Thông tin trên được đưa ra tại cuộc họp giữa Bộ trưởng với Bộ phận thường trực hỗ trợ TPHCM chống dịch. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn báo cáo, những ngày gần đây, TPHCM liên tục ghi nhận số mắc tăng cao từ 700 - 1.000 trường hợp mắc mới/ngày, ghi nhận các trường hợp mắc trong cộng đồng tại chợ đầu mối, khu công nghiệp và đã lây lan sang các địa phương lân cận. Trong những ngày tới, số trường hợp mắc mới sẽ tiếp tục gia tăng, đòi hỏi TPHCM phải thực hiện quyết liệt, mạnh mẽ các biện pháp phòng chống dịch.
PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương, Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế (Bộ Y tế) nhấn mạnh, với khu vực nguy cơ rất cao (phong tỏa), F1 được cách ly tại nhà, không thực hiện cách ly tập trung. Nhà cách ly F1 phải có biển báo bên ngoài, có hàng rào mềm ngăn cách, đảm bảo theo dõi, giám sát chặt chẽ, toàn bộ thành viên trong nhà/gia đình không được phép đi ra ngoài.
Tại khu vực nguy cơ cao, cần áp dụng cách ly các trường hợp F1 tại nhà theo hướng dẫn. Riêng đối với yêu cầu cơ sở vật chất, trang thiết bị thì không áp dụng yêu cầu phải có phòng riêng để nhân viên y tế thực hiện khám, lấy mẫu, theo dõi sức khỏe. Có thể xem xét cho phép cách ly F1 tại căn hộ chung cư, tập thể nếu có phòng cách ly riêng, khép kín.
Bộ trưởng yêu cầu bộ phận thường trực đặc biệt của Bộ Y tế phải kiểm tra giám sát lại các phòng xét nghiệm để bổ sung, điều phối máy tới nơi có nhân lực đảm bảo điều kiện xét nghiệm. Với khu vực vùng có nguy cơ rất cao, cần lấy mẫu toàn bộ người dân 3 ngày/lần tại hộ gia đình.
Với khu vực nguy cơ cao tần suất lấy mẫu là 7 ngày/lần, có thể tăng tần suất nếu điều kiện cho phép. Với khu vực còn lại, tiến hành lấy mẫu đại diện hộ gia đình, trong đó chọn người hay đi ra ngoài, có mức độ giao lưu tiếp xúc nhiều để lấy mẫu. Trong đó, cần giao phòng xét nghiệm COVID-19 cho các quận, huyện để tiếp nhận mẫu và gửi trả kết quả nhanh, giảm từ 24 giờ xuống 12 giờ.
“Khu vực nguy cơ rất cao và cao, cần lấy mẫu tại hộ gia đình, không tổ chức thành các điểm lấy mẫu”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Tư lệnh ngành Y tế lưu ý “không thể kéo người dân ra ngoài, tụ tập để lấy mẫu. Nếu không sẽ không còn ý nghĩa nào trong chống dịch”. Đối với các khu vực khác, GS Nguyễn Thanh Long khuyến cáo không nên gộp mẫu quá nhiều người trong hộ gia đình để tăng tốc độ trả kết quả và truy lại kết quả nhanh hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết TPHCM sẽ phải tổ chức tiêm vắc-xin theo dạng chiến dịch nhưng có điểm khác so với trước đây. Theo đó là đối với khu vực nguy cơ rất cao và cao, nên tổ chức thành nhiều điểm tiêm lưu động tại đầu hẻm hoặc nơi cần thiết, chia thành nhiều khung giờ để đảm bảo giãn cách. Bộ Y tế sẽ điều khoảng 30 xe tiêm lưu động và hôm nay (10/7) sẽ bàn giao thí điểm một số xe cho TPHCM. “Điểm tiêm lưu động càng nhỏ, bám vào các hẻm nhỏ càng tốt”, Bộ trưởng lưu ý.
Xét nghiệm cho hơn 6.000 người về từ TPHCM
Chiều 9/7, Sở Y tế Hà Nội đã có văn bản khẩn gửi các cơ sở y tế dự phòng trên địa bàn, giám sát, quản lý chặt người từ TPHCM và các tỉnh, thành phố có dịch, yêu cầu khai báo y tế bắt buộc.
