mạng là chém lấy chém để.
Không cứ gì đại gia hay giới showbiz, ngay đến một ngôi chùa cũng có thể dính vào khủng hoảng truyền thông, nói theo kiểu dân dã là “búa rìu dư luận”, nếu ở đó xảy ra vụ việc khiến dư luận chú ý. Hai mặt của dư luận đều sắc như nhau, thậm chí đằng chuôi còn sắc hiểm hơn đầu lưỡi. Bởi dư luận thường quen dựa vào những nguồn tin gây sốc, nhưng không rõ ràng, thiếu xác thực hoặc bị bẻ vặn theo ý đồ nào đó, tạo ra những định kiến cực đoan.
Vậy nên, khi các mẹ tám trên mạng cho con bú mẹ hay bú bình không sao, nhưng thì thầm về việc “giấu dịch” là bị “khoanh” liền. Bởi trong định kiến cực đoan của một thứ “dư luận”, không ít người đã mặc định một cách nguy hiểm rằng “giấu dịch là thói quen của ngành y tế (!?)”.
Cũng như nhiều trang báo mạng lâu nay tự mặc định (với chính mình), rằng cải thế chứ cải nữa cũng chả chết ai !! Thế nên bây giờ chết tốt. Bởi không khôn ngoan hơn tý nữa để biết rằng có những điều húy kỵ không bao giờ được bước qua. Câu view bằng dư luận, nhưng nhiều lúc chỉ tiến thêm một bước, là gặp ngay cả núi “đá” của dư luận.
Các mẹ “cải”, biết rồi chứ !