BÔNG DONG ĐỎ

TP - Con sông mùa này trong vắt và mát rượi. Trưa chiều luôn có từng tốp trẻ tắm táp, đùa nghịch phía thượng nguồn, dưới là đàn trâu đằm mình sau bữa cỏ no nê. Tôi ngồi trên bờ, dứt dứt những cọng cỏ gà, chờ để lùa trâu về. Cạnh bên là bụi dong, hoa nở đỏ chót như mời gọi, ngày qua ngày tôi ngắm chúng từ lúc chớm nụ đến khi héo rũ, chẳng buồn hái để nhấm nháp thứ mật ngọt ngào như hồi bé.
Minh họa: Bình An

Quê tôi, phần đa các ông bố, các anh trai trẻ đều đi làm ăn xa. Đàn bà con gái ở nhà làm ruộng, làm đồi, chăn lợn chăn gà. Cuộc sống đã khấm khá hơn rất nhiều ngày trước nhưng đàn ông vẫn cứ biền biệt như thế, chẳng hẹn ngày về.

Trưa hôm ấy khi tôi đang ngồi đằm mình như mọi khi, dưới bóng một cây sung già, chợt nghe tiếng khóc thút thít quanh đấy, lần tìm đến thì thấy Chiều đang tấm tức khóc, đôi vai gầy rung lên. 

Chiều ở xóm bên kia sông, cùng học chung trường cấp ba với tôi. Thấy bước chân cạnh bên, Chiều giật mình hoảng hốt định bỏ chạy nhưng có lẽ vì mệt hay vì ánh mắt tôi đầy cảm thông và lo lắng nên Chiều ngồi lại, lấy tay quệt nước mắt: Sao Nhạn sang tận bên này làm gì thế? Chiều ngập ngừng hỏi. Tôi không trả lời mà ngồi xuống bên cạnh Chiều, bất chợt Chiều ôm lấy tôi nức nở: Nhạn đừng nói với ai nhé, tớ có bầu rồi... là do... bố cậu. Tôi như sét đánh bên tai, đẩy Chiều ra và nhìn thẳng vào đôi mắt đang đẫm nước.

Cả cái xã này, ai cũng biết bố tôi đã cứu sống Chiều khi nó bị ngất bên bờ sông cách đây mấy tháng, chính việc này cũng khiến tôi thấy tự hào vô cùng, bà con lối xóm ai cũng hết lòng ngợi khen. Vậy mà giờ đây, tôi lại vừa nghe thấy một điều khủng khiếp. 

Sau lúc gặp Chiều, tôi như kẻ mất hồn, Chiều nói chỉ tôi với nó biết chuyện này thôi, nó muốn tôi giúp gì đó và tôi bảo hãy bình tĩnh, cho tôi mấy ngày để tìm cách giải quyết.

Quãng 7h tối, tôi chốt cửa chuồng trâu cẩn thận, vào đến sân đã thấy bác Thân ngồi phe phẩy quạt mo: Con vào tắm rửa đi còn ăn cơm. Vẫn điềm đạm và trìu mến như thế mấy năm nay nhưng bác chưa một lần được tôi gọi là bố - tiếng gọi quá đỗi bình thường với nhiều người nhưng với bác, đó là một khao khát, tôi hiểu nhưng tôi không làm được vì tôi chỉ có một người bố duy nhất, bố tôi vẫn còn đấy và tôi yêu thương bố rất nhiều. Mẹ tôi đang lúi húi dưới bếp, nấu nốt món canh tập tàng, món rau thường xuyên của nhà tôi.

Bữa cơm trôi qua nhẹ nhàng như mọi ngày, bác Thân và mẹ vẫn trò chuyện đôi ba câu, thằng út vừa ăn vừa chăm chú vào màn hình ti vi, tôi thỉnh thoảng vâng dạ cho qua, trong lòng đang ngổn ngang bao ý nghĩ. Lời nói của Chiều vẫn văng vẳng bên tai, hơn lúc nào hết, tim tôi đau lắm, lo sợ lắm, hoảng loạn lắm nhưng cố thản nhiên không để ai nhìn ra. Tôi vẫn hay giữ cảm xúc của mình như thế bao năm nay, giờ đây trong đầu tôi đau đáu một câu hỏi: Bố ơi, có thật thế không?

