> Lại chìm vào đêm
> Người đàn bà khát nước
Nhưng tôi biết chắc một điều rằng có những cô gái chỉ tưởng rằng mình đang yêu, hoặc nhìn nhận tôi như một lối thoát. Nhiều cô gái Việt Nam thường mơ về một hoàng tử người nước ngoài quyến rũ. Vị hoàng tử đó sẽ đến, bế bổng họ lên và đưa họ đến một vùng đất thần tiên nào đó xa, rất xa. Những người như vậy không tồn tại. Có lẽ tình yêu thực sự không tồn tại và người Việt Nam đã học cách chấp nhận sự thực này từ lâu.
Hôn nhân, tôi nghĩ, không khác nào một bản hợp đồng mang tính xã hội. Nên cưới người có nhận thức, tâm hồn hòa hợp với bạn chứ đừng bao giờ là sự kết hợp có toan tính. Và nếu như được kết hôn với người có tính cách tốt thì cuộc sống của bạn có thể sẽ trở nên đẹp đẽ hơn.
Bà ngoại và mẹ đã cảnh báo tôi nhiều lần. “Nhiều cô gái Việt Nam sẽ quyến rũ con chỉ bởi vì họ biết con là Việt Kiều Mỹ. Những người ấy muốn có một tấm chồng Việt Kiều chứ không phải là con người thật của con”.
Nhưng tôi biết, tại một số địa phương ở Việt Nam, một cô gái kết hôn với Việt Kiều còn không gây sốc bằng việc cô ấy cưới người da trắng. Làm như vậy, các cô gái lập tức bị cho là những kẻ đào mỏ, còn cưới Việt Kiều thì sao? Một Việt Kiều sẽ giúp cô ấy giữ nguyên nhận dạng Việt Nam và vẫn đảm bảo cho cô một cuộc sống thoải mái và giàu sang.
Rất nhiều người sai lầm nghĩ rằng kết hôn với Việt Kiều thì họ sẽ được nhấc khỏi hố sâu nghèo đói và được hưởng vinh hoa. Sự thực khác xa điều họ tưởng.
Trước đây Liên đã thương tôi vì chính con người của tôi, có lẽ tôi đã rất may mắn. Nếu tôi yêu một người khác, liệu cô ấy yêu tôi chỉ vì tôi là Việt Kiều? Các cô gái thường thấy John hấp dẫn hơn, họ không quan tâm lắm tới Hùng.
Suy nghĩ ấy càng đè nặng lên tâm trí tôi khi tôi tới Nghệ An, nơi tôi gặp một cô gái rất giống với cảnh báo của bà ngoại và mẹ.
***
Tôi đến Vinh, Nghệ An. (…) Tôi đã từng tới đây hai năm trước. Lúc đó lớp của tôi đã đi thăm vùng núi Nghệ An để mang quần áo, đồ dùng, thực phẩm cho những người dân tộc. Chúng tôi đã tới thăm hai ngôi trường ở Con Cuông. Vài em nhỏ đưa chúng tôi về nhà các em, những ngôi nhà vắng bóng cha mẹ.
Cha mẹ các em phải đi xa tìm việc làm nên chỉ còn những người già, trẻ con chăm sóc lẫn nhau. Không giống như trò chơi của trẻ con, khi chúng vẫn chơi đùa cùng các bạn. Đây là sự thật. Đứa bé gái chín tuổi bỏ học để ở nhà chăm đứa em lên ba.
Kỉ niệm đó khiến tôi muốn được tìm hiểu thêm, tôi đã muốn quay trở lại vùng núi đó. Một cô gái đồng ý giúp đỡ tôi. Thanh có dáng vẻ khá dễ thương, đủ xinh xắn để người ta phải ngước nhìn lần thứ hai khi cô ấy đi ngang qua.
