Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola: Cục trưởng nói gì?

TP - Sau loạt bài Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola, ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) cho biết trong vài năm nay, chưa có DN nào đủ điều kiện đưa người lao động sang Angola làm việc.

> Không nắm được số lao động đang làm việc tại Angola
> Lao động Việt tại Angola: Quá nhiều rủi ro, bất trắc
> Bơ vơ 4,5 vạn người Việt tại Angola

Ông đánh giá thế nào về thị trường Angola từ thu nhập, việc làm, đời sống sinh hoạt, an ninh?

Lao động Việt Nam làm việc tại Angola nếu có việc làm đầy đủ thì có thu nhập tương đối cao, có thể đến gần 800 USD/tháng. Điều kiện sinh hoạt tại Angola tương đối đắt đỏ, thiếu thốn; nguồn nước thiếu và không bảo đảm chất lượng; nhiều người nước ngoài bị sốt rét, thương hàn. Tình hình an ninh tại Angola cũng không được tốt. Có tình trạng người nước ngoài bị cướp của, thậm chí bị giết người cướp của.

Từ trước đến nay, Bộ đã nghiên cứu và đi khảo sát tìm hiểu thị trường này chưa?

Khi thấy Angola có nhu cầu về lao động, Bộ LĐ-TB&XH đã đặt ra vấn đề đàm phán, ký kết Hiệp định về hợp tác lao động với Angola. Trong kỳ họp Ủy ban hỗn hợp Việt Nam - Angola năm 2010, ta cũng đã nêu vấn đề ký kết hiệp định, nhưng chưa được phía Angola ủng hộ. Bộ LĐ-TB&XH vẫn phối hợp với Bộ Ngoại giao và Đại sứ quán ta tại Angola nghiên cứu khả năng tổ chức đưa lao động sang làm việc tại Angola.

Nhưng quan điểm của Bộ LĐ-TB&XH vẫn không cấp phép, vậy lý do là gì?

Chúng tôi sẽ không chỉ chấp thuận cho doanh nghiệp (DN) thực hiện hợp đồng mà sẽ hết sức hỗ trợ DN đưa lao động đi. Tuy nhiên, việc đưa lao động sang làm việc tại Angola phải đảm bảo người lao động (NLĐ) được làm việc hợp pháp, hưởng đầy đủ các quyền lợi cơ bản như thu nhập ổn định, được hưởng chế độ bảo hiểm y tế, bảo hiểm lao động, đồng thời bảo đảm các điều kiện sinh hoạt.

Các điều kiện như vậy chỉ có thể được đảm bảo nếu ký được hợp đồng với các DN Angola được phép tiếp nhận lao động nước ngoài, thực sự sử dụng lao động đã đưa sang và đóng góp các khoản bảo hiểm cho NLĐ theo quy định của luật pháp Angola.

Trong vài năm gần đây, không có DN nào có hợp đồng như vậy nên vừa qua chưa có hợp đồng được đăng ký và được chấp thuận cho phép thực hiện.

Nhiều lao động Việt Nam sang Angola làm việc trở nên giàu có.

Ông khẳng định là chưa cấp phép, nhưng tại sao NLĐ vẫn sang được Angola làm việc, họ đi bằng cách nào?

Theo thông tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Angola, hiện có khoảng 40.000 công dân Việt Nam sống và làm việc tại Angola. Ngoài một số lượng ít là chuyên gia làm việc tại Angola theo Hiệp định hợp tác chuyên gia giữa hai nước và thân nhân do các chuyên gia đưa sang hoạt động kinh doanh, còn lại phần lớn là NLĐ mới sang trong những năm gần đây và làm việc chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng.

Có một số DN tại Angola xin giấy phép của các cơ quan có thẩm quyền của Angola được nhận lao động nước ngoài và đã liên kết với các cá nhân Việt Nam đưa lao động sang Angola theo các giấy phép đó. NLĐ được cấp visa lao động hợp pháp để sang làm việc tại Angola. Tuy nhiên, những DN đó lại không trực tiếp sử dụng số lao động Việt Nam, nên NLĐ phải làm việc cho các tổ chức, DN khác.

Theo luật pháp Angola, những NLĐ như vậy bị coi là bất hợp pháp, khi bị phát hiện sẽ bị phạt 1.000 USD và bị trục xuất về nước. Ngoài ra, NLĐ không có hợp đồng lao động nên không được bảo đảm việc làm, thu nhập không ổn định. Đặc biệt là NLĐ không được hưởng chế độ bảo hiểm nên sẽ gặp khó khăn rất lớn khi bị ốm đau, tai nạn phải điều trị.

Bộ đã có giải pháp nào để tham mưu cho Chính phủ về vấn đề này?

Bộ LĐ-TB&XH sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan có liên quan để vận động ký kết thỏa thuận hợp tác lao động với Angola, hỗ trợ các DN XKLĐ tìm kiếm đối tác ký kết các hợp đồng XKLĐ sang Angola để đưa lao động đi đảm bảo các điều kiện đối với NLĐ.

Ngoài ra, Bộ sẽ phối hợp với các địa phương tiếp tục cung cấp thông tin để NLĐ biết, xem xét kỹ trước khi đi sang Angola tìm việc.

Chúng tôi cũng sẽ đề nghị các địa phương và các cơ quan bảo vệ pháp luật phát hiện và xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin sai lệch cho NLĐ về các điều kiện tại thị trường Angola rồi đưa NLĐ sang Angola trái pháp luật.

Phong Cầm
Thực hiện

Theo Báo giấy