Cả đêm tôi nằm suy nghĩ, đầu muốn nổ tung. Hơn một lần tôi muốn gọi mẹ dậy để nói với mẹ nhưng đều thôi.

Buổi trưa hôm sau, sau khi thả cặp trâu lên đồi cỏ theo đàn, tôi băng qua đồi mía tìm gặp bố. Bố sống với bà nội và vợ chồng chú thím ở cuối làng. Hai mươi năm trước, bố tôi là một thanh niên khỏe mạnh, chịu thương chịu khó sau nhiều lần sang xã bên làm mộc thì quen biết và đem lòng yêu mẹ tôi, bà nội biết chuyện, mang trầu cau sang hỏi luôn, thế là đám cưới. 

Đẻ chị tôi thì ra ở riêng. Bố mẹ được cho mảnh đất đầu làng, vợ chồng bảo ban nhau làm ăn. Mẹ tôi cũng nết na, chăm chỉ, hiếu thuận nên được lòng nhà chồng và hàng xóm láng giềng yêu mến. Hồi ấy người ta dạt vào miền nam đi làm thuê nhiều lắm, đám đàn ông thì đi làm trong các trang trại, đồn điền, đám đàn bà thì làm cho các nhà máy, công xưởng...

Nói chung đều lao động chân tay mệt nhọc, có người còn bị đánh đập dã man, tất cả đều cố gắng bám trụ, tích cóp gửi tiền về nuôi mẹ già con nhỏ. Khi tôi được hai tuổi, bố rủ chú tôi cùng đi vào nam làm ăn, bà nội không cho đi, bảo cứ ở nhà chịu khó cày cuốc, bà ghét cảnh chia xa, lam lũ nơi đất khách. Chú tôi nghe bà ở lại, bố thì cương quyết đi. Không ai cản được. 

Khi bố đi rồi, mẹ tôi khóc thút thít hàng đêm. Bà nội cứ mỗi tối lại ra ngủ với ba mẹ con. Bà thương mẹ tôi lắm, luôn động viên an ủi hết lời. Rồi bố cũng bắt đầu gửi tiền về, những đồng tiền xanh đỏ không làm mẹ tôi vui hơn. Ăn hai cái tết xa nhà thì bố tôi về, được chừng một tuần lại đi. Bà thỉnh thoảng vẫn ra ngủ với ba mẹ con, chú tôi luôn giúp việc cày bừa. Rồi những năm sau đó, bố đột nhiên mất tích, mẹ tôi đi tìm, chú tôi đi tìm đều trở về trong vô vọng.

Mẹ tôi mất ăn mất ngủ, người gầy rộc, luôn cáu gắt với chúng tôi, lúc lại ôm lấy hai chị em mà khóc. Mẹ ốm cả tháng trời, bà và thím tôi thay nhau chăm. Bà tôi kiên cường lắm, bố tôi có chuyện như thế mà bà không thể hiện một sự suy sụp nào. Chính bà vực mẹ tôi dậy. Người ta bảo, bố tôi bị hổ vồ chết mất xác trong rừng, có ông nghe tiếng kêu cứu, gọi người đến thì chỉ thấy vết máu.

Chú tôi lại lặn lội vào Tây Nguyên gặp những người cùng làm với bố và trở về với đôi mắt trũng sâu, buồn bã. Anh em họ hàng làm đám tang cho bố tôi, mẹ ốm dặt dẹo không dậy được khỏi giường. Sau đám tang bố, bà kêu ba mẹ con dọn về sống chung với bà và chú thím. Mẹ xin bà cho ở lại, gắng gượng mãi rồi cũng khỏe dần, trồng lúa trồng ngô, chăm lo cho chúng tôi.

Tôi lớn lên, chỉ hình dung bố qua tấm ảnh đen trắng chụp chung với chú tôi hồi thanh niên.