Hơn tôi ba tuổi, nhưng cô muốn chúng tôi xưng hô với nhau bằng “tớ”, “cậu”. Là một vũ công, biên đạo múa dân tộc, cô có dáng người thanh mảnh và đôi tay dài uyển chuyển. Tôi có thể hình dung ra những điệu xoay và nhảy duyên dáng khi cô biểu diễn.
“Tớ rất thích ý tưởng về chuyến đi của cậu, ước gì tớ có thể đi cùng”, cô ấy nói với giọng Hà Nội. “Tớ thực hiện chuyến đi một mình, nhưng nếu muốn thì cậu có thể cùng tớ tới thăm những người dân tộc thiểu số”. “Đương nhiên rồi, tớ không thể để một cậu bạn đẹp trai thế này đi một mình được, nguy hiểm lắm”, cô ấy cười với một cái nháy mắt.
Thanh mời tôi tới ăn tối. Cô ấy sống cùng mẹ và em trai. Cha của Thanh mất khi cô mới bốn tuổi. Bức hình một người lính khôi ngô được treo trong phòng khách, và ban thờ của ông chiếm phần lớn không gian tầng trên của ngôi nhà. Mẹ của Thanh không tái hôn.
Thanh làm một bữa tối đơn giản cho hai người. “Cậu có người bạn nào tớ có thể ngủ nhờ tối nay không?”. Tôi hỏi, biết rằng đã bắt đầu muộn. “Cậu có thể ở đây”, cô nói.
“Cậu có chắc không, tớ không muốn làm phiền”, tôi hỏi lại, cảm thấy hơi bất tiện khi ở lại nhà một cô gái. “Không sao đâu”. Tôi biết việc này không dễ được chấp nhận trong văn hóa Việt Nam, thường thì người ta không làm vậy, nhưng lúc đó tôi cũng không có nơi nào để trú ngụ nữa. (…)
Ngày tiếp theo chúng tôi đi xe buýt đến Quỳ Hợp, Nghệ An. Với hơn 1.200.000 đồng của tôi và 1.000.000 đồng Thanh đóng góp, chúng tôi đã mua được hai thùng vở, bút chì, với rất nhiều bánh kẹo.
Chúng tôi ở nhà dì của cô và bàn nhau cách để chuyển mọi thứ lên núi. Thanh liên lạc với một người bạn cũ, người biết một người khác đang dạy học trong những ngôi làng trên núi. Người giáo viên sẵn sàng giúp đỡ, nhưng cuối cùng sự giúp đỡ này cũng có cái giá của nó.
“Ở Việt Nam, người ta đồng ý giúp cậu việc này việc kia, thì cậu phải trả cho họ ít tiền hay cái gì đấy”, người giáo viên nói khi chúng tôi gặp nhau. Nụ cười trên gương mặt anh ta nhanh chóng biến mất.
Thanh cố gắng giải thích rằng tôi đang đi du lịch và không mang theo tiền, chỉ đơn giản là muốn làm từ thiện ở đây. Nhưng như tôi dự đoán, người đàn ông biết tôi là Việt Kiều và hy vọng sẽ kiếm được cái gì đó.
Anh ta vẫn cố gắng tỏ ra lịch sự và nói với chúng tôi rằng anh ta vẫn sẵn sàng đi cùng. Ngày hôm sau, chúng tôi chẳng thể tìm được người đàn ông này. Chuyến đi bị hủy. Làm Việt Kiều đúng là một trở ngại.
May mắn là có anh Bình đi cùng chúng tôi. Vì một lý do nào đó, anh nghỉ việc ba ngày, rời gia đình có vợ, có con để giúp tôi. Tất nhiên là không có chút tiền bạc gì dính dáng vào đây. Tôi rất cảm động. “Anh nghĩ những gì em đang làm rất tuyệt. Anh không có nhiều tiền nhưng anh muốn giúp đỡ”, anh nói.
Anh Bình năm nay ba mươi tuổi, đang làm quản lí công trình. Hơi thấp, nhưng dễ nhìn và luôn mặc trang phục công sở. Nụ cười luôn luôn nở trên môi anh, càng hợp với tính cách thân thiện.
