Ca phẫu thuật khoan xuyên hộp sọ cách đây 3.000 năm

Các nhà khoa học Nga phát hiện bệnh nhân được gây mê bằng cần sa và nấm ma thuật trước khi bác sĩ phẫu thuật khoan hộp sọ từ cách đây 3.000 năm.

Theo RT, nghiên cứu hộp sọ của một người đàn ông sống ở thời Đồ đồng giúp làm sáng tỏ cách cư dân cổ đại ở vùng Krasnoyarsk phía bắc nước Nga điều trị các căn bệnh bên trong hộp sọ.

Trong nghiên cứu công bố hôm 1/8 trên Tạp chí Khảo cổ xương Quốc tế, các nhà khoa học chỉ ra những chất kích thích trí não tự nhiên như nấm ma thuật, cần sa và thậm chí cả nhịp gõ trống giúp giảm cơn đau do dụng cụ phẫu thuật nguyên thủy gây ra.

Được phát hiện tại khu mai táng Anzhevsky năm ngoái, chiếc hộp sọ có niên đại khoảng 3.000 năm với một lỗ thủng to ở thùy đỉnh bên trái. Các nhà khoa học cho rằng lỗ thủng là kết quả của một ca phẫu thuật não hay khoan xương tương đối thành công thời cổ đại.

Theo tiến sĩ Sergey Slepchenko ở Viện Khảo cổ và Dân tộc học tại Novosibirsk, bệnh nhân sống sót sau quá trình khoan sọ nhưng chết sau đó do biến chứng trong giai đoạn hồi phục. Slepchenko cho biết lớp da bên ngoài hộp sọ được lột trước ca phẫu thuật và một người trợ lý giúp bác sĩ cạo xương.

"Một trong những biến chứng nguy hiểm nhất khi khoan sọ là tình trạng chảy máu ngay lập tức sau khi rạch qua da", tiến sĩ Slepchenko nói. "Để hạn chế chảy máu và giảm đau, ca phẫu thuật cần được tiến hành nhanh hết mức có thể bởi bác sĩ tay nghề cao. Chúng tôi chưa rõ họ làm máu ngưng chảy bằng cách nào".

Kỹ thuật khoan sọ khá phổ biến ở một số nền văn minh cổ đại. Nghiên cứu năm 2016 của nhà khoa học Julia Gresky ở Viện Khảo cổ Đức tìm thấy bằng chứng về phẫu thuật não thời tiền sử ở phía nam nước Nga. Hài cốt 13 cá nhân từ thời Đồ đồng có vết tích khoan sọ giống nhau. Gresky kết luận phần lớn họ vẫn sống một thời gian dài sau ca phẫu thuật.

Theo Theo Vnexpress