Với các trường hợp tiếp xúc gần với F0 phải cách ly y tế tập trung bắt buộc, xét nghiệm theo quy định đối với F1. Sở Y tế Hà Nội khuyến cáo người dân hạn chế di chuyển đến các vùng dịch và TPHCM. Với những người đã đến TPHCM từ ngày 23/6 đến 7/7, cơ quan y tế địa phương lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc virus SARS-CoV-2. Theo Sở Y tế Hà Nội, thống kê trên phần mềm khai báo y tế, từ ngày 23/6 đến 7/7, Hà Nội có 6.002 người về từ TPHCM.Cảnh báo tình trạng lợi dụng dịch bệnh để lừa đảo
Ngày 9/7, Công an TPHCM đã phát đi cảnh báo về việc các đối tượng xấu lợi dụng tình hình dịch bệnh để thực hiện hành vi cướp, trộm cắp, lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người dân.
Cụ thể, các thủ đoạn của những đối tượng lừa đảo là giả dạng nhân viên y tế, mặc trang phục kín đến tận nhà, mời gọi người dân phun thuốc phòng dịch, phát “thuốc diệt khuẩn” để lừa đảo thu tiền của người dân.
Theo Công an TPHCM, những đối tượng này còn giả mạo nhân viên y tế, đại diện thương mại cho các nhà sản xuất vắc-xin COVID-19 thông báo sở hữu, cung cấp dịch vụ hoặc được quyền tiếp cận vắc xin COVID-19 và đề nghị người dân đưa tiền đặt cọc để tiêm chủng nhưng sau đó chiếm đoạt hoặc cung cấp vắc-xin COVID-19 giả. Đối tượng còn giả mạo nhân viên y tế lợi dụng sơ hở của người dân để trộm cắp tài sản hoặc gây mê cướp tài sản.
Ngoài ra, một số đối tượng đăng thông tin giả mạo trên mạng xã hội về hoàn cảnh khó khăn của bệnh nhân COVID-19 để vận động quyên góp, chiếm đoạt tài sản; gọi điện thoại thông báo cho người dân nằm trong danh sách bị cách ly và yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân, truy cập vào đường link website có chứa mã độc nhằm đánh cắp thông tin cá nhân…
Do đó, Công an TPHCM đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác, khi gặp các trường hợp trên cần báo ngay cho Công an để được hỗ trợ.
(Ngô Bình)
Điểm nóng TPHCM lập vành đai chống dịch
Đó là yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại cuộc họp với các địa phương lân cận TPHCM (Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tây Ninh) để triển khai công tác phòng, chống dịch, chiều 9/7.
Lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho biết, trong những ngày tới, Đồng Nai sẽ tiếp tục kiểm soát chặt người về từ TPHCM, Bình Dương, dự báo số ca mắc COVID-19 mới có thể tăng thêm, tỉnh đã chuẩn bị đầy đủ chỗ cách ly F1, chuẩn bị cơ sở điều trị các F0 (đã chuẩn bị được khoảng 1.600 giường),…
Tại Tây Ninh đang triển khai các giải pháp để nâng cao năng lực lấy mẫu, xét nghiệm,… để ứng phó với các tình huống dịch bệnh nhưng gặp khó khăn trong việc mua vật tư, sinh phẩm do không tìm được nguồn cung ứng kịp thời. Tỉnh đề nghị trung ương hỗ trợ hoặc giới thiệu nguồn cung ứng mua máy, sinh phẩm xét nghiệm nhanh. Xác định nguy cơ bùng phát dịch trên địa bàn rất cao, Bình Dương kiến nghị hỗ trợ trang thiết bị, nhân lực, gỡ vướng về cơ chế mua sắm máy xét nghiệm, sinh phẩm xét nghiệm phục vụ công tác phòng chống dịch.