Cách đây khá lâu anh từng là người chở gỗ lên xuống núi nên anh rất thông thuộc địa hình cũng như con người nơi vùng núi. Điều giúp ích nhất là anh nói được tiếng Thái.
Chúng tôi khởi hành vào chiều hôm sau. Trời u ám, có vẻ như sắp mưa. Anh Bình đi trên một chiếc xe với một nửa các thứ chúng tôi mua. Còn tôi đèo Thanh bằng chiếc xe anh Bình thuê. Những cánh rừng xanh ngát trang trí cho những ngọn núi trên đường chúng tôi đi lên.
Không khí mát mẻ, khiến tôi cảm thấy thật dễ chịu khi hít căng lồng ngực. Thiên nhiên nơi đây thật mê lòng người, cách xa con người, cách xa những thứ tàn phá môi trường. Sau hai giờ đi những con đường đất gập ghềnh, chúng tôi dừng lại tại một ngôi làng nhỏ.
Biển báo sắp tới Bắc Sơn. Vài phút sau chúng tôi đỗ lại gần một con suối nhỏ. “Chúng ta sẽ chờ bạn anh ở đây”, anh Bình nói. Chúng tôi đứng đó chờ, một vài đứa trẻ trong làng đi tới. Các em ăn mặc mỏng manh, quần áo không che hết được làn da bánh mật. Ngoại trừ nước da màu sô cô la đó thì khuôn mặt của các em cũng giống bất kì một đứa trẻ Việt Nam nào với nụ cười rạng rỡ.
Tôi nghe thấy tiếng vầy nước ở cách đó không xa. Cảnh tượng như trong một phim tài liệu của National Geographic vậy, một nhóm các cậu bé ở truồng bơi trên dòng suối.
Gần đó là một vài người phụ nữ lớn tuổi để thả ngực trần, như những trái chín treo trên cành cây khô. Một người nhìn về phía chúng tôi nhưng có vẻ không bận tâm mà tiếp tục đắm mình trong dòng nước. Vài cậu bé vẫy tay mời tôi xuống cùng. (…)
Chúng tôi qua đêm tại nhà bạn anh Bình. Đó là một ngôi nhà sàn, với một căn phòng lớn với những chiếc cột gỗ ở dưới. Cả ngôi nhà nhìn như mọc lên từ mặt đất, có lẽ là để tránh lũ. Bạn anh Bình là một người Thái. Anh có một người vợ với mái tóc vô cùng đẹp và dài chạm tới sát mặt đất. Họ có với nhau hai con, một trai một gái. (…)
Tối hôm đó chúng tôi có một bữa cơm rất ngon với cơm, xôi, cùng rau, cá, thịt lợn và nhiều loại rau trộn lẫn. Nấu bằng củi khiến cho thức ăn có một mùi ám khói rất đặc biệt. Tất nhiên là có rượu, rất nhiều rượu.
Có hai điều mà mọi người vẫn cảnh báo tôi về người dân tộc: họ rất thích rượu họ làm và họ có những món bùa ngải. Vế sau thì tôi không biết, còn rượu của họ thì khiến tôi lắc lư như đi trên tàu hỏa. (…)
Khoảng vào chén thứ mười hay mười một gì đó thì tôi bị hạ gục.
Sáng sớm hôm sau, tôi tỉnh dậy, cố gắng gom góp ký ức về tối hôm trước. Phải vài giây tôi mới nhớ ra mình đang ở đâu. “Em ngủ ngon đấy, ngáy rất là to”, chị vợ nói. Tôi gật đầu, chui ra khỏi giường, thấy hơi xấu hổ.
