Tại buổi họp báo chiều 20/8, PV báo chí đặt câu hỏi với Bộ Nội vụ: Bộ Công an vừa thực hiện sắp xếp lại bộ máy theo hướng bỏ cấp tổng cục. Việc này được dư luận đồng tình ủng hộ.
Tuy nhiên dư luận cũng không khỏi băn khoăn khi bỏ tổng cục nhưng nhiều cục với bộ máy khá lớn, như Cục Truyền thông của bộ vừa mới thành lập có 13 cục phó. Như vậy liệu có đảm bảo về số lượng cấp phó theo quy định cũng như nguyên tắc tinh gọn bộ máy khi sắp xếp?
Trả lời câu hỏi trên, Thứ trưởng Nội vụ Nguyễn Trọng Thừa cho rằng, vấn đề sáp nhập thường rất khó, bên cạnh cái được rất lớn, khi sắp xếp có thời kỳ quá độ, đặc biệt là chính sách về cán bộ. Như nước ngoài, có sự ganh đua mỗi năm có bao nhiêu người ra khỏi bộ máy.
Nhưng công tác cán bộ của chúng ta là một quá trình phấn đấu, học tập, quy hoạch, đào tạo bồi dưỡng lâu dài, có cả tập thể xây dựng nên chứ không phải hiển nhiên như nước ngoài. Vì vậy khi sắp xếp, Đảng và nhà nước luôn quan tâm và có độ trễ một chút.
Về việc này, