"Mẹ xin lỗi vì đã không lắng nghe con nói
Chiều nay vô tình mẹ nghe một cô đồng nghiệp buồn bã kể về chuyện của con gái cô.
Con gái cô đang học lớp 8, giỏi giang, ngoan ngoãn. Từ năm lớp 6 đến giờ, hầu như năm nào cô bé cũng được giáo viên chủ nhiệm đề cử làm lớp trưởng hoặc lớp phó. Mỗi lần như vậy, cô bé đó lại nhăn nhó, phàn nàn với mẹ, nói không muốn làm. Nhưng lần nào mẹ cô bé cũng gạt phắt đi, nói rằng, được cô tín nhiệm như thế thì phải cố gắng làm cho tốt. Và lần nào cô bé cũng nhẫn nhịn nghe theo lời mẹ.
Đến năm học này, cô đồng nghiệp của mẹ bàng hoàng, sửng sốt khi được cô giáo chủ nhiệm thông báo, con gái cô có những biểu hiện không bình thường như co cụm, né tránh, không tiếp xúc, không chơi với bạn nào.
Buổi tối ngồi tâm tình, dò hỏi, cô bé bật khóc nói:“Con đã nói với mẹ là con không muốn làm cán bộ lớp mà mẹ cứ ép con. Trong lớp không bạn nào muốn chơi với con hết”. Hỏi kỹ ra mới biết, khi được phân công làm lớp phó học tập, cô bé phải nhắc nhở, báo cáo giáo viên những bạn hay nói chuyện trong giờ, vi phạm kỷ luật. Vì thế, cô bé bị các bạn xa lánh, “không chơi với đứa hay mách lẻo”. Thậm chí đã có không ít lần cô bé bị các bạn nam hăm dọa, đòi đánh.
Cô bé tâm sự, thời gian làm lớp phó là những tháng ngày cảm thấy cô đơn nhất trong đời học sinh. Cô đồng nghiệp chợt hiểu, con đã phải chịu áp lực quá lớn khi nhận nhiệm vụ lớp phó, bởi cô đã không thật sự lắng nghe những tâm tư của con mình.
Nghe chuyện của cô đồng nghiệp, mẹ bỗng giật mình. Từ khi nào mẹ cũng không còn chú ý nghe những lời tâm sự của con? Từ lúc nào mẹ chỉ chú ý đến con một cách qua loa với suy nghĩ “con đã lớn”?
Ngồi tâm tình với con, lòng mẹ đắng chát khi thấy mình đã quá thờ ơ với những tâm tư của con.
Con kể, trường học gần nhà, mẹ thường để con tự đi học, nhiều lúc thấy con mè nheo đòi mẹ chở đến trường, mẹ còn mắng con là lười biếng. Những lúc nhìn con đi học về với khuôn mặt bầm tím, quần áo xộc xệch, mẹ chỉ la mắng vì cho rằng con ham chơi, đánh lộn mà không biết rằng con bị các bạn bắt nạt? Mẹ không biết rằng, con bị các bạn bắt nạt suốt từ cấp 2 lên cấp 3. Nhiều buổi tan học, con phải trốn vào thư viện, đến thật muộn mới dám về.
Từ một cậu bé hiền lành, con đã phải tự mình “ngầu” hơn, chịu chơi hơn để không bị các bạn bắt nạt, đánh đập nữa. Hỏi con sao không báo cô giáo? Con buông một câu:“Báo cô thì còn bị đánh nhiều hơn, mà cô cũng chỉ gọi bọn con lên nhắc nhở mấy câu rồi lại thôi”.
Tim mẹ nhói đau, cứ nghĩ rằng lo cho con cơm ăn áo mặc, đi học mỗi ngày là đủ, đâu biết rằng hàng ngày con phải “chiến đấu” ngay trong mái trường của mình?
Mỗi năm 2 kỳ họp phụ huynh, các bố mẹ chỉ được nghe những báo cáo thành tích sáo rỗng, những lời nhận xét hời hợt, qua loa. Có mấy ai biết được thực chất con mình đang từng ngày từng giờ trải qua như thế nào trong lớp học? Có mấy ai thực sự để tâm đến những suy nghĩ, tâm tư của những đứa trẻ 15, 16 tuổi hay lúc nào cũng chỉ săm soi điểm số?
Mẹ đã sai rồi, mẹ đã “bỏ rơi” con từng ấy năm. Và từ bây giờ, mẹ sẽ thay đổi, sẽ đi cùng con mỗi ngày, không để con phải tự mình “chiến đấu” như trước.
Xin lỗi con, con trai!"