Bức điện bị hiểu nhầm giúp Mỹ đánh tan đội tàu chiến Nhật

Do hiểu sai ám hiệu, một tuần dương hạm Mỹ nổ súng sai kế hoạch, nhưng lại vô tình gây bất ngờ với quân Nhật và giành chiến thắng.
USS Helena, chiếc tàu đã mở đầu cuộc tấn công. Ảnh: Hải quân Mỹ.

Trong chiến đấu, thông tin liên lạc thông suốt luôn đóng vai trò rất quan trọng và một sai lầm khi liên lạc có thể đẩy trận đánh đến thảm họa. Tuy nhiên, trong trận hải chiến trên Thái Bình Dương năm 1942, một bức điện bị hiểu nhầm lại giúp hải quân Mỹ giành chiến thắng quan trọng trước phát xít Nhật ở ngoài khơi đảo Guadalcanal, theo Scout.

Tháng 8/1942, quân Đồng minh với nòng cốt là Thủy quân lục chiến Mỹ đổ bộ lên đảo Guadalcanal ở phía nam quần đảo Solomon nhằm ngăn chặn việc quân Nhật chiếm đảo này, khống chế tuyến đường hậu cần, liên lạc giữa Mỹ, Australia và New Zealand.

Một tháng sau, Nhật điều quân đến đánh chiếm đảo, nhưng bị lực lượng phòng thủ của Mỹ đánh bại, gây tổn thất đáng kể. Nhật quyết định thực hiện chiến dịch "Tokyo Express" chuyển quân và hàng tiếp tế đến đảo Guadalcanal nhằm chiếm sân bay Henderson trên đảo. Tàu chiến và tàu hàng Nhật thường lợi dụng đêm tối để di chuyển, do sợ bị chiến đấu cơ Mỹ đánh chìm vào ban ngày.

Mỹ cũng điều một biên đội tàu hộ tống chở lực lượng tăng cường bảo vệ đảo Guadalcanal, dưới sự bảo vệ của 3 cụm tàu tác chiến đặc biệt của hải quân. Các cụm tàu khu trục, tàu tuần dương Mỹ được giao nhiệm vụ cảnh giới cho đến khi thủy quân lục chiến hoàn thành việc đổ bộ lên đảo.

Đêm 11/10, radar trên tàu tuần dương hạng nhẹ USS Helena trong cụm tàu bảo vệ Mỹ phát hiện 3 tàu tuần dương hạng nặng của Nhật Bản gồm Aoba, Kinugasa và Furutaka cùng hai khu trục hạm Fubuki và Hatsuyuki đang hộ tống một biên đội tàu tiếp tế tiếp cận đảo Guadalcanal.

Thuyền trưởng Gilbert C. Hoover của USS Helena đánh điện cho chuẩn đô đốc Norman Scott trên kỳ hạm USS San Francisco với nội dung "Interrogatory Roger", mang hàm ý muốn xin phép khai hỏa. Scott hồi đáp "Roger", có nghĩa là đã nhận được điện. Tuy nhiên, "Roger" cũng có nghĩa là "Đồng ý" hoặc "Được phép bắn", theo sử gia Samuel Eliot Morison.

Chỉ một phút sau, 15 khẩu pháo 152 mm trên USS Helena đồng loạt khai hỏa nhằm vào biên đội tàu chiến Nhật. Loại pháo này có tốc độ bắn tới 10 phát/phút, nghĩa là trong vòng một phút đầu tiên, USS Helena có thể nã tới 150 quả đạn pháo. Các tàu khác của Mỹ cũng nổ súng khiến kỳ hạm Aoba của Nhật Bản trúng đạn, chuẩn đô đốc Aritomo Goto, tư lệnh biên đội tàu Nhật, bị thương nặng.

Quá hoảng loạn, quân Nhật còn tưởng rằng họ bị biên đội hộ tống của mình bắn nhầm. Sau đó họ mới khai hỏa bắn trả, nhưng lúc này kết cục của trận hải chiến đã được định đoạt. Tàu Aoba bị hư hỏng nghiêm trọng, hai tàu chiến khác bị chìm.

Mất đội tàu hộ tống, Nhật vẫn quyết định đưa quân tấn công đảo trong đêm đó. Các thiết giáp hạm Kongo và Haruna oanh tạc dữ dội sân bay Henderson, nhưng không thể ngăn quân Mỹ tăng cường đổ bộ lên đảo.

Tới cuối tháng 10, quân Nhật vẫn không thể chiếm được sân bay Henderson, trong khi một cuộc tấn công khác bị đẩy lùi trong trận đánh ở đảo Santa Cruz gần đó.

Quân Mỹ giành chiến thắng trong trận chiến đảo Guadalcanal nhờ một sai lầm trong liên lạc mà chỉ mất một khu trục hạm, hai tàu khác hư hỏng phải trở về căn cứ hậu phương để sửa chữa.

Theo Theo Vnexpress