Trong bữa sáng có xôi và trứng còn từ hôm qua, anh Bình nói với bạn để tôi đi cùng vào rừng. Anh vào rừng để làm việc, có thể là để đốn vài cái cây. Mặc dù cưa cây rừng là bất hợp pháp ở Việt Nam nhưng những người dân tộc buộc phải làm điều đó bởi sự thiếu thốn. Cuộc sống đối với họ rất khó khăn. “Ở đây, chúng tôi chẳng có việc làm gì cả. Tôi không thể cứ thế đi mà tìm việc được, ai sẽ thuê chúng tôi? Chúng tôi làm gì có lựa chọn nào? Đôi khi, tôi thấy tôi sẽ chỉ sống như vậy rồi chờ đến ngày chết mà thôi”, một người đàn ông lớn tuổi ở đây đã nói với tôi như vậy.
Câu chuyện khiến tôi khá phiền lòng, nhưng hiện giờ thì tôi còn một vấn đề lớn hơn cần lo lắng. Sau bữa trưa, tôi và Thanh đi dạo quanh làng. Tôi cần không khí trong lành, rượu khiến tôi cảm thấy như người ốm. “Em yêu anh”, Thanh đột nhiên nói. “Chị không yêu em đâu, chị mới gặp em mà”, tôi nói, cố tình dùng “chị”. “Em yêu anh. Có gì đó rất đặc biệt về anh”, cô nói và cầm lấy tay tôi.
Tôi lảng ra, nói rằng Thanh say rồi. “Em biết anh cảm thấy thế nào mà, em không say đâu”, cô nói lần nữa. “Em yêu anh và em muốn ở cạnh anh”. Thanh lại gần tôi hơn, ôm chặt lấy tôi. Tôi thấy buồn nôn, liền đẩy cô ra một bên. “Chị không yêu tôi đâu”, tôi nói trước khi quay người bỏ đi.
Ngày hôm đó chúng tôi gặp chị Hương, một giáo viên người Thái, mọi chuyện còn trở nên kỳ cục hơn. Chị Hương là bạn của anh Bình. Chị mặc đơn giản, quần bò và áo phông. Chị là một phụ nữ xinh đẹp và vô cùng thân thiện. Thanh cư xử rất lạ. Chị gọi chị Hương là “chị” trong khi rõ ràng là Thanh còn hơn cả tuổi chị Hương. Không khí trở nên ngượng ngùng hơn khi Thanh cố gắng nắm tay tôi trước mặt chị Hương. “Hai người là một đôi à?” chị Hương hỏi tôi. “Không đời nào, bọn em mới gặp. Chỉ là bạn thôi”. Tôi nói đủ lớn để Thanh nghe tiếng.
Chị Hương lập một danh sách những em học sinh nghèo nhất để chúng tôi có thể phát nốt số đồ còn lại. Ngôi nhà đầu tiên chúng tôi đến chỉ có diện tích 9 m2, dựng tạm bợ. Cảnh tượng khiến tôi nhớ tới những người vô gia cư sống trong những chiếc thùng các tông ở Mĩ.
Vâng, ở Mĩ cũng có người nghèo. Bạn không thể thực sự gọi đó là nhà. Khi nghĩ về nhà, chúng ta phải thấy ấm cúng và được che chở, những túp lều này không thể cho ta cảm giác đó.
Rất nhiều ngôi nhà chúng tôi đến thăm cũng tương tự như vậy, và con đường trong làng thì không bằng phẳng chút nào. Thi thoảng còn phải đi qua những con suối, với nước ngập đến tận đầu gối. Có lúc chúng tôi dừng lại bởi gặp hai cậu bé sáu tuổi nhỏ tí xíu, quần áo rách rưới đứng một mình trước một ngôi nhà tồi tàn.
“Bố mẹ các em đâu?”, chị Hương hỏi chúng. Chúng lắc đầu. Không nói một câu nào ngoại trừ cảm ơn chúng tôi vì món quà. Nhưng khi rời đi, tôi quay đầu lại thấy hai em cười với nhau.
