Theo thông tin từ UBND xã Hải Dương, đến ngày 15/7, tình trạng cá nuôi lồng bị chết vẫn còn xảy ra, tuy nhiên, số lượng chết đã giảm đi khá nhiều. Thống kê ban đầu từ chính quyền địa phương, toàn xã có 106 lồng cá của 37 hộ ngư dân bị chết trong hai ngày lại đây, với tổng số lượng ước tính trên 10 tấn, thiệt hại hơn 1,5 tỷ đồng.
Đặc biệt, có nhiều hộ, cá nuôi lồng đã bị chết gần như hoàn toàn. Có hộ ngư dân chỉ sau một đêm đã mất trắng hơn 100 triệu đồng, lượng cá chết trên 4 tạ, như trường hợp anh Hà Văn Trường (ngụ thôn 2, xã Hải Dương). Nhiều ngư dân Hải Dương sau khi phát hiện cá nuôi bị chết đã khẩn trương thu hoạch số còn sống sót, nhằm gỡ gạt chút đỉnh, nhưng ngặt nỗi không có ai muốn mua loại cá đặc sản một thời “đắt như tôm tươi” này, do tâm lý lo ngại cá biển chết vì nhiễm độc trước đây.
Sau khi nhận tin báo từ UBND xã Hải Dương và Phòng Kinh tế Hạ tầng thị xã Hương Trà, Chi cục Thủy sản tỉnh TT-Huế khẩn trương cho tiến hành kiểm tra, lấy mẫu nước phân tích, tìm nguyên nhân. Đến chiều 15/7, nguyên nhân cá nuôi lồng vùng cửa biển Thuận An xảy ra trong hai ngày lại đây đã được xác định. Theo ông Nguyễn Minh Đức, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh, cá nuôi khu vực gần cửa biển chết với số lượng lớn là do lượng ôxy hòa tan trong nước vùng nuôi bị thiếu hụt trầm trọng.
Kết quả kiểm tra mẫu nước tại thời điểm cá chết cho thấy, lượng ôxy đo được trung bình ở mức 0,8%, dao động quanh mức 0,58% vào rạng sáng 15/7; trong khi, lượng ôxy hòa tan trong nước ở ngưỡng cho phép nuôi phải đạt mức 4%. Chi cục Thủy sản tỉnh còn cho biết, do diện tích lồng nuôi quá nhỏ, ngư dân lại thả con giống ở mật độ quá cao, gặp thời tiết nắng nóng diễn biến phức tạp khiến khí độc bốc lên từ tầng đáy lồng, làm cho cá chết.
Vớt cá nuôi bán gỡ gạc chút vốn, nhưng không có ai dám mua do ảnh hưởng tâm lý cá biển chết vì nhiễm độc trước đây.
Còn theo ông Lê Xuân Hướng, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Dương, khu vực dân địa phương đang nuôi cá và xảy ra sự cố bị chết hàng loạt từng được chính quyền địa phương khuyến cáo không nên nuôi, nhưng ít ai chịu chấp hành. Vùng mặt nước này từng được đánh giá không phù hợp cho việc chuyên nuôi các loại cá nước lợ “đặc sản”, trong khi người dân lại không tuân thủ quy trình kỹ thuật nuôi, dẫn đến những thiệt hại vô cùng lớn.
Chi cục Thủy sản tỉnh TT-Huế cho biết, sau khi phát hiện tình trạng cá nuôi lồng chết hàng loạt tại xã Hải Dương, cơ quan này đã cử cán bộ kỹ thuật đi kiểm tra, rà soát tất cả các vùng nuôi trên địa bàn toàn tỉnh. Tính đến chiều 15/7, không vùng nuôi cá nước lợ nào tại TT-Huế được ghi nhận xảy ra tình trạng cá chết tương tự.