Trưa nay 30/10, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường đến thăm nơi thí điểm xử lý nước Hồ Tây ô nhiễm của Công ty Cổ phần cải thiện môi trường Việt Nhật (JVE). Tại đây, ông chất vấn TS. Tadashi Yamamura, Chủ tịch Tổ chức xúc tiến Thương mại - Môi trường Nhật Bản về công nghệ Nano Bioreactor rất được quan tâm thời gian qua.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà đặt vấn đề, bên cạnh việc xử lý bùn và chất hữu cơ, công nghệ này có xử lý được các chủng vi khuẩn gây bệnh như E.coli, Coliform tồn tại nhiều trong nước sông hồ ở Việt Nam hay không.
TS. Tadashi Yamamura cho biết, công nghệ này ngoài phân hủy chất hữu cơ có thể làm giảm triệt để vi khuẩn có hại như E.coli, Coliform, thậm chí giảm về con số 0. Tại dự án thí điểm tại sông Tô Lịch, tỷ lệ khuẩn Coliform giảm tới 61 triệu lần.
Bộ trưởng cũng đặt vấn đề, ngoài chất thải hữu cơ và vi khuẩn, nếu nước sông hồ có chất thải công nghiệp như kim loại nặng thì công nghệ có xử lý được không. Chuyên gia Nhật Bản cho biết, chất vô cơ như kim loại nặng thì đương nhiên không bị phân hủy. Tuy nhiên công nghệ này có thể bổ sung để có thể xử lý kim loại nặng.
Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho rằng, ở Nhật Bản, nước thải được xử lý tại nguồn trước khi đổ ra sông hồ, các dòng sông không ô nhiễm như Việt Nam và không bị bổ sung chất thải hàng ngày. Tại Việt Nam 80-90% nước thải chưa xử lý, đổ thẳng ra sông hồ do đó ông băn khoăn công nghệ này có phù hợp với điều kiện nước ta hay không.
TS. Tadashi Yamamura đề xuất, ở Nhật Bản đặt ra khái niệm dòng sông an toàn và không an toàn. Việt Nam cũng nên đặt vấn đề này. Người dân không quan tâm chỉ số BOD, COD là gì. Họ chỉ quan tâm đến mùi, vi khuẩn gây bệnh đường ruột. Trước mắt nên tập trung xử lý mùi hôi thối và giảm chỉ số gây bệnh để tạo ra dòng sông an toàn cho người dân.
Theo Bộ trưởng Trần Hồng Hà, về mặt công nghệ, ông không nghi ngờ gì bởi công nghệ đã được Nhật Bản thử nghiệm, thẩm định. Tuy nhiên quan trọng nhất là công nghệ phải phù hợp với đặc thù nước sông hồ có nhiều nguồn thải ở Việt Nam và phải phù hợp cả về yếu tố kinh tế.
Bộ trưởng Hà cho rằng, công nghệ này nên áp dụng các hồ trước, những nơi bị ô nhiễm nghiêm trọng để tập trung xử lý mùi, chất hữu cơ và khuẩn gây bệnh. Với các dòng sông, kênh bị ô nhiễm nghiêm trọng, có nguồn thải đổ vào hàng ngày thì vẫn phải tiến hành thu gom nước thải và tiến hành xử lý nước thải tập trung, tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp.
TS. Tadashi Yamamura khuyến cáo, trong tương lai vẫn nên hoàn thiện hệ thống thu gom nước thải. Tuy nhiên để hoàn thành hàng trăm km cống bao thì mất rất nhiều thời gian và tiền của trong khi người dân sống xung quanh sông Tô Lịch vẫn phải chịu mùi hôi thối hàng ngày. “Giải pháp chúng tôi đề ra là dòng sông an toàn nhằm giải tỏa nỗi khổ của người dân sống ở gần sông, khi có điều kiện chúng ta xây dựng hệ thống thu gom”, chuyên gia Nhật nói.
Thời gian qua, phía Công ty JVE đã áp dụng thử nghiệm công nghệ Nano Bioreactor tại hai địa điểm là sông Tô Lịch và hồ Tây. Việc thử nghiệm gây nhiều sự quan tâm của dư luận.