Tiếp bài 'Nông thôn mới đối mặt ô nhiễm':

Bớt tiền xây trụ sở, tăng đầu tư môi trường

TP - “Tôi cho rằng nông thôn mới phải đi vào bản chất, mới không chỉ ở trụ sở lớn, nhà văn hóa hiện đại mà phải uống sạch hơn, ăn sạch hơn và hít thở không khí trong lành hơn”, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, Bộ TN-MT Hoàng Dương Tùng chia sẻ về thực trạng nông thôn mới.
Ông Hoàng Dương Tùng.

Ông Tùng cho biết: Tôi từng đến một số xã nông thôn mới, thấy trụ sở hoành tráng, nhà văn hóa hiện đại, hàng trăm chỗ ngồi, một năm chỉ dùng vài lần rồi đóng cửa. Trong khi đó, vào nhà vệ sinh thấy bẩn, hệ thống xử lý nước thải ở nông thôn chưa có, toàn bộ nước thải ra ao hồ. Nước kênh ngòi nhiều nơi đen kịt. Nước ấy ngấm xuống nước ngầm, chúng ta lại uống vào.

Rác thải sinh hoạt cũng thế. Đa phần các xã mới thực hiện khâu thu gom tốt nhưng chưa chú ý đến xử lý. Nhiều nơi đem chôn lấp nhưng phương pháp ấy cũng không bền vững. Một số nơi thì đốt bằng lò đốt nhỏ gây ô nhiễm.  Nhiều xã, làng nghề phải thực hiện di dời ra khỏi khu dân cư nhưng cũng chưa thực hiện.

Chúng ta có trụ sở to, nhà văn hóa hoành tráng, đầu tư hàng chục tỷ nhưng một phần rất quan trọng là môi trường lại không được chú trọng đúng mực. Uống nước không sạch, hít thở không sạch cùng với an toàn vệ sinh thực phẩm như một đại biểu Quốc hội từng nói “chưa bao giờ con đường từ dạ dày đến nghĩa địa lại ngắn như vậy”, liệu sức khỏe của người dân có được đảm bảo? Tỷ lệ ung thư những năm gần đây tăng cao. Tôi cho rằng nông thôn mới phải đi vào bản chất, mới không chỉ là ở trụ sở hoành tráng, nhà văn hóa hiện đại mà phải uống sạch hơn, ăn sạch hơn và hít thở không khí trong lành hơn.

Ông từng chia sẻ, nhiều xã thực hiện nông thôn mới có phần chưa đúng bản chất?

Bản chất của nông thôn mới là phong trào cải thiện cuộc sống hàng ngày cho người dân. Phong trào này thành công rực rỡ tại Hàn Quốc và được phổ biến ở nhiều nước. Mình có học được không? Tôi nghĩ chắc không học được hết nhưng cũng có thể học được một số, phải xem có nên áp dụng một bộ tiêu chí cho tất cả các xã hay không. Thứ hai là phải đi vào bản chất, tức là xây dựng nông thôn mới bắt đầu bằng những gì cần thiết nhất, sát sườn nhất. Nhiều xã nông thôn mới của chúng ta xây  trụ sở hoành tráng, nhà văn hóa vài chục tỷ đồng, hàng trăm chỗ ngồi xong một năm họp vài lần rồi để đấy, rất lãng phí.

Theo ông đâu là cái khó trong xử lý môi trường tại các xã nông thôn mới?

Tôi nghĩ cái khó không nằm ở vấn đề kỹ thuật mà ở nhận thức và quyết tâm chính trị. Chúng ta vẫn nặng văn hóa phong trào, thành tích theo kiểu ông có ủy ban to thì tôi cũng có ủy ban to. Chưa có cạnh tranh theo kiểu ông sạch tôi cũng phải sạch. Xây trụ sở, nhà văn hóa to thì dễ thấy nhưng môi trường sạch thì không dễ ghi nhận được ngay nên có tâm lý ngại.

Nhiều người vẫn nghĩ môi trường là cái hộp đen, rất tốn kém nên người ta ngại làm, ngại động vào nhưng thực ra không phải thế. Ví dụ vấn đề xử lý nước thải sinh hoạt, chúng tôi đang nghĩ đến việc đưa ra một mô hình chuẩn, cụ thể hóa suất đầu tư để không còn tâm lý ngại ngần. Ví dụ xây trụ sở hết 20 tỷ đồng thì chỉ xây 15 tỷ đồng thôi còn 5 tỷ đồng thì để đầu tư mô hình xử lý nước thải. Với chất thải rắn không thể để xã tự lo mà phải là tỉnh. Các xã cần thực hiện thu gom tốt còn việc xử lý phải do tỉnh đứng ra xây dựng nhà máy, lựa chọn công nghệ. Muốn giải quyết vấn đề môi trường không thể dựa vào bao cấp của Nhà nước mà phải có sự tham gia của doanh nghiệp, người dân.

Cảm ơn ông.