Trả lời chất vấn về vấn đề y đức, theo Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến, trường hợp bác sĩ nhận phong bì thì đó là tư lợi cá nhân. Nhưng cũng có một số bác sĩ chữa bệnh giỏi được người nhà đến tặng quà vì biết ơn. Nhiều bác sĩ đứng ca mổ 8 giờ, căng thẳng chỉ được tiền bồi dưỡng 25.000 đồng. Nhiều đồng nghiệp hi sinh thầm lặng, bác sĩ tuyến huyện ngoài giờ còn đi làm ruộng khi mất chẳng có tài sản gì đáng giá.
Thứ hai là vì quá tải nên bác sĩ quá mệt mỏi, không có thời gian để khám kỹ.
Thứ ba cơ sở quá chật chội, không đủ chỗ cho bác sĩ ngồi để kê toa.
* Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở Bộ trưởng nên khái quát vấn đề, tập trung vào giải pháp nhưng Bộ trưởng Bộ Y tế cho rằng mình quá bức xúc, ít có dịp phân trần để đồng bào cả nước hiểu nỗi vất vả của ngành y.
Bộ trưởng Y tế cho biết chế độ cho các bác sĩ hiện còn quá thấp. BV Việt Pháp không có vấn đề phong bì nhưng BV Bạch Mai gần đó phải phát động phong trào.
Ngành y tế đã ban hành nhiều văn bản về y đức và cuộc vận động Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, tăng thêm hàng loạt giường bệnh như ở BV Bạch Mai để giảm tải. Bộ trưởng cho rằng khi cơ cấu giá thành dịch vụ đưa vào tiền lương thì phụ cấp cho thầy thuốc sẽ tăng
Bộ trưởng mong rằng người nhà bệnh nhân dứt khoát không đưa phong bì, nếu thấy thì chụp ảnh, ghi lại tên điều dưỡng, bác sĩ để ngành y giải quyết.
Ngành y tế chưa bao giờ dám phát động nói không với phong bì vì chương trình này còn kéo dài, không thể giải quyết dứt điểm được.
ĐB Huỳnh Văn Tính (Tiền Giang): Bộ trưởng nghĩ gì về thị trường dược trong nước khi hàng năm nhập hàng ngàn loại dược phẩm trong khi Thái Lan mỗi năm chỉ năm đến 10 loại. Khi nào được mua thuốc tân dược bằng với các nước trong khu vực?
Một ĐB chất vấn thủ tục khám bệnh nhiêu khê, là nỗi ám ảnh của người nghèo. Bộ trưởng đã chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng như thế nào? Kết quả ra sao?
ĐB Trần Thị Dung (Điện Biên): Một số luật như luật dược, luật bảo hiểm y tế... có hiệu lực từ 2-7 năm nhưng các nội dung văn bản hướng dẫn thiếu cụ thể, triển khai quá chậm khiến các địa phương gặp nhiều khó khăn. Đề nghị cho biết trách nhiệm của bộ khi các văn bản chậm ban hành? Bộ trưởng có hứa khi nào sẽ thực hiện được?
Nhiều cử tri phản ánh bác sĩ thiếu tôn trọng bệnh nhân dùng BHYT. Giải pháp của Bộ trưởng để lấy lại niềm tin của nhân dân với đội ngũ hành nghề y?
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định các đoàn khảo sát của Bộ Y tế, Tài chính, Kế hoạch - Đầu tư... đi khảo sát tại Thái Lan thì giá thuốc ở Thái Lan cao hơn 3,16 lần, Trung Quốc cao gấp 2 lần Việt Nam. Thông tin WHO cho biết giá thuốc VN cao gấp 40 lần thế giới hoàn toàn là hiểu lầm. Bộ trưởng khẳng định giá thuốc VN thấp hơn giá các nước Đông Nam Á, thậm chí không cao hơn quốc tế.
Bộ trưởng đề nghị gặp riêng ĐB Tính vì giải thích vấn đề này rất dài dòng.
* Chủ tịch Quốc hội tiếp tục ngắt lời Bộ trưởng Y tế đề nghị tập trung vào vấn đề chính.
Về vấn đề văn bản chậm ban hành do nhiệm kỳ này, Bộ Y tế mới bắt đầu thành lập Vụ pháp chế, cán bộ thực hiện yếu về nghiệp vụ và mỏng. Anh em làm văn bản than thở vì ra được một văn bản mất từ 2-3 năm nhưng chỉ được có 7-10 triệu, làm rất vất vả.