Theo lãnh đạo tỉnh Long An, lượng người hằng ngày đi qua địa bàn tỉnh rất lớn, Long An có tới hơn 36.000 người làm việc tại TPHCM. Số công nhân từ TPHCM làm việc tại tỉnh cũng trên 20.000 người. Long An kiến nghị trung ương hỗ trợ y bác sĩ điều trị bệnh nhân COVID-19 trong trường hợp dịch bệnh nghiêm trọng hơn. Tỉnh cũng đề nghị hỗ trợ, gỡ vướng trong việc mua sinh phẩm xét nghiệm nhanh…
Phó Thủ tướng cho rằng về cơ bản đã hình thành một vành đai chống dịch xung quanh TPHCM. Các tỉnh tiếp tục tăng cường kiểm soát người ra, vào TPHCM, bảo đảm lưu thông vận chuyển hàng hóa thuận lợi, không bị ách tắc. Các địa phương phải chuẩn bị sẵn sàng cơ sở điều trị theo mô hình 3 cấp, thiết lập các bệnh viện dã chiến trên cơ sở vật chất, hạ tầng sẵn có dành cho các F0 không có triệu chứng, có cơ chế theo dõi những F0 có triệu chứng nặng lên thì chuyển ngay lên cơ sở điều trị có năng lực tốt hơn. Trong tình huống có quá nhiều F1, sẵn sàng phương án phân loại gia đình theo đối tượng, nơi ở phù hợp để tổ chức cách ly F1 tại nhà dưới sự giám sát của cơ quan y tế địa phương và tổ COVID cộng đồng, tránh cách ly quá nhiều F1 vào khu cách ly tập trung không bảo đảm điều kiện, để xảy ra lây nhiễm chéo.
Thực hiện nghiêm giãn cách xã hội để kiểm soát dịch
Cũng trong chiều 9/7, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã họp trực tuyến với các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, triển khai công tác phòng, chống dịch bệnh. Báo cáo tại cuộc họp, Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên Trần Hữu Thế cho biết, do số ca F1 đang tăng nhanh, tỉnh dự kiến triển khai thí điểm thực hiện cách ly F1 tại gia đình, nơi cư trú. Vấn đề của Phú Yên hiện nay là năng lực điều trị yếu. Phú Yên đề nghị trung ương hỗ trợ các y bác sĩ, nhất là bác sĩ hồi sức tích cực, xét nghiệm kháng nguyên nhanh và vắc-xin.
Tỉnh Khánh Hòa đã chuẩn bị 4.300 chỗ cách ly, đã tiếp nhận hơn 1.000 F1, thiết lập 3 bệnh viện chuyên điều trị bệnh nhân COVID-19 với 300 giường, dự kiến sẽ nâng lên khoảng 900 giường. Dự báo tình hình dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, Khánh Hòa sẽ tiếp tục xét nghiệm tầm soát cộng đồng, dự kiến tổ chức cách ly F1 tại nhà. Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá năng lực truy vết, xét nghiệm của Phú Yên, Khánh Hòa còn rất hạn chế, mặc dù đã được tăng cường một mức.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý: “Hiện có 2 cách tiếp cận khác nhau (khoanh rộng, khoanh hẹp), nhưng dù rộng, hay hẹp đều phải chặt, đã khoanh là phải chặt, thật nghiêm, ai ở chỗ nào, ở yên chỗ đó, nếu không là không kiểm soát được. Chỗ nào đã an toàn thì sớm dỡ ra, chỗ nào nghi ngờ thì nâng lên một mức”. Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ Y tế cử ngay 1 kíp vào hỗ trợ tỉnh Phú Yên. Đồng thời có phương án phân loại các cơ sở điều trị phù hợp để điều trị các bệnh nhân không có triệu chứng, bệnh nhân có triệu chứng và bệnh nhân nặng. Chủ động nâng cao năng lực truy vết, xét nghiệm.
Kỷ lục, ghi nhận 1.625 ca mắc trong ngày
Bộ Y tế cho biết, trong ngày 9/7, Việt Nam ghi nhận 1.625 ca mắc mới với 9 ca cách ly ngay sau khi nhập cảnh; 1.616 ca ghi nhận trong nước, trong đó riêng tại TPHCM là 1229 ca. Cũng trong số các ca được ghi nhận trong nước, có 1.359 ca được phát hiện trong khu cách ly hoặc khu đã được phong tỏa. Cùng ngày Bộ Y tế công bố 5 ca mắc COVID-19 tử vong.