Mười năm sau ngày bố tôi mất tích, bà nội nhiều lần mở lời khuyên mẹ tôi tìm cho mình một chỗ dựa, rằng các cháu đã khôn lớn, nên nghĩ đến hạnh phúc của mình. Tôi và chị tôi bà sẽ nuôi hoặc ở với mẹ cũng được. Mẹ tôi khóc trên vai bà.

Rồi mẹ tôi cũng đi bước nữa, Bác Thân là người được học hành, làm cán bộ trong xã, từng có một đời vợ nhưng vợ chết bệnh đã nhiều năm. Trong một lần ngồi uống rượu với chú tôi đã nói rằng thương mẹ tôi lâu lắm rồi mà không dám ngỏ, nếu không lấy được mẹ tôi, sẽ ở vậy cả đời. Chú tôi về kể lại với bà, bà và thím tôi làm cuộc cách mạng tinh thần, khuyên nhủ mẹ, cuối cùng mẹ cũng đồng ý. Không có đám cưới diễn ra, chỉ là mấy mâm cơm gia đình.

Lúc đó chị Diệp tôi đã 16 tuổi, chị không thích bác Thân và không ủng hộ việc mẹ tôi đi bước nữa nhưng chị không nói với mẹ, chỉ tâm sự với thím và tôi. Chị hiểu được những nỗi khổ, hi sinh của mẹ vì chị em tôi. Trước mặt mẹ, chị vẫn thản nhiên đón nhận nhưng thực tế chị lạnh nhạt với bác Thân lắm. 

Chúng tôi thay nhau để ý mọi thái độ và hành động của bác ấy, xem bác đối xử với mẹ tôi thế nào. Mẹ tôi như trẻ ra vài tuổi, ít ốm đau hơn, điều đó khiến bà nội an tâm và dặn dò chị em tôi phải biết điều và hiếu thuận dù chị em tôi chưa một lần bất kính với bác Thân, chỉ có điều không thể nào gọi bác là bố. Bác Thân đối xử rất tốt với bên nội tôi, cũng chăm chút cho chị em tôi như một người cha thực thụ. Bà và chú thím cũng quý bác lắm, giỗ chạp gì đều gọi bác vào.

Khi chị tôi có người đến hỏi cưới thì cũng là lúc bố tôi đột ngột quay về. Lúc ấy thằng út đã được hai tuổi. Mẹ tôi như chết lặng, bác Thân không nói gì, chị tôi nằm khóc trong buồng, tôi đi vào đi ra như người thừa. Tôi không biết câu chuyện giữa những người lớn, tôi cũng không biết được mọi sự dàn xếp. 

Bố tôi không còn như xưa nữa, không rõ xảy ra chuyện gì khiến bố thành ra một người ngô nghê, ngờ nghệch, nói năng lắp bắp, chuyện nhớ chuyện không. Có người tốt bụng đã nuôi bố suốt những năm bệnh tật, rồi một ngày bố nhớ ra tên bà tôi, chú tôi, nhớ tên hai đứa con gái. Họ đã đưa bố tìm về quê hương nhận mặt họ hàng.

Bà nội mừng rỡ sờ tay nắn chân, rờ các vết sứt sẹo trên khuôn mặt méo xệch của bố tôi. Cảnh tượng ấy không ai cầm được nước mắt. Bố tôi như đứa trẻ, ôm lấy chân bà mà khóc, ngày ngày líu lo bên bà, phụ bà những việc lặt vặt, bà thì cặm cụi nấu những món ngon cho bố, ngày đêm kể chuyện quá khứ tươi đẹp cho bố nghe. Chú tôi làm mấy mâm cơm cúng tổ tiên và gọi anh em họ hàng đến chia vui. Từ đó bố sống với bà nội và chú thím trong cùng một mái nhà.

Tôi với chị Diệp ban đầu e ngại khi gần bố nhưng rồi thường xuyên qua chơi với bố nên tình cảm thân thiết vô cùng. Chị em tôi đều nhận thấy chưa bao giờ tình yêu dành cho bố vợi bớt đi. Hầu như bố đã dần nhớ ra mọi chuyện trước đây, chỉ có quãng đời hơn mười năm biệt tích là ông không nhắc đến, cả nhà cũng không ai gợi lại vì mỗi lần như thế bố tôi vò đầu bứt tai, đau đớn khổ sở lắm.

