Bụm bỏng ngô mùa xuân

TP - Người lớn sợ Tết, mặc kệ, là trẻ con thì cứ trông Tết. Vui như trẻ nhỏ chờ Tết. Tôi lí sự như vậy vì những ngày cuối năm, mẹ thường than, quần quật làm lụng chưa dư đồng nào, quay lại đã hết năm, biết lấy gì mà ăn Tết. Vâng, không biết lấy gì ăn Tết. Than thì than vậy thôi chứ ở quê tôi, Tết có thể không có thịt thà bánh mứt nhưng đằng nào cũng có… cốm.

Cũng không biết những nơi khác có làm cốm không, nhưng có một điều tôi biết, đó là ở quê tôi, mấy ngày Tết thì nhà nào cũng có cốm. Chẳng phải xé lịch đếm lui, cứ nhảy đứng nhảy ngồi, hễ nghe tiếng nổ “bùm, bùm” bên lò cốm của bác Tám là biết Tết đang đến gần. Về hối mẹ đi “bùm” cốm.

Thường thì khoảng sau mùng 10 tháng Chạp, lò “bùm” cốm sẽ được dựng lên. Người ta đem những hạt nếp tròn mẩy bỏ vào chiếc khuôn có hình ống, rộng cỡ bằng đầu người lớn, dài chừng nửa mét. Rồi đem chiếc khuôn đó đặt trên lò than rừng rực lửa, cứ thế người thợ sẽ cầm cán khuôn quay đều trên lửa chừng 15- 20 phút thì sẽ gỡ xuống, đập nắp khuôn ra, một tiếng “bùm” váng tai và những hạt nếp phồng to sẽ nằm trọn trong chiếc túi rộng thùng thình. Người ta lấy những hạt nếp phồng to, thơm lừng đó bỏ vào máy xay nhỏ. Về nhà, trộn bột nếp với đường, ít gừng giã nát. Tùy khẩu vị ngọt nhạt mà gia giảm lượng đường cho vừa miệng sau đó đổ vào khuôn, lấy chày hoặc thanh gỗ tròn lăn đều trên khuôn, công đoạn này gọi là dện cốm. Úp ra mâm thành những miếng cốm tròn, vuông theo hình thù của khuôn. Cốm ngọt quá sẽ cứng, cũng đừng nhạt quá sẽ bở. Cốm bảo quản lâu, có khi rằm tháng Giêng vẫn còn cốm để cúng rằm.

Minh họa: Thành Chương.

Tôi là con sâu hảo ngọt nhưng không thích ăn cốm khi đã dện xong.  Ðiều làm bọn trẻ chúng tôi thích hơn là được ăn những bông nếp, bông bắp sau khi người thợ đập nắp khuôn đổ ra. Ngon hơn nữa là đem chúng trộn đường, vo tròn. Giòn giòn, thơm thơm, ngòn ngọt. Trẻ con thích lắm.

Nói chuyện Tết làm cốm, miên man nhớ bụm bỏng ngô. Kỉ niệm đó thật đặc biệt, Chuyện là thế này: Hồi đó, thường thì nhà ai cũng đem nếp làm cốm nên món được tụi nhỏ chúng tôi chờ đợi hơn là cốm ngô – của hiếm thường quý. Còn nhớ, đó cũng là một buổi chiều tan học thì hấp tấp quẳng cặp vào bàn, ù té chạy lên lều bùm cốm. Hên quá, vừa đúng lúc một mẻ cốm ngô ra lò. Ðứng nhìn thèm thuồng thì thấy lũ bạn ùa vô bụm cốm chạy. Tôi vốn chết nhát nhưng đôi mắt trẻ con đã bị những bông bắp nở trắng, thơm tho kia cám dỗ. Không thể kìm chân lại, tôi liều mạng chạy vô, đưa tay bụm. Bất ngờ, một bàn tay to, thô ráp giữ tay tôi lại. Ôi trời, tôi sợ bủn rủn tay chân, bị bắt quả tang rồi. Len lén ngước mặt lên nhìn thấy người đàn ông lạ hoắc, râu ria lồm xồm, đang nhìn đôi tay khẳng khiu run run của mình. Tôi cứng người. Không nói lời nào, người đàn ông lạ đó cầm lấy chiếc mũ rộng vành trên tay tôi, đưa tay bụm những hạt bỏng ngô bỏ đầy mũ. Tôi vừa mừng vừa hoảng, cầm chặt mũ bỏng ngô chạy ù về nhà. Vừa ăn vừa thở.

***

Lớn lên - thành khách tha hương. Tháng Chạp về quê mẹ, tôi không quên đưa tai dõi tìm tiếng “bùm” của những mẻ cốm. Tất cả đã là quá vãng. Bác Tám đã thành người thiên cổ, chỗ dựng lều “bùm” cốm ngày xưa giờ là cái cửa hàng tạp hóa khang trang bày đủ các loại bánh kẹo. Thế nhưng kỉ niệm về bụm bỏng ngô cứ đeo bám tôi, nó gợi nhớ cái tết trẻ thơ, dạy tôi bài học “cho đi”. Thế mới hay, mọi thứ rồi sẽ đi qua, duy có tình người ở lại.