* Chủ tịch QH đề nghị Bộ trưởng khẳng định các vấn đề y đức, quản lý giá thuốc, chất lượng khám chữa bệnh... thời gian tới có tiến bộ hơn hay không.
Bộ trưởng Y tế: Bộ hứa rằng trong tương lai các chỉ số về HIV, sinh đẻ có kế hoạch từng bước sẽ cải thiện, việc nâng cao chất lượng khám chữa bệnh . Y đức là vấn đề nhạy cảm nhưng sẽ từng bước thay đổi tốt hơn. Bộ trưởng kêu gọi đồng nghiệp vì tự trọng, vì nhân cách hãy thay đổi hành vi, không nhận phong bì để nhân dân có niềm tin về ngành y nhưng đồng thời cử tri kiên quyết không đưa phong bì. Trong tương lai, hi vọng hình ảnh các thầy thuốc sẽ được cải thiện.
Trước đó, sau các phiên đăng đàn của Bộ trưởng Bộ Xây dựng Trịnh Đình Dũng, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Văn Bình, chiều 13-11, các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã chất vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Các vấn đề Bộ trưởng Bộ Y tế cần trả lời chất vấn gồm: trách nhiệm quản lý Nhà nước về khám chữa bệnh qua việc quản lý phòng khám nước ngoài, quá tải tại bệnh viện công, vấn đề y đức; quá trình điều chỉnh viện phí, quản lý giá thuốc và vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm.
* Một đại biểu tỉnh Thái Bình hỏi: Tại sao giá thuốc đã qua đấu thầu lại đắt hơn giá thị trường?
- Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến: Việc chênh lệch giá thuốc giữa các bệnh viện, giữa bệnh viện và thị trường, giữa các địa phương là do giá thuốc hiện bị đẩy lên lòng vòng, các hãng dược bắt tay với thầy thuốc kê đơn biệt dược để hưởng hoa hồng. Các giá đấu thầu của bệnh viện cao hơn giá niêm yết, công khai.
Thông tư 10 từ năm 2007 về quản lý thuốc có kẽ hở như cùng một loại thuốc nhưng sản xuất tại các nước khác nhau nên có giá khác nhau, hướng dẫn về mời thầu không rõ tạo cơ hội cho nhà đầu tư lách luật, không quy định giá của các đơn vị mời thầu thấp hơn giá của các hãng đã kê khai. Ngành y tế vừa quản lý về chuyên môn lại vừa quản lý giá nên không phù hợp.
Bộ Y tế đang làm đề án thí điểm về quản lý giá thuốc tối đa toàn chặng, đồng thời đề nghị Luật Dược sắp tới sửa đổi thì cơ quan quản lý giá thuốc giao cho một đơn vị khác chứ không thể giao cho Bộ Y tế vì như vậy là vừa quản lý chuyên môn lại quản lý giá, chẳng khác nào "vừa đá bóng vừa thổi còi", đồng thời đề nghị thành lập Ủy ban Đấu giá quốc gia để chọn ra giá thấp nhất áp dụng thống nhất trên toàn quốc.
Trả lời về việc tăng giá dịch vụ ở các cơ sở y tế, Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết qua nhiều nhiệm kỳ, 8 lần Bộ Y tế đều có ý định trình tăng giá dịch vụ nhưng vẫn không được. Theo bộ trưởng, tăng giá dịch vụ không ảnh hưởng đến người nghèo mà ngược lại, nhờ BHYT, những nghèo lại có lợi hơn. Bộ Y tế sẽ hỗ trợ 100% BHYT cho người dân mới thoát khỏi cận nghèo. Phần đồng chi trả dù 5% với người nghèo, bộ cũng tham mưu dùng Quỹ Khám chữa bệnh cho người nghèo để hỗ trợ đồng chi trả cho người bị bệnh mãn tính.
* ĐH Huỳnh Tấn Dương (Hải Dương): Cùng một loại thuốc nhưng giá giữa các tỉnh lại chênh lệch quá lớn. Tình trạng thuốc Đông y pha tẩm thuốc độc hại tràn ngập thị trường, các phòng khám lương y Trung Quốc không được quản lý chặt chẽ. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục?
- Bộ trưởng Y tế: Lực lượng y tế hiện nay quá mỏng, có sở y tế chỉ có 5 thanh tra, xử phạt lại chưa mang tính chất răn đe. Bằng cấp của các lương y Trung Quốc, Bộ GD-ĐT Việt Nam và Trung Quốc có ký văn bản công nhận tương đương nhau nên Bộ rất khó để xử lý.