Hôm bà gọi mẹ tôi vào, mẹ đứng ở cửa nhìn bố hồi lâu, cắn môi để không bật ra tiếng khóc. Bố vờ như không nhận ra mẹ, tôi biết rõ điều đó vì bố đã nghe bà nói về chuyện mẹ đi bước nữa. Nhìn thấy mẹ, bố chỉ cười, ngồi im không nói gì, một lát thì đi ra sau hè ngồi một mình. Hơn một lần bố ôm lấy tôi lắp bắp: “Bố có lỗi với mẹ con, với các con”. Mỗi lần nghe câu ấy, tim tôi như có ai bóp nghẹt, cổ họng nghẹn đắng. Tôi không biết trách ai, hận ai, tôi thương bố vô cùng.

Từ hôm bố về, bữa cơm nhà tôi trở nên trầm hẳn, ai cũng tránh đụng mặt nhau, chị Diệp về nhà chồng, mẹ và bác Thân ít cười nói hơn trước. Tôi cứ rảnh rang là chộp cái xe đạp cà tàng phi về nhà nội. Bố vẫn để dành cho tôi khi thì tấm bánh, khi thì trái ổi trái chuối. Chưa một lần bố trở lại mảnh đất mà gần hai mươi năm qua bố và mẹ gây nhà dựng cửa vì bố hiểu bây giờ ngôi nhà ấy đã có trụ cột.

Bác Thân như người có tội, tối tối rít hàng chục điếu thuốc lào, không nói một câu gì. Lúc có hai mẹ con, mẹ tôi thường dặn dò tôi hãy thay mẹ quan tâm, chăm sóc bố, mẹ nghẹn ngào nói rằng mẹ đã không còn xứng đáng với bố. Người lớn luôn biết cách dàn xếp mọi việc ổn thỏa để tất cả đều vui vẻ, chuyện nhà tôi cũng thế, với sức nặng của lời nói bà nội thì mọi sự đều đâu vào đấy. Mà kể ra, bà nội không nói gì thì mọi thứ vẫn vậy thôi, không có sự xáo trộn nào cả vì những người trong cuộc đều hiểu đã quá muộn. Quá khứ vẫn là quá khứ thôi, ai cũng phải sống cho hiện tại và tương lai…

Tôi thì chỉ có một người bố, trong quá khứ và mãi mãi là như vậy.

Tôi chạy xồng xộc vào các gian nhà, vào bếp tìm bố nhưng không thấy, bà nội đang lảy ngô bên hiên dụi dụi mắt: Đứa nào tìm gì thế? Tôi vừa thở vừa hỏi: Con Nhạn đây, bố con đâu bà? Con hỏi bố cái này tí. Cha bố mày, nó có trong bếp đâu mà kiếm, ngoài sông kia kìa. Quên cả chào bà, tôi chạy ngay ra khúc sông bà chỉ, băng qua ruộng ngô nhà chú thì thấy bố đang ngồi đăm đăm dưới một gốc cây, cạnh đấy là cái nón rách và thùng nhựa to để đựng tôm cá.

Bố tôi đang kéo vó, mặt nước đục đục lặng lẽ, không tăm sủi gì. Tôi đến ngồi cạnh bố, không biết bắt đầu thế nào, cứ ngồi như thế. Bố chỉ ngó tôi một lượt, nở nụ cười hiền từ rồi lại tập trung vào công việc đang làm. Trong lúc đang chờ cất vó, bố chạy lại chỗ bụi dong gần đấy, bứt mất bông hoa đỏ chót, đưa cho tôi: Ngọt lắm đấy. Tôi lắc đầu. 

Bố dúi vào tay tôi: Hồi bé con thích thứ này lắm mà, sao giờ không lấy? Tôi vứt chỗ hoa ấy xuống dòng nước đang lờ lững nửa muốn dừng, nửa muốn trôi. Tôi vừa ném đi thứ quà ngày bé của chị em tôi. Hẳn là đứa trẻ nông thôn nào cũng biết đến và từng nếm trải vị ngọt lịm từ cuống hoa dong, kí ức tuổi thơ khiến tôi sững lại, nén tiếng thở dài: Bố nhớ nhầm rồi. Con hai tuổi bố đã đi biệt tích, con còn không biết bố có mớm cho con miếng cơm nào không nữa là… - Tôi cáu kỉnh.

