>> Bọ xít hút máu người có thể truyền bệnh
PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh, nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Trưởng khoa Sinh học Phân tử, nguyên Phó trưởng khoa Côn trùng, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng- Côn trùng TƯ, Bộ Y tế cho biết, cách đây hơn mười năm, ông tình cờ phát hiện trong nhà mình tại đường Lương Thế Vinh (Thanh Xuân, Hà Nội), có những con bọ xít lạ, vào ban đêm.
Ban đầu, ông không để ý, nhưng sau đó, ông bị loại côn trùng này đốt, sưng tấy, đau rát. Từ đó, ông bắt các cá thể này để xem xét, phát hiện đó là loại bọ xít hút máu người, nhắc đến nhiều tại châu Mỹ từ những năm 80 của thế kỷ trước.
Cũng khoảng thời gian này, người ta phát hiện hai cá thể bọ xít hút máu trú ẩn dưới khe gỗ của sàn nhà và đẻ nhiều trứng tại ngôi nhà cổ hai tầng ở phố Hàng Buồm (quận Hoàn Kiếm, Hà Nội). Khi thấy trẻ con trong nhà xuất hiện những vết tấy đỏ, gia đình này liền gọi đến Trung tâm Y tế Dự phòng (YTDP) Hà Nội. Sau khi nhận được thông tin từ Trung tâm YTDP Hà Nội, Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng Trung ương (SR-KST-CT TƯ) đã hướng dẫn gia đình cách tiêu diệt loại bọ xít này.
PGS.TS Mạnh cho hay, cách đây gần hai mươi năm, giáo sư Vũ Phong cho biết có một ca bệnh tại viện 103 được cho rằng do ký sinh trùng nội bào Trypanosoma cruzi, nghi do bọ xít hút máu người truyền sang.
Hầu hết, những trường hợp khác khi bị bọ xít này đốt đều có biểu hiện ngoài da như sưng đỏ, tím bầm, nếu cọ, gãi vào thì trầy xước, mưng mủ, và bị bội nhiễm. Một số người bị sốt nhẹ hai đến ba ngày và chưa thấy để lại di chứng gì.
Chưa có nghiên cứu chính thức
Thời gian gần đây loài bọ xít hút máu người xuất hiện nhiều ở Việt Nam, nhất là tại thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, số lượng và mức độ nguy hại của loại côn trùng này chưa đến mức trầm trọng, PGS.TS Nguyễn Văn Châu, Khoa Côn trùng, Viện SR-KST- CT TƯ, nhận định.
Song, vấn đề ở chỗ, nhận định trên được đưa ra trong bối cảnh - như thừa nhận của PGS.TS Châu nói riêng và các đơn vị khác nói chung chưa có bất cứ nghiên cứu sâu về loại bọ xít hút máu người. Có chăng, Viện chỉ nắm bắt được một số đặc điểm về sự phân bố, hình thái và sinh thái trên cơ sở tài liệu nước ngoài, còn về bệnh học và dịch tễ học, hoàn toàn không nghiên cứu.
Để diệt loại bọ xít hút máu người này, ngoài việc giết chúng bằng phương pháp thủ công, có thể dùng các hóa chất dùng trong y tế, như permethrin 50EC, fendona 10SC, icon 10 WP (nhóm có nguồn gốc từ thực vật - pyrethroid), liều 30mg nguyên chất /m2 phun trong và xung quanh nhà giống như phun diệt muỗi.
Cách đây khoảng 5 năm, PGS.TS Châu cũng ghi nhận được một trường hợp bị bọ xít đốt tại nhà ông H, ngõ Văn Chương, đường Nguyễn Lương Bằng, Hà Nội.
Theo lời kể ông H, con bọ xít này trú tại ngăn kéo bàn làm việc, ban đêm, nó lặng lẽ bám theo thành bàn, bò đến dưới khuỷu tay của ông đốt. Đên lúc phát hiện được, ông H gọi điện đến Viện SR-KST- CT TƯ. Ông Châu đã đến gặp ông H tìm hiểu.
Theo PGS-TS Châu, con bọ xít hút máu người này không chứa mầm mống gây bệnh. Nó chỉ là vật trung gian và thường truyền ký sinh trùng nội bào, gây bệnh Chaga’s thường được đề cập đến ở các nước vùng châu Mỹ. Nhưng ở Việt Nam, từ trước đến nay, ông chưa bao giờ nghe thấy cũng như chưa có tài liệu nào nói đến trường hợp bị mắc bệnh nguy cấp do loại bọ xít này gây ra.
Loại bọ xít hút máu người đã quá quen thuộc với các nhà nghiên cứu về côn trùng học. Tuy nhiên, các trường hợp mà Viện SRKST nhận được đều ở mức bình thường, chỉ bị phản ứng ngoài da và không gây các tổn thương nào khác.
Bên cạnh đó, quá trình phát hiện mầm bệnh mang tính đơn lẻ, không tạo thành dịch. Do đó, nếu đặt vấn đề dịch tễ học và bệnh học để nghiên cứu chuyên sâu với loại bọ xít hút máu người này, e rằng chưa đủ điều kiện, PGS.TS Nguyễn Đức Mạnh bày tỏ.
Thế giới từng có dịch
Trong cuốn tài liệu của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) nhan đề Vector Control (1997), cũng có hẳn một chương nói về loại côn trùng này. Tuy nhiên, theo bà Nguyễn Thị Hương Bình, Khoa Sinh học Phân tử, Viện SRKST, chính chương 3 này lại không được chú ý để dịch ra tiếng Việt bởi, lúc bấy giờ, loại bọ xít này không được nói đến nhiều.
Đáng chú ý, loài bọ xít này lại từng gây thảm họa ở không ít nước. Theo TS Trương Xuân Lam, Trưởng phòng Côn trùng Thực nghiệm, Viện Sinh thái&Tài nguyên Sinh vật, bọ xít hút máu người thuộc giống Triatoma và Rhodinus thuộc họ Reduviidae, bộ Hemiptera hay Heteroptera được phát hiện nhiều ở các nước khu vực Nam Mỹ. Năm 1996, ước tính có 16 - 18 triệu người bị nhiễm bệnh; trong số đó, hơn 6 triệu người đã bị bệnh lâm sàng và 45.000 người chết mỗi năm.