'Cà phê tặc' hoành hành

TP - Đến hẹn lại lên, cứ đến đầu vụ thu hoạch cà phê là nông dân lại nơm nớp nạn trộm cắp. Kẻ gian không từ bất cứ thủ đoạn nào để chiếm đoạt tài sản người khác.
Chòi canh được lập trong rẫy.

Năm nay, hạn hán nặng, đa số các vườn cà phê ở tỉnh Gia Lai đều mất mùa, giảm năng suất. Thấy giá cả mặt hàng này dao động ở mức cao, nông dân càng ra sức chắt chiu, vớt vát chút thành quả của một mùa vụ không như mong muốn.

Vừa mới bị kẻ trộm viếng thăm vườn cà phê, anh Nguyễn Văn Toàn (trú thôn Tân Lập, xã A Dơk, huyện Đak Đoa) bức xúc nói: Mặc dù gia đình đã đề phòng nhưng vẫn không tránh khỏi bị mất trộm. Kẻ trộm canh lúc trời chạng vạng, lẻn vào hái mất khoảng 150kg cà phê. Theo anh Toàn, để bảo vệ  vườn cà phê, gia đình đã thuê người hằng đêm canh chừng. Dù vậy, vẫn thấp thỏm trong lòng nên đêm nào anh Toàn cũng ra ngủ tại lều rẫy. “Vất vả cả năm trời, chưa kịp thu hoạch thì bọn trộm đã xơi trước. Nếu tình hình không chuyển biến, chắc gia đình phải tổ chức hái xanh thôi”, anh Toàn than vãn.

Theo ông Nguyễn Nhật Hiền, công an viên thôn Tân Lập, năm nào cũng thế, cứ vào mùa thu hoạch là từ đầu đến cuối thôn chỉ xôn xao bàn chuyện chống trộm và tình trạng trộm cà phê. Năm nay, chưa vào đợt thu hoạch chính mà đã có gần chục hộ trong thôn bị kẻ trộm viếng thăm, trong đó, có rẫy còn bị bẻ cả cành.

Mạnh ai nấy lo

Theo ông Hiền, nhà ông cũng làm cà phê nên rất hiểu cảm giác bực bội của dân. Khi liên tục nhận được tin báo trộm cắp, ông đã quyết tâm bắt cho bằng được những kẻ thích ngồi mát ăn trên mồ hôi của nông dân. Một buổi chiều cuối tháng 10/2016, trong lúc đi tuần tra, ông đã tóm được 1 trong 2 đối tượng đang hái trộm cà phê trên rẫy nhà mình cùng tang vật là 1 bao cà phê khoảng 42 kg.

Kẻ trộm khai tên là Myư (15 tuổi, ở thôn Blo, xã A Dơk), đồng phạm là Hyưng (14 tuổi, trú cùng thôn), hái trộm cà phê để bán lấy tiền chơi game. Ngay sau đó, ông Hiền đưa tên trộm qua thôn Blo báo cáo vụ việc. Tại thôn Blo, tên trộm còn lại nhanh chóng được đưa lên trình diện. Ông Ul-Trưởng ban Mặt trận thôn Blo cho biết, do những năm trước thôn có xảy ra tình trạng trộm cắp cà phê. Năm nay, để ngăn chặn tình trạng này, thôn làng đã họp và thống nhất nếu người dân trong làng hoặc ngoài làng vi phạm sẽ bị xử phạt 1 triệu đồng/kg cà phê tươi. “Khi Myư và Hyưng thừa nhận việc trộm cắp cà phê, chúng tôi đã quyết định đưa 2 kẻ trộm ra xét xử trước làng theo luật tục. Tại phiên xét xử, hai kẻ trộm đã tỏ ra ăn năn hối lỗi. Người thân của chúng cũng phải xin lỗi trước làng, chịu phạt vạ”, ông Ul kể.

Ông Ul bảo: xử phạt là để răn đe, ngăn chặn tình trạng trộm cắp tái diễn song phải thấu tình, đạt lý. Trong vụ này, dù lũ làng đã thống nhất phạt vạ 1 triệu đồng/kg cà phê đối với 2 tên trộm. Song, xét hoàn cảnh gia đình Myư và Hyưng đều nghèo, các thành viên hội đồng chức sắc của làng sau đó đã đồng ý giảm nhẹ hình phạt xuống còn 500.000 đồng/kg cà phê. “Mấy đứa trẻ mê chơi nghịch dại, bổn phận làm người lớn phải tạo điều kiện để chúng hối lỗi và tìm ra con đường sáng. Việc đưa kẻ trộm ra xét xử công khai trước làng cũng là cách giáo dục, răn đe người khác”, ông Ul nói.

Còn ở những nơi khác thì sao? Nông dân Trần Văn Sơn (trú xã Nam Yang, huyện Đak Đoa) có sáng kiến mua nhiều camera an ninh di động rồi bí mật mắc vào những vị trí cao, kín đáo trong rẫy cà phê. Ban đêm, ông bật điện chiếu sáng khắp rẫy rồi ung dung nằm trong chòi theo dõi mọi diễn biến qua màn hình của chiếc Smartphone (điện thoại thông minh). “Khi phát hiện người lạ vào rẫy, chúng tôi sẽ kịp thời có biện pháp phản ứng. Kẻ trộm dù có thực hiện trót lọt hành vi cũng khó chối tội trước những hình ảnh do camera ghi lại”, ông Sơn hào hứng nói.

Ngoài ra, trước mỗi vụ thu hoạch cà phê, nhiều nông dân tổ chức nuôi nhiều chó,  chỉ do 1 người chăm sóc, không cho tiếp xúc với ai. Khi vào vụ thì tung hết số chó này vào rẫy canh cà phê. Kẻ trộm rất ngán đám chó dữ và không bao giờ xơi bả này. “Của mình thì mình phải lo giữ thôi, không trông chờ ai được. Biện pháp này lợi đôi đường bởi vì sau vụ thu hoạch, gia đình bán đàn chó cho hàng thịt cầy cũng kiếm thêm được 1 khoản tiền kha khá”, nông dân Lê Anh Khuê (huyện Chư Sê) nói về kế chống trộm mà gia đình ông áp dụng.