Ừ, ừ... Bố quên, Diệp nó mới thích hoa dong. Ờ, đúng rồi, phải là Diệp cơ, có Diệp ở đây, chắc từng này hoa không đủ. Bố tôi cười hồn nhiên.

Tôi vẫn cáu: Chị Diệp lấy chồng rồi, chị ấy còn ham hố gì dong với chả giềng nữa.

Ừ, vậy à. Bố không nhìn tôi, giọng chùng xuống.

Tôi ngồi phịch xuống cỏ, cắn môi xót xa cho người bố hồn nhiên đáng thương của tôi.

Tôi xoay vai bố lại, đối diện thẳng với tôi. Con hỏi bố đây, bố trả lời rõ cho con nghe, bố có biết cái Chiều không?

Bố tôi khẽ nhíu mày.

Chiều ở xóm Đạm, người mà bố cứu bên bờ sông mấy tháng trước ấy. Bố nhớ chưa? Tôi nhấn mạnh từng chữ.

Bố tôi vui vẻ gật đầu: Có nhớ, nhớ ra rồi. Ngất xỉu trưa vắng như thế. Khổ thật.

Đấy, bây giờ nó có chửa rồi, nó vừa nói với con, nó có chửa rồi.

Thế à - bố mỉm cười.

Con thật không biết phải làm sao, bố biết không, nó nói bố làm nó có chửa đấy.

Thế à - vẫn giọng đó bố thản nhiên đáp lại.

Tôi mặt nóng bừng: Sao bố lại làm thế? có phải bố thật không? như thế là đi tù đấy, bị mọi người xỉ vả đấy. Bố hiểu không?

Bố tôi cũng dần thay đổi nét mặt: Đúng thế, phải đi tù thật, như thế chắc phải đi tù đấy.

Tôi đang không biết xử trí thế nào thì chú tôi đang tiến lại gần khiến tôi không thể tiếp tục hỏi bố nữa. Tôi với chú thu dọn vó, lưới cho bố trong khi ông cứ lẩm bẩm trong miệng: như thế thì phải đi tù thật.

Bố tôi vẫn chưa hiểu được vấn đề, với một người khác có lẽ tôi đã biết được câu trả lời chỉ với từng đấy câu hỏi. Như thế, tôi không khỏi hoài nghi dù tôi tin bố tôi.

Tôi không vào nhà bà nữa mà đi thẳng về phía đồi cỏ, đàn trâu đã tản ra tứ phía tìm đám cỏ tốt, lũ trẻ tranh thủ trèo cây tìm trái chín để ăn, một nhóm rôm rả chơi bài. Tôi thẫn thờ ngồi vắt vẻo trên một cành cây, không còn tâm trí đọc sách hay đan lát gì nữa. Nghĩ chán chê, nhíu mày nhăn mặt hàng tiếng đồng hồ cũng không thể nào nguôi ngoai.

Tôi không tin bố tôi có thể làm cái việc động trời thế được. Ở xã này, trước nay có vài đứa con gái mới lớn chửa hoang, làng trên xóm dưới bàn tán hàng tháng trời, từ bà cán bộ đến đứa trẻ trâu đều thuộc lòng các tình tiết và diễn biến. Tôi nghĩ đến Chiều, tôi tưởng như nhìn thấy mẹ nó lôi ra giữa sân, cứ chổi cọ mà nện mà chửi và hàng xóm bâu đầy bờ rào nhỏ to bàn tán. Tôi thấy Chiều cắn răng chịu đựng, tay ôm bụng, tay ôm đầu, những hàng nước mắt tự nhiên đua nhau rơi xuống. Tôi thấy liền sau đó Chiều lao ra khỏi nhà, chạy thẳng đến bờ sông mà nhảy xuống, tôi thấy Chiều chìm dần, tôi thấy không một ai cứu vớt.