Tới một ngôi nhà khác chúng tôi được chào đón bởi một đám các em nhỏ, tất cả đều hạnh phúc khi nhận một quyển vở hay một cái kẹo. Tôi quan sát một em gái nhỏ ăn trưa. Trong bát chẳng có gì ngoài cơm, không thịt, không rau. Một em gái khác, chưa đầy bảy tuổi bế một cậu em nhỏ.
“Em xin một cái bánh nữa được không?”, em hỏi tôi, “Cho em em”. Tôi nhìn cô bé ngồi đó bóc bánh cho em, không ăn dù chỉ một miếng. Mắt tôi cay cay, tôi tới chỗ hai đứa nhỏ và cho chúng thêm vài cái bánh nữa. Luôn luôn là những đứa trẻ vô tội phải chịu đựng những thứ tồi tệ.
Khi chúng tôi quay lại trường của chị Hương, một đám đàn ông ngồi dùng bữa trưa mời chúng tôi lại. “Vào đây với bọn anh”, người chủ cửa hàng nói với tôi. Tôi lại gần và ngồi xuống.
“Cuộc sống ở đây rất vất vả, chúng tôi không có gì cả”, anh nói với tôi. Tôi gật đầu, mắt nhìn quanh những người đàn ông đang ngồi đó. Họ đều ở khoảng độ tuổi trung niên, khuôn mặt già nua, khắc khổ. Một người đưa tôi điếu thuốc. Tôi không hút thuốc nhưng tôi cần thứ gì đó để cảm thấy thoải mái. Tôi hít một hơi và ho. “Sẽ quen thôi”, người đàn ông cười nói.
“Chúng tôi không lười biếng đâu. Chúng tôi phải sống thế này vì không có cách nào khác. Nếu như ai đó đến đây và đưa chúng tôi công việc, chúng tôi sẽ sẵn sàng làm việc”. Một vài người khác nói thêm. “Chúng tôi muốn làm việc, chúng tôi là những người chăm chỉ”. Tôi uống một ngụm bia mặc dù đã thề là sẽ không đụng đến chút rượu bia nào trong suốt ngày hôm nay.
“Em đồng ý. Em ước là có thể làm gì đó. Hy vọng một ngày nào đó em sẽ quay trở lại đây và có thể giúp mọi người”. Tôi nói, không muốn hứa trước những điều tôi không dám chắc. Nhưng tôi biết một ngày nào đó tôi sẽ trở lại đây.
Trên đường về Vinh, cuối cùng tôi và Thanh cũng nói chuyện với nhau. “Tớ xin lỗi vì đã làm cậu khó chịu. Tớ chưa bao giờ cảm thấy như thế này cả. Sẽ không có lần nữa đâu”, Thanh nói. Khi chúng tôi về nhà, đón chào là vẻ mặt giận dữ của mẹ Thanh vì chúng tôi đi mà không gọi về.
Không muốn bị dính vào cuộc tranh luận, tôi xin phép lên trên gác, mượn máy tính của Thanh để cập nhật blog và kiểm tra hòm thư. Đang upload những bức ảnh lên, tôi chợt nhận ra một thư mục trên màn hình có tiêu đề “Người yêu”.
Trong thư mục đó là hàng loạt những bức ảnh của Thanh ôm hôn một người đàn ông da đen. “Làm sao chị có thể yêu được em khi đã có người yêu rồi?”, tôi hỏi khi Thanh bước lên. Với một vẻ mặt xấu hổ và tội lỗi, cô khóc. Tôi rất giận nhưng cố gắng an ủi cô.
Sau vài phút, Thanh bắt đầu kể chuyện của cô cho tôi nghe. Chị kể về cuộc sống khó khăn khi không có cha, về người giáo viên Mĩ gốc Phi ở trong ảnh là một người đàn ông tốt nhưng chị không xứng đáng với anh ta, về cuộc hôn nhân trước đây của chị với một kẻ say sưa rượu chè trước kia.