Về thuốc đông y, qua kiểm tra 125 thuốc y học cổ truyền cho thấy 60% không đạt tiêu chuẩn chất lượng về dược biệt. Bộ trưởng thừa nhận mảng này hiện đang “hổng” về quản lý.
Các ĐB QH tiếp tục đặt câu hỏi với Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến. Một số câu hỏi đáng chú ý như sau:
- ĐB Nguyễn Xuân Thủy (Phú Thọ): Nhiều vụ việc xảy ra gần đây khiến người dân chưa yên tâm như một bệnh nhân ở Cần Thơ bị cắt nhầm 2 quả thận hoặc một cháu bé ở Khánh Hòa bị cắt nhầm bàng quang... Đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp lâu dài để giải quyết vấn đề trên? Ngoài ra, hiện nay nhiều cơ sở giáo dục không thuộc chuyên ngành y dược nhưng vẫn đào tạo chuyên ngành này, chất lượng các cơ sở này có đảm bảo không? Đề nghị Bộ trưởng Bộ GD-ĐT cùng chia sẻ về vấn đề này.
- ĐB Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) khẳng định ngành y tế không quản lý được giá thuốc, giá viện phí. Sau khi cấp phép xong, các phòng khám tư nhân muốn làm gì thì làm, lấy 50.000 đồng hay 200.000 đồng cũng không ai quản lý. Nhiều hàng hóa kém chất lượng như thịt gà, trái cây, mì ăn liền chứa chất gây ung thư... đó là trách nhiệm của Bộ Y tế nhưng không thấy Bộ Y tế lên tiếng để người dân yên tâm. Trong khi ngành y tế có cả hệ thống về quản lý vệ sinh an toàn thực phẩm.
Về vấn đề tiêu cực, lãnh đạo một bệnh viện lớn ở Hà Nội cho biết rất bức xúc bởi lẽ bệnh nhân nghèo ăn cơm từ thiện của chùa để dành tiền đưa cho bác sĩ. Ngành y tế khẳng định nói không với phong bì nhưng hết đời bộ trưởng này đến bộ trưởng khác vấn nạn trên không giảm?
* Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết do thời gian không cho phép nên các câu hỏi chất vấn, Bộ trưởng Bộ Y tế sẽ trả lời vào đầu phiên họp sáng 14-11.
Tiếp đó, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân dành 7 phút để nêu vấn đề về bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm và nhân lực ngành y tế.
- Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân: Vấn đề ngộ độc diễn biến chủ yếu ở các khu công nghiệp, bếp ăn công nghiệp, đã chỉ đạo tăng cường kiểm tra các bếp ăn tập thể. Các doanh nghiệp cần chịu trách nhiệm trực tiếp về ATTP nên số ngộ độc vì bếp ăn tập thể 3 năm gần đây giảm.
Về rau sạch, các bộ vận động mỗi xã không trồng rau không an toàn, thực hiện từ năm 2013.
Vấn đề an toàn thực phẩm gắn trực tiếp với từng cây, từng con, chưa trả lời dứt điểm điểm khi nào các cây, con an toàn. Chúng ta đang thí điểm trên loại gà nhập lậu. Đây là mặt hàng nhập lậu nên trốn thuế, gây thâm hụt ngoại tệ và ảnh hưởng đến sản xuất trong nước và sức khỏe nhân dân. Theo Bộ NN-PT-NT, 20% số gà nhập lậu có kháng sinh vượt mức cho phép, một số mang virus cúm. Chính phủ đang xây dựng đề án từ nay đến hết 2013, ngăn chặn được gà nhập lậu. Trong 1 năm làm sao người Hà Nội không còn ăn gà nhập lậu này nữa.
Qua phân tích, chúng ta thấy có thể làm được bằng cách vận động người dân không ăn gà nhập lậu, tự mình lo bảo vệ sức khỏe của mình.
Phó Thủ tướng giải thích thêm việc này là lậu chứ không phải bí mật, chúng ta nếu tổ chức kiểm chốt, ở cấp xã không tiếp tay cho gà nhập lậu thì sẽ quản lý được. Phó Thủ tướng nêu dẫn chứng về việc đi kiểm tra một chợ thì số cán bộ chốt kiểm tra chỉ ở một cửa còn 3 cửa còn lại bỏ trống. Các đại biểu Quốc hội lại cười ồ lên.
Theo NLĐ