“Có một bài ca không bao giờ quên là lời đất nước tôi chẳng phút bình yên...” - những lời ca đi cùng năm tháng qua phần thể hiện của ca sĩ Cẩm Vân cũng đã được lựa chọn vào Gala năm chương trình Giai điệu tự hào.
Cẩm Vân trò chuyện với Thể thao & Văn hóa về ca khúc “để đời” này.
Cách đây 1 năm, trong một chương trình biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội, khán giả cảm động khi chứng kiến hình ảnh Cẩm Vân hát “chay” Bài ca không quên. Nhưng cuối chương trình, chị đã òa khóc và xin lỗi vì phụ tình cảm của khán giả. Đó có phải kỷ niệm xúc động nhất khi chị thể hiện ca khúc này?
Vừa từ Mỹ về hôm trước thì hôm sau ra Hà Nội biểu diễn, vì khán giả yêu cầu, tôi đã hát “chay” Bài ca không quên, khiến cả khán phòng hát theo. Vừa hát, vừa nhớ lại những khó khăn đã trải qua, tôi như không đứng được, phải quỵ xuống.
Khi đó, tôi nghĩ: Trời ơi, sao mình là nghệ sĩ mà ngu quá vậy? Trời thương mình cho mình giọng hát, khán giả yêu thương mình như thế, mà mình không đi hát mà lại đâm đầu vào kinh doanh để rồi mất hết… Dưới khán phòng, khán giả lại càng hát to hơn, khiến tôi sởn da gà…
Sau đêm đó, tôi tự nhủ, từ nay đừng “tay trái”, “tay ngang” gì hết, mình là nghệ sĩ thì cứ hát cho hay, cho khỏi phụ tình thương của khán giả là được rồi.
Ngoài kỷ niệm này, trong suốt hơn 30 năm hát Bài ca không quên chắc chị còn nhiều kỷ niệm chưa kể…
Với Bài ca không quên, tôi có rất nhiều kỷ niệm. Bài hát đã mang lại cho tôi một đời sống đẹp, và cho tới giờ tôi vẫn sống được trong lòng công chúng.
Năm 1981, khi nhận được ca khúc này, tôi đang là học sinh, hát vẫn còn non lắm. Nhưng suốt bao nhiêu năm, ca khúc đã nhập vào đời sống của tôi. Khi tôi nổi tiếng nhất là khi đất nước khó khăn nhất. Ngày ấy, muốn may cái áo dài phải nhịn ăn, thù lao hát đi chỉ mua được 1 tô phở, đi hát phải đạp xe, nhưng đó chính là cách để tôi cảm nhận rõ hơn về cuộc sống và hát già dặn hơn…
Tôi có nhớ lần đi hát ở núi Vị Xuyên - Hà Giang. Đoàn mặc đồ đen, đi dép lê từ 4h sáng, đến đó hát cho bộ đội nghe. Đúng lúc đó, địch bắn pháo sáng, bộ đội mình vẫn ngồi bình thản nghe hát. Khi tôi hát bết bài, bộ đội mới dậy, đưa đoàn chúng tôi đi sơ tán... Hôm ấy, có một anh bộ đội đã ngã xuống…
Trong một lần khác sang chiến trường Campuchia, có một anh bộ đội bị cụt hai chân, rất nguy kịch, muốn được nghe tôi hát một bài. Tôi đứng hát mà nước mắt rơi. 5, 6 năm sau, lúc đang hát ở Nhà Văn hóa Thanh niên ở TP HCM, có một anh thương binh đi xe lăn lên tặng hoa. Anh ấy nói: “Chị còn nhớ em không, em chính là người thương binh được nghe chị hát ở chiến trường Campuchia…”
Trong Giai điệu tự hào, nhạc sĩ Quốc Trung từng có ý định làm mới Bài ca không quên, nhưng chị đã không dám thể hiện với phong cách hoàn toàn mới đó?
Tôi không muốn thay đổi, bài khác thì được, nhưng Bài ca không quên tôi đã gửi trọn tình cảm của khán giả rồi, nếu làm mới, tình cảm sẽ mất và tôi cương quyết không làm mới nó. Hơn nữa, khi làm mới sẽ có nhiều cái so sánh khập khiễng... Với tôi, giờ nổi tiếng không còn quan trọng nữa, và đời sống của tôi cũng không cần phải “hot”. Vì Bài ca không quên, tôi đã không bỏ nghề hát để đi bán tôm và đã hiểu ra rằng, mình có một thứ “trời cho” mà có tiền cũng không thể mua được…
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!
Theo Hoa Chanh