Các cựu tướng lĩnh, cựu đại sứ chung tay khắc phục hậu quả bom mìn

TP - Trong những ngày này, các thành viên ban vận động thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam đang gấp rút hoàn tất công tác chuẩn bị cho ngày ra mắt chính thức (12/11) tại Hà Nội.
Trung tướng Phạm Ngọc Khóa.

Tiền Phong đã có cuộc trò chuyện với Trung tướng Phạm Ngọc Khóa, nguyên cục trưởng Cục tác chiến, Bộ tổng tham mưu, Phó trưởng ban vận động.

Xin ông cho biết về thực trạng bom mìn ở Việt Nam?

Tính đến nay, Việt Nam có hơn 100.000 người là nạn nhân của bom mìn. Theo thống kê mới đây, hàng năm có tới hàng trăm người là nạn nhân mới của bom mìn. Họ đi cuốc đất, trồng cây cũng bị trúng mìn. Thời chiến, những khu vực miền trung như Quảng Trị, Thừa Thiên- Huế, Quảng Nam , Quảng Ngãi, Bình Định hay các tỉnh dọc biên giới phía bắc như Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang tập trung rất nhiều bom mìn.

Giờ thời bình, ở các vùng đó cây cỏ mọc lên, che lấp hết bom mìn còn sót lại. Chúng ta đã tiến hành rà phá khá nhiều, nhưng không xuể. Hậu quả của bom mìn còn sót lại đến nay vẫn gây tác động ghê gớm. Nó không những làm cho nhân dân bị thương vong, mà còn làm cho môi trường bị hủy hoại. Bao nhiêu hecta đất hiện nay lẽ ra được khai hoang trồng trọt, nâng cao đời sống nhân dân, nhưng hiện nay do mìn vẫn còn nên chưa thể vào khai phá.

Ông có thể cho biết, đến bao giờ số lượng bom mìn còn sót lại sẽ được rà phá hết?

Hàng năm, với sự nỗ lực của chính phủ VN, cùng với các tổ chức phi chính phủ, tổ chức nhân đạo quốc tế đã hỗ trợ Việt Nam rà phá bom mìn. Tuy nhiên, theo tính toán của các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế , với tốc độ như hiện nay, phải 300 năm nữa mới rà phá được hết số bom mìn còn sót lại. Chính vì vậy, Thủ tướng chính phủ đã có quyết định về việc thành lập Hội hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn Việt Nam với mục đích tuyên truyền vận động để nhân dân thấy được hậu quả khốc liệt của bom mìn còn sót lại trong chiến tranh cũng như có biện pháp phòng tránh và khắc phục hậu quả của bom mìn. Tôi cho rằng, nếu chúng ta không nhanh chóng tuyên truyền và hỗ trợ các nạn nhân bom mìn, hàng năm sẽ còn thêm những nạn nhân mới.

Hiện nay đã có bao nhiêu tổ chức trong và ngoài nước ủng hộ chương trình này?

Trước đây, theo chỉ đạo của Thủ tướng chính phủ, chúng tôi đã tổ chức hội nghị tuyên truyền về hậu quả bom mìn VN và nhận được sự ủng hộ của nhiều nhà hảo tâm và chính phủ các nước như Mỹ, Đức, Pháp, Canada…. Sau khi Hội chính thức được thành lập, chúng tôi hy vọng sẽ thu hút thêm nhiều hội viên tham gia cũng như vận động được nhiều tầng lớp nhân dân, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

Dự kiến, Đại hội thành lập sẽ có bao nhiêu đại biểu tham dự, thưa trung tướng?

Trước mắt, sẽ có khoảng 127 đại biểu gồm hơn 60 người là các tướng lĩnh, sỹ quan quân đội nghỉ hưu, còn lại là các cựu đại sứ Việt Nam ở nước ngoài và các nhà khoa học.

Mục tiêu ưu tiên đầu tiên sau khi thành lập Hội là gì, thưa ông?

Trước mắt, Hội sẽ nhanh chóng kiện toàn các cơ cấu tổ chức của trung ương hội, đồng thời chỉ đạo các địa phương, nhất là các nơi chịu ảnh hưởng nặng nề của bom mìn thành lập các hội địa phương để cùng chung tay góp sức một cách có hệ thống.

Xin cảm ơn trung tướng và chúc đại hội thành công.

Trung tướng Phạm Ngọc Khóa đã từng tham gia chiến trường Quảng Trị giải phóng miền Nam, tham gia cuộc chiến bảo vệ biên giới Tây Nam. Ông mang trên người 5 vết thương chiến tranh, trong đó hai vết thương ở hai bên đầu gối là hậu quả của bom mìn tại chiến trường Campuchia năm 1979. Di chứng của chiến tranh khiến ông thường bị ù tai, đau đầu và đau nhức dữ dội ở chỗ bị thương