Câu chuyện rất buồn nhưng tôi vẫn không thể tin cô gái này. Thanh là kiểu phụ nữ mà bà và mẹ đã cảnh báo tôi. Cô thông minh và xinh đẹp, nhưng thứ tài sản lớn nhất của cô lại là sự ranh mãnh.
Cảm xúc của cô, dù là thật hay giả đều rất thuyết phục, giống như một diễn viên tài tình vậy. Thứ cô ấy muốn hẳn không phải là tình yêu. Tôi tự hỏi không biết bao nhiêu người đàn ông đã ngã vào vòng tay cô.
Sự nghi ngờ của tôi được khẳng định sau đó, khi cậu em họ của Thanh kể rằng trước tôi đã có hai người đàn ông ngoại quốc tới nhà, một người da đen to lớn “xấu xí” và một người da trắng.
Sáng hôm sau tôi gói ghém đồ đạc, muốn rời đi càng nhanh càng tốt. Tôi chào tạm biệt mẹ Thanh, người vui ra mặt khi thấy tôi rời đi. Thanh đưa tôi ra tới QL1A, nài nỉ xin đi cùng thêm lần nữa.
“Để em đi cùng anh. Em biết em hơn tuổi anh nhưng anh là tình yêu thực sự của em. Em sẽ từ bỏ tất cả vì anh, gia đình, công việc, tất cả mọi thứ. Anh chỉ cần nói một câu, em sẽ đi theo anh tới bất cứ chỗ nào”. Thanh cầu xin.
“Chị không theo kịp em đâu”, tôi đùa. “Hơn nữa chị cũng đã có quá nhiều người yêu rồi”. Một sự im lặng kéo dài.
“Em xin lỗi vì đã để mọi việc lại như thế này. Em hy vọng chúng ta vẫn có thể làm bạn”. Tôi nói một cách chân thành.
Tôi không ghét cô gái này. Tất nhiên cô có rất nhiều vấn đề nhưng ai trong chúng ta chẳng như vậy, và tuổi thơ của Thanh lớn lên cũng không dễ dàng gì. Thêm vào đó, Thanh lại là một nghệ sĩ, với cái nghiệp múa mà người phụ nữ được đào tạo để mê hoặc người khác bằng những động tác của cơ thể.
Thanh lưỡng lự chào tạm biệt tôi. Kế hoạch quyến rũ một người Mĩ của cô ấy đã thất bại. Tôi cũng đã nghĩ nhiều về Thanh và đó cũng không phải lần cuối cùng tôi sẽ thấy Thanh, ít ra là tôi hi vọng như thế.
(*) Tựa đề do TPCN đặt
“JOHN ĐI TÌM HÙNG” là một tựa đề có tính ẩn dụ. Trong đó, John là phần “Mỹ” và Hùng là phần ”Việt” trong cùng một con người mang tên Trần Hùng John (Tran Hung John). Cuộc tìm kiếm này được cụ thể hóa bằng một hành trình trong 80 ngày dọc theo dải đất hình chữ S với chiếc ví rỗng, bắt đầu từ ngày 10/5/2012. Ấn tượng về chuyến đi được Tran Hung John ghi lại trong cuốn sách đang trở thành nổi tiếng bởi được đề cập đến tại đề thi Đại học vừa diễn ra trên toàn quốc (môn Văn học - khối D).
|
Trần Hùng John là người Mỹ gốc Việt. Tốt nghiệp Đại học Berkeley, Mỹ. Tháng 8.2010: Đến Việt Nam du học theo chương trình trao đổi văn hóa. Tháng 7.2011: Trở lại Việt Nam. Hiện tại, anh trở lại Mỹ để chuẩn bị cho một chuyến hành trình xuyên
Việt khác.
Tiền Phong Chủ nhật xin trân trọng giới thiệu một trích đoạn tại chương 3 của cuốn sách, khi tác giả đến Nghệ An. Tên của các nhân vật đã được tác giả và nhà xuất bản thay đổi.