Có hộ thiệt hại 60 tấn cá chết
Những ngày gần đây, tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt tại Hải Dương chưa có dấu hiệu giảm. Theo thống kê của lực lượng chức năng thành phố Hải Dương, ngoài xã Tiền Tiến, cá nuôi lồng chết hàng loạt xuất hiện ở phường Nam Đồng. Ngoài ra, nông dân nuôi cá lồng tại xã Thái Tân, Nam Tân (huyện Nam Sách) cũng ghi nhận tình trạng tương tự.
Bà Nguyễn Thị Mật (ở xã Tiền Tiến, TP Hải Dương) cho biết, gia đình bà nuôi 18 lồng cá với mật độ 5.000-6000 con/lồng. Từ đầu tháng 4 đến nay, thời điểm cá của bà Mật chuẩn bị vào mùa thu hoạch với trọng lượng 4-7kg/con thì xuất hiện tình trạng cá chết, nổi trắng mặt nước.
“Mỗi ngày gia đình vớt cả tấn cá chết, ước tính tổng thiệt hại lên tới gần chục tỷ đồng tiền đầu tư ban đầu, chủ yếu vay ngân hàng”, bà Mật nói.
Còn gia đình anh Chiến (ở thôn Cập Thượng, xã Tiền Tiến) cho biết, gia đình nuôi 14 lồng cá, chủ yếu cá thương phẩm (1-3kg/con). Khoảng một tuần nay, gia đình anh vớt cá chết không xuể, ước tính khoảng 6-7 tấn cá.
Lãnh đạo UBND xã Tiền Tiến cho biết, địa phương có 24 hộ nuôi cá lồng xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt, đa số thiệt hại hàng tấn cá chết/hộ. Trong đó, có 6 hộ thiệt hại từ 9-60 tấn cá, ước tính có giá trị hàng chục tỷ đồng.
Nguy cơ vỡ nợ hàng chục tỷ đồng
Gần xã Tiền Tiến, người dân nuôi cá lồng tại phường Nam Đồng (TP Hải Dương) cũng ghi nhận tình trạng cá chết hàng loạt, nổi trắng mặt nước.
Nhìn những bao tải chứa cá chết vừa vớt, ông Đỗ Văn Nhạ (54 tuổi) không khỏi xót xa. Ông chia sẻ, gia đình nuôi 56 lồng cá, mỗi lồng rộng 72m2, bình quân năng suất khi thu hoạch khoảng 15-20 tấn cá thương phẩm/lồng.
Ông Nhạ chia sẻ, ông nuôi cá lồng trên sông Thái Bình 7 năm nay, đây là lần đầu tiên gặp tình trạng cá chết hàng loạt. Khoảng cuối tháng 3 vừa qua, cá trong lồng bỏ ăn, ông đã chủ động bơm oxy tăng cường nhưng không hiệu quả, cá chết lác đác.
Đến đầu tháng 4, cá chết hàng loạt nổi trắng mặt lồng, gia đình vớt không xuể. Chính quyền địa phương đã huy động đoàn viên thanh niên, người dân tới hỗ trợ gia đình vớt cá lên cho vào bao tải đem đi chôn.
Thời điểm chuẩn bị thu hoạch, dự kiến cá bán ra 62.000đồng/kg. Nhưng nay cá chết hàng loạt, gia đình vớt cá còn sót lại bán giải cứu giá 20.000đồng/kg nhưng số lượng không đáng kể.
"Với lượng cá chết một tuần qua, gia đình ước tính thiệt hại khoảng hơn 20 tỷ đồng, đa số tiền vay ngân hàng đầu tư giống, cám. Với tình trạng này, gia đình tôi và các hộ nuôi cá có nguy cơ vỡ nợ. Tôi mong cơ quan chức năng sớm làm rõ nguyên nhân, có phương án hỗ trợ người dân”, ông Nhạ nói.
Theo UBND phường Nam Đồng, địa phương có 86 hộ nuôi cá lồng, gia đình ông Đỗ Văn Nhạ có sản lượng lớn nhất và cũng là hộ thiệt hại nặng nề nhất do cá chết. Thống kê sơ bộ, riêng xã Nam Đồng các hộ thiệt hại khoảng 360 tấn cá các loại.
Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương vừa chủ trì cuộc họp với Sở TN&MT, KH&CN cùng lãnh đạo các huyện thị thành bàn giải pháp khắc phục tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt. Đại diện liên Sở yêu cầu các địa phương không chỉ nghe người nuôi cá báo cáo mà phải xác minh số cá chết cụ thể tránh tình trạng khai khống.
Ngày 5/4, Cục Thủy sản và Viện Nghiên cứu nuôi trồng thủy sản I (Bộ NN&PTNT) đã kiểm tra, xác định nồng độ oxy hòa tan trong nước tại các khu vực cá nuôi lồng chết rất thấp.
Liên quan hiện tượng cá chết hàng loạt, ông Triệu Thế Hùng - Chủ tịch UBND tỉnh Hải Dương giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với Sở TN&MT, UBND các huyện thị thành khẩn trương xác định, làm rõ nguyên nhân cá chết hàng loạt trong những ngày qua.
