Ca khúc tự sáng tác cuối đời của Phi Nhung: 'Là gì thế, danh lợi ơi? Ta đã khổ vì danh...'

TP - Ngay khi Phi Nhung vừa nằm xuống, tôi liên tiếp kết nối điện thoại với “người tình sân khấu” của chị, nam ca sỹ Mạnh Quỳnh, đang ở Mỹ. Sau 3 ngày nỗ lực kết nối không thành công, bỗng nhiên tôi nhận được tin nhắn của Mạnh Quỳnh: “Xin lỗi em nha! Mấy hôm nay Quỳnh không trả lời điện thoại hay tin nhắn của ai cả. Thư thả cho Quỳnh vài hôm nữa”.
Phi Nhung - Mạnh Quỳnh

Tôi hiểu cảm xúc của Mạnh Quỳnh. Ông Lê Đức Cường, Giám đốc Trung tâm băng nhạc Người đẹp Bình Dương từng một thời làm mưa, làm gió ở hải ngoại, đã vài lần kể cho tôi hành trình sự nghiệp của Mạnh Quỳnh. Chính Người đẹp Bình Dương là nơi “lăng xê” tiếng hát Mạnh Quỳnh. Đến năm 1998, do nhà sản xuất Tình Productions đề nghị, ông Lê Đức Cường đã để “gà cưng” song ca với Phi Nhung một số bài.

Phi Nhung lần đầu gặp Mạnh Quỳnh đã hào hứng, thân thiết như thể quen thân từ lâu. Mối duyên sân khấu của Mạnh Quỳnh- Phi Nhung trải dài từ những năm tháng huy hoàng ở hải ngoại và tiếp tục chinh phục khán giả trong nước. Cứ thấy Phi Nhung, khán giả lại nhắc Mạnh Quỳnh và ngược lại. “Thượng đế” mê cặp đôi trên sân khấu đến độ muốn “đẩy thuyền” họ ở ngoài đời. Đến giờ vẫn có những khán giả tưởng Mạnh Quỳnh là người yêu, là chồng của Phi Nhung.

Phi Nhung đi xa vĩnh viễn, Mạnh Quỳnh viết trên trang cá nhân: “Nhung hứa khi mình về già, Quỳnh ngồi xe lăn Nhung đẩy Quỳnh đi hát phục vụ khán giả, cho trọn một đời cống hiến cho nghệ thuật, cho người Việt Nam của mình. Giờ Nhung thất hứa rồi!”. Anh tiễn bạn bằng một bài thơ kể về hành trình 20 năm sóng đôi trên sân khấu của họ và nỗi cô đơn, đau khổ của người ở lại: “Bạn hỡi sao đành bỏ tôi đi?/Một lời không thốt buổi phân ly/Từ đây muôn nẻo đời rong ruổi/Một mình tôi bước với đơn côi…”.

Phi Nhung ra đi, nhiều đồng nghiệp bày tỏ nỗi tiếc thương vô hạn. Giọng ca “Đã không yêu thì thôi” bùi ngùi nhớ: Chính Phi Nhung là người mai mối cho chị có tiền trong “sô” đầu tiên ở Mỹ. Tại buổi diễn hôm ấy, Phi Nhung, lúc đó đã là tên tuổi đình đám, còn rủ Minh Tuyết song ca. Nhưng ra sân khấu, Phi Nhung quên mất Minh Tuyết, bởi khán giả quá cuồng nhiệt với giọng ca “Bông điên điển”. Thế là mạnh ai người ấy hát. Hát xong, Minh Tuyết lủi thủi vào trong sân khấu. Em gái Cẩm Ly kể tiếp: Lần khác, tại một buổi diễn ở Úc châu, chị đang hát say sưa ca khúc tủ “Bờ bến lạ”, bỗng đâu nghe vọng ra tiếng hát đuổi “bờ bến lạ, bờ bến lạ…”. Nghe cách hát, Minh Tuyết nhận ngay ra Phi Nhung hát bè. Phi Nhung có ý tốt: Muốn giúp phần trình bày của Minh Tuyết hay hơn nhưng đáng ra, phải có tập luyện hoặc thông báo trước, sự ngẫu hứng của Phi Nhung ảnh hưởng tới phần trình bày của Minh Tuyết. Minh Tuyết kết luận: “Phi Nhung là thế đấy. Thích thì làm, thích thì nói, không suy nghĩ nhiều, không toan tính nhiều…”.

Cũng có thể sự không tính toán, không suy nghĩ sâu xa đã khiến Phi Nhung khi còn sống phải chịu hệ lụy. Bỗng dưng một ngày kia, trong một cơn giận thiếu kiềm chế, Phi Nhung đăng đàn chê trách Hồ Văn Cường, nhờ cộng đồng mạng dạy dỗ cậu con nuôi, vốn là ngôi sao nhí. Từ đó, cộng đồng mạng can thiệp luôn vào chuyện nhà Phi Nhung. “Lửa cháy” rừng rực khiến Phi Nhung không khỏi buồn lòng. Ca khúc tự sáng tác trước khi qua đời của Phi Nhung có tên: “Là gì thế?”. Nữ danh ca thú nhận sự mệt mỏi, chán chường trên con đường hào quang: “Là gì thế, danh lợi ơi? Ta đã khổ vì danh nhiều lắm, ta đã đau vì lời dập vùi. Con tim ta chịu quá nhiều bão tố. Thân đã gầy, tâm đã mệt, danh lợi ơi…”.

Trước đây, Phi Nhung từng đề nghị nhạc sỹ Tiến Luân làm quản lý cho chị ở Việt Nam. Nhưng tác giả “Quê em mùa nước lũ” từ chối: “Lúc đó, ca sỹ ngôi sao về nước, có nhiều người vây quanh lắm, tôi tránh việc đó, nên không làm”. Cho đến sau này, khi nhạc sỹ Thanh Sơn mất, Phi Nhung hay qua nhạc sỹ Tiến Luân đặt bài, nhờ tư vấn… Trong suy nghĩ của ông, Phi Nhung là nữ ca sỹ “thật thà, nhà quê”: “Cô ấy phát biểu câu nào cũng thật thà, như người miền Tây, dù không sanh ra và lớn lên ở miền Tây. Cứ nói được mấy câu là Phi Nhung hết ý rồi”.

Tác giả “Quê em mùa nước lũ” nhìn nhận về lùm xùm giữa Phi Nhung và con nuôi Hồ Văn Cường: “Ở đây, tôi không bàn ai đúng, ai sai. Song chúng ta cần công tâm khi nhìn nhận sự việc: Không có Phi Nhung đỡ đầu thì Hồ Văn Cường bây giờ ra sao? Khi đoạt giải rồi cần có bệ phóng. Không có bệ phóng thì đi lên sao được? Nhiều người giành giải nhất ở cuộc thi nọ, kia, chưa chắc sau đó nổi bằng người chỉ giành giải ba, giải tư, vì họ có bệ phóng, có công ty đỡ đầu. Huy chương cũng chỉ để cất tủ thôi, chứ để làm gì?”.

Theo nhạc sỹ Tiến Luân, giọng ca của Hồ Văn Cường không thuộc hàng xuất sắc. Trường hợp của Hồ Văn Cường khác với Phương Mỹ Chi, người trình bày thành công nhạc phẩm “Quê em mùa nước lũ” của Tiến Luân: “Hồ Văn Cường nên biết ơn Phi Nhung đỡ đầu. Có Phi Nhung thì Hồ Văn Cường mới có “sô” diễn…”.