Những cảnh tượng đó làm tôi rùng mình kinh hãi, tôi bừng tỉnh, hốt hoảng.

Mấy ngày sau, tôi sang bên ngoại, định bụng sẽ kể cho thím tôi biết nhưng vừa vào nhà, tôi đã thấy mẹ Chiều đang ngồi nói chuyện với bà và chú thím tôi. Bà xua xua tay đuổi tôi ra ngoài, tôi thẫn thờ ngồi dưới bếp, tim đập loạn xạ. Thế là mẹ Chiều đã biết chuyện… Rồi không biết ai loan tin, làng trên xóm dưới đều biết, họ bàn tán, họ chỉ chỏ, họ nhìn tôi bằng ánh mắt khinh bỉ hơn là cảm thông. Tôi đau khổ đến độ lầm lì, không ra khỏi nhà nửa bước. Mẹ tôi và bác Thân thở dài, buồn bã.

Bố thì vẫn cười nói hồn nhiên.

Chuyện được mấy ngày thì có người đến nhận là tác giả của cái thai. Tất cả lại được dịp bàn tán, mọi người trong nhà tôi đều thở phào nhẹ nhõm, tôi thì thương bố hơn vì không thể tự minh oan cho mình, bố không ý thức được sự việc đó là như thế nào.

Tôi thấy Chiều vẫn nước mắt ngắn dài trước hôm cưới. Nó vẫn đau khổ và tủi nhục lắm. Người lấy Chiều là Can, cùng xóm, hơn năm tuổi, người thấp lùn, đen nhẻm, cũng được tiếng hiền lành, Can để ý Chiều lâu nay nhưng mấy lần tán tỉnh toàn bị Chiều từ chối. Hôm đó đi qua bờ sông thấy Chiều đang gánh cỏ thì đột nhiên cảm nắng ngã xuống, hắn vội vàng chạy đến, bế thốc Chiều vào chỗ mát cho tỉnh, nhưng lay không thấy trả lời nên nảy sinh ý đồ xấu, chỉ định nhìn thôi nhưng thú tính trong người trỗi dậy, khi đang giở trò đồi bại thì nghe tiếng ho hắng gần đấy, hắn mặc vội quần áo lại cho Chiều rồi bỏ chạy, nấp sau rặng ngô, hắn thấy bố tôi vừa bế Chiều chạy ra đường mòn vừa ú ớ gọi người giúp.

Sự việc đã rõ ràng như thế, việc còn lại gia đình họ giải quyết thế nào và chính quyền can thiệp ra sao tôi không quan tâm đến nữa, tôi chạy đi tìm bố.

Bấy giờ bố đang ngồi bó gối nhìn dòng nước lững lờ trôi, tôi đến ngồi cạnh bố, những muốn ôm lấy đôi vai gầy guộc ấy, bố nhìn tôi mỉm cười.

Dường như bố đã hiểu hết chuyện.

Tôi thỏ thẻ: Bố ơi, hái cho con mấy bông hoa dong đi, lâu quá con chẳng được ăn. Bố tôi mắt sáng lên, đứng ngay dậy, hăm hở đi đến bụi dong cách một quãng, đoạn quay về chìa ra trước mặt tôi hai lòng bàn tay đầy hoa dong, đỏ chót. Tôi nhón lấy một bông, đưa cuống hoa lên miệng, một vị ngọt thanh mát thấm đầu lưỡi, tôi hút hết chỗ mật hoa đó rồi thả từng bông xuống dòng nước xanh thẳm.

Lâu lắm, tôi mới được đọc một truyện ngắn chan chứa tình thương yêu, mà không giả. Vẫn đó, một làng quê đầy những soi xét khắc nghiệt, đầy những thân phận nghèo và chịu đựng nghịch cảnh, nhưng người vẫn dành cho người lòng thương nguyên vẹn. Hoa dong là một ẩn dụ đẹp. Cách Nguyễn Hiền mô tả nhân vật người cha rất đáng chú ý. Không nhiều lời, chỉ như dẫn câu chuyện đi, nhưng rất ấn tượng. 

L.A.H

Theo Truyện ngắn