Chủ tịch tỉnh Hải Dương yêu cầu Sở TN&MT tổ chức quan trắc chất lượng nguồn nước trên các tuyến sông, tập trung khu vực có cá nuôi lồng chết hàng loạt. Đồng thời, chủ trì phối hợp với UBND các huyện thị thành tổ chức rà soát các nguồn thải vào khu vực sông có nuôi cá lồng.
Cục Thủy sản cảnh báo "nóng"
Cục Thủy sản - Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) vừa gửi Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố có nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt về việc tăng cường quản lý nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt.
Theo dự báo của Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, hiện tượng El Nino kéo dài từ năm 2023 đến hết tháng 4/2024 đang làm mực nước trên các sông, hồ giảm mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động nuôi thủy sản lồng bè.
Kết quả quan trắc, cảnh báo môi trường vùng nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa tại một số tỉnh trọng điểm cho thấy, một số thông số môi trường có giá trị vượt giới hạn cho phép bao gồm: Coliform, N-NO2, COD, Chlorophyll a, N-NH4+, P-PO43, chất lượng môi trường có xu hướng ô nhiễm.
Đặc biệt vào giai đoạn chuyển mùa, các yếu tố môi trường biến động mạnh kết hợp hiện tượng với mưa/lũ gây ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của thủy sản nuôi.
Theo Cục Thủy sản, một số vùng nuôi cần đặc biệt lưu ý, như trên sông Đuống, sông Thái Bình (Bắc Ninh, Hải Dương); sông Lô, sông Gâm (Hà Giang, Tuyên Quang, Phú Thọ…), sông Cái Vừng (An Giang); sông La Ngà (Đồng Nai); sông Chà Và (Bà Rịa - Vũng Tàu) và một số sông ở khu vực miền Trung, Nam bộ... thường xảy ra hiện tượng cá nuôi lồng bè chết hàng loạt.
Để hạn chế thấp nhất thiệt hại cho người nuôi, Cục Thủy sản đề nghị Sở NN&PTNT các tỉnh, thành phố có nuôi cá lồng bè nước ngọt chủ động phối hợp với cơ quan chức năng, chuyên môn của địa phương thực hiện tốt công tác quan trắc, cảnh báo môi trường; tuân thủ các khuyến cáo tại các bản tin thông báo kết quả quan trắc môi trường của cơ quan chuyên môn.
Các địa phương cần kiểm soát, phòng ngừa, giảm thiểu các nguồn gây ô nhiễm môi trường từ hoạt động nuôi cá lồng bè; tăng cường kiểm soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi. Cùng đó, các địa phương cần chủ động xây dựng quy trình kỹ thuật hướng dẫn nuôi cá lồng bè trên sông, hồ chứa nước ngọt; tổ chức rà soát, bố trí lồng bè nuôi phù hợp, đúng quy hoạch, kế hoạch đã được phê duyệt của địa phương.
Liên quan đến tình trạng cá nuôi lồng bè bị chết hàng loạt tại Hải Dương, theo Cục Thủy sản, nguyên nhân ban đầu do biến động môi trường (hàm lượng ôxy hòa tan thấp, nồng độ khí độc cao vượt giới hạn cho phép) làm suy giảm sức đề kháng trên cá nuôi, là cơ hội cho tác nhân gây bệnh xâm nhập.
Do đó, Cục Thủy sản đề nghị địa phương thu gom toàn bộ xác cá chết lên bờ xử lý vôi bột và chôn lấp để tránh ô nhiễm môi trường; tuyên truyền người dân không sử dụng cá chết để ăn, chế biến làm thực phẩm cho người hoặc gia súc, đồng thời vệ sinh sát trùng toàn bộ lưới lồng, dụng cụ nuôi bằng thuốc sát trùng; treo túi vôi xung quanh lồng nuôi, tạo điều kiện trao đổi nước giữa trong và ngoài lồng nuôi.
Cục Thủy sản khuyến cáo người dân dừng thả nuôi đến khi có kết quả phân tích chính xác của cơ quan chuyên môn và điều kiện môi trường cho phép. Địa phương phối hợp với các đơn vị có chức năng liên quan tiếp tục lấy mẫu nước, mẫu trầm tích và mẫu cá; rà soát, phát hiện và xử lý các nguồn xả thải tại các vùng nuôi cá lồng bè để xác định chính xác nguyên nhân gây chết trên cá nuôi lồng bè.
Đặc biệt, Hải Dương cần tiếp tục thống kê chính xác số lồng, khối lượng cá thiệt hại để làm căn cứ đề xuất hỗ trợ cho người nuôi theo quy định.
Trước đó, tình trạng cá nuôi lồng trên sông Thái Bình chết hàng loạt, nổi trắng mặt sông dẫn đến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng.
Theo thống kê chưa đầy đủ, tỉnh Hải Dương có khoảng hơn 300 tấn cá các loại nuôi lồng bị chết, ước tính thiệt hại hàng chục tỷ đồng. Riêng xã Tiền Tiến (TP Hải Dương) có 52 hộ nuôi với khoảng 700 lồng.