Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nói: Giáo viên là nghề đặc thù, vất vả, nhất là các thầy cô đang công tác tại các vùng khó khăn, vùng núi, biên giới, hải đảo. Trong chuyến công tác vừa qua của tôi tới một số trường tại tỉnh biên giới Lào Cai mới thấy được phần nào vất vả của các thầy cô. Tại các thành phố lớn, giáo viên cũng chịu nhiều áp lực khi sĩ số lớp quá lớn, áp lực từ chính phụ huynh. Đòi hỏi chất lượng giáo dục tốt là một đòi hỏi chính đáng của người dân. Nhưng trong điều kiện nguồn lực nhà nước có hạn, đầu tư cho giáo dục chưa được như mong đợi nên áp lực nâng cao chất lượng đào tạo đang dồn lên vai các cán bộ quản lý và giáo viên tại mỗi nhà trường.
Dường như ngành giáo dục vẫn đang “nợ” giáo viên một lời hứa. Đó là nâng cao chất lượng cuộc sống cho giáo viên. Với cương vị là người đứng đầu ngành giáo dục, ông quan tâm vấn đề này như thế nào?
Đời sống giáo viên đúng là vấn đề vừa rất thực tế, vừa rất nhạy cảm. Chúng tôi biết rằng, chừng nào đời sống giáo viên chưa đảm bảo, chừng đó các thầy cô chưa thể yên tâm gắn bó với nghề. Nhưng như tôi đã nói ở trên, điều kiện kinh tế của nước ta còn hạn chế, còn rất nhiều ưu tiên khác phải chi như đảm bảo an ninh-quốc phòng cho đất nước, nâng cao đời sống người dân ở vùng khó khăn, nhiệm vụ nào cũng quan trọng, mục tiêu nào cũng cần phải chi.
Nâng cao thu nhập cho giáo viên là điều tôi thực sự trăn trở. Và dù chưa thể làm được gì đó ngay cho các thầy cô thì cũng mong các thầy cô tin rằng, chúng tôi luôn ở bên cạnh các
thầy cô.
Ứng dụng CNTT, đào tạo trực tuyến
Ông nói đổi mới giáo dục muốn thành công phải từ đội ngũ nhà giáo. Bộ GD&ĐT có kế hoạch, chính sách gì để nâng cao chất lượng đội ngũ này?
Ngành giáo dục luôn xác định đội ngũ giáo viên chính là mấu chốt tạo nên thành công của quá trình đổi mới. Vì vậy, tạo ra những cơ chế phù hợp, tạo cơ hội để giáo viên được học tập nâng cao trình độ chuyên môn, tạo niềm tin để giáo viên tự hào về nghề, tự trọng với nghề là việc mà ngành giáo dục sẽ phải làm trong thời gian tới.
Trong 9 nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra cho năm học 2016-2017 và những năm tiếp theo, nhiệm vụ về nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp được xác định là nhiệm vụ trọng tâm. Thời gian tới, Bộ sẽ tập trung rà soát, hoàn thiện để ban hành các chuẩn giáo viên, chuẩn/tiêu chuẩn cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Đánh giá thực trạng chất lượng đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục các cấp theo chuẩn/tiêu chuẩn ban hành, từ đó xây dựng chương trình, kế hoạch và tổ chức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục đạt chuẩn. Đồng thời, cũng sẽ xây dựng lộ trình tinh giản biên chế những giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục không có khả năng đạt chuẩn.
Tôi cũng muốn nhấn mạnh tới hình thức đào tạo, bồi dưỡng giáo viên thông qua ứng dụng công nghệ thông tin hay đào tạo trực tuyến.
Bộ sẽ quy hoạch mạng lưới trường sư phạm thời gian tới như thế nào, thưa ông?
Đối với giải pháp cho trường sư phạm, đây là vấn đề chúng tôi cũng nhận trách nhiệm. Rất nhiều việc mà chúng tôi đã làm nhưng trong đó có nhóm việc đáng ra phải đầu tư nhiều hơn cho các trường sư phạm, chúng tôi đã làm chưa tới tầm, ở đây cả về cơ chế, chính sách lẫn hoạt động. Hiện nay, cả nước có 114 đơn vị, cơ sở đào tạo ngành sư phạm, như vậy rất tản mạn, dàn trải, thậm chí có trường đa ngành cũng tham gia đào tạo giáo viên sư phạm.
Theo chúng tôi, đội ngũ giáo viên hết sức quan trọng, không chỉ có giáo viên ĐH mà còn giáo viên từ bậc mầm non trở lên. Chúng tôi đã làm và tới đây sẽ quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH sư phạm theo hướng tập trung từ 4-5 trường trung ương thật tốt, còn các trường khác có thể chuyển đổi linh hoạt thành các trung tâm, các cơ sở trực thuộc để phối hợp bồi dưỡng, đào tạo lại giáo viên phổ thông.
Cảm ơn ông.
Hiện nay, cả nước có khoảng 1,3 triệu nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục các cấp. Các thầy cô đều là người tận tâm, tận tụy với nghề, Bộ trưởng GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ nói. Ngành giáo dục đang thực hiện đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo theo Nghị quyết 29 của Trung ương. Đổi mới sẽ đặt các nhà giáo trước những thách thức và cơ hội mới. Đổi mới giáo dục có thành công hay không phải trông chờ vào đội ngũ giáo viên, đội ngũ cán bộ quản lý, ông nói.