Ngày 11/9, tại Hà Nội, anh Bùi Quang Huy - Ủy viên dự khuyết T.Ư Đảng, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam tiếp xã giao ông Matthew David Jackson - Trưởng đại diện Quỹ dân số Liên Hiệp Quốc (UNFPA) tại Việt Nam. Cùng dự có anh Nguyễn Tường Lâm - Bí thư T.Ư Đoàn, Phó Chủ nhiệm thường trực Ủy ban Quốc gia về Thanh niên Việt Nam.
Tại buổi tiếp, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy chào mừng ông Matthew David Jackson và cán bộ UNFPA Việt Nam đến thăm và làm việc với T.Ư Đoàn.
Đột phá trong công tác phối hợp giữa T.Ư Đoàn và UNFPA
Anh Huy cho biết, trong thời gian qua, UNFPA Việt Nam đã có nhiều hoạt động ý nghĩa nhằm hỗ trợ và đồng hành cùng thanh thiếu nhi Việt Nam, trong đó có nhiều hoạt động, dự án có sự phối hợp chặt chẽ với T.Ư Đoàn, các cấp bộ Đoàn và các tổ chức thanh thiếu nhi Việt Nam.
Anh Huy bày tỏ trân trọng cảm ơn UNFPA Việt Nam đã luôn tích cực đồng hành với Đoàn TNCS Hồ Chí Minh trong việc thúc đẩy sự phát triển toàn diện của thanh thiếu nhi Việt Nam.
Anh Huy đã thông tin về nhiều chương trình, hoạt động của tổ chức Đoàn liên quan đến lĩnh vực UNFPA quan tâm; đề xuất hai bên phối hợp triển khai dự án riêng. Theo anh Huy, hai bên còn nhiều dư địa hợp tác, song còn nhiều khó khăn, thách thức trong triển khai thực hiện chương trình, dự án do UNFPA hỗ trợ.
Các hoạt động của UNFPA trong thời gian qua chủ yếu can thiệp tập trung vào mảng chính sách, quản lý nhà nước về thanh niên mà ít quan tâm đến các can thiệp tạo bằng chứng, các can thiệp cộng đồng hướng tới thanh niên yếu thế.Trong khuôn khổ các chương trình do UNFPA hỗ trợ kể trên, T.Ư Đoàn không có dự án riêng mà chỉ tham gia là dự án thành phần, vì vậy các thiết kế cho thanh niên không toàn diện, không gắn kết, hỗ trợ được nhiều với nhiệm vụ của tổ chức Đoàn đặt ra.
Trong các lĩnh vực UNFPA hỗ trợ cho Việt Nam, thanh niên mới chỉ tham gia chủ yếu lĩnh về chăm sóc sức khỏe sinh sản, sức khỏe tình dục”, anh Huy nói.
Anh Huy cũng dẫn ví dụ cụ thể về các dự án có mô hình một đơn vị đứng ra làm chủ dự án (NIP) và nhiều đơn vị tham gia thực hiện (CIP) trong cùng một dự án, không còn phù hợp. Trung ương Đoàn không chủ động trong các hoạt động do UNFPA hỗ trợ, thường rơi vào trạng thái chờ đợi, phụ thuộc vào các chủ dự án làm ảnh hưởng tới chất lượng và tiến độ thực hiện.
Từ thực tế này, anh Huy đề nghị UNFPA ủng hộ hỗ trợ T.Ư Đoàn xây dựng một dự án do thanh niên làm chủ để hỗ trợ toàn diện cho thanh niên giai đoạn 2023 - 2026 theo những định hướng, chương trình, đề án của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh đã ban hành.
Đây sẽ là tiền đề mở ra hoạt động phát triển thanh niên toàn diện cho giai đoạn tiếp theo 2027 - 2030. Đồng thời, nhằm tăng cường hợp tác với các tổ chức quốc tế để hỗ trợ công tác Đoàn và phong trào thanh thiếu nhi Việt Nam; trên cơ sở nhu cầu công tác và năng lực của hai bên, T.Ư Đoàn và UNFPA đã thống nhất ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026.
Trao đổi tại buổi tiếp, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn Bùi Quang Huy và Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam Matthew David Jackson đều đánh giá cao việc ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026 sẽ khắc phục khó khăn, tháo gỡ nhiều rào cản và mang đến sự đột phá trong công tác phối hợp giữa T.Ư Đoàn và UNFPA.
Đề xuất nhiều can thiệp có tính sáng tạo trong dự án hỗ trợ thanh niên
Căn cứ Biên bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn 2023 - 2026, T.Ư Đoàn đã gửi Trưởng đại diện UNFPA tại Việt Nam đề xuất dự án "Chương trình Hỗ trợ thanh niên Việt Nam về sức khỏe tình dục sinh sản và bạo lực trên cơ sở giới; Thanh niên tham gia chuẩn bị cho tuổi già" - "Không ai bị bỏ lại phía sau vì mục tiêu phát triển bền vững" để UNFPA xem xét hỗ trợ tài chính và kỹ thuật giúp T.Ư Đoàn triển khai.
Theo anh Huy, trong dự án này, T.Ư Đoàn đề xuất nhiều can thiệp có tính sáng tạo, các đề xuất này dựa vào chu kỳ hỗ trợ của UNFPA cho Việt Nam, nhằm huy động sự hỗ trợ của UNFPA cho thanh niên Việt Nam về sức khỏe tình dục và sinh sản, bạo lực trên cơ sở giới; sự tham gia của thanh niên; sự chuẩn bị của thanh niên và chăm sóc cho tuổi già.
Các nội dung này góp phần đạt được kết quả mang tính chuyển đổi của UNFPA là loại trừ tử vong bà mẹ do các nguyên nhân có thể phòng ngừa. Trong đó, đặc biệt chú ý đến việc đạt được chăm sóc sức khoẻ toàn diện và tiếp cận thông tin và dịch vụ sức khỏe tình dục, sức khoẻ sinh sản chất lượng cao và quyền cho các nhóm dân cư dễ bị tổn thương bao gồm người dân tộc thiểu số, người lao động di cư, người khuyết tật, thanh thiếu niên.
Ông Matthew David Jackson nhất trí với những đề xuất của T.Ư Đoàn và đánh giá cao các hoạt động của T.Ư Đoàn quan tâm đến nhóm thanh niên yếu thế; có nhiều hoạt động để hỗ trợ nhóm này và tổ chức các hoạt động thanh niên hỗ trợ lẫn nhau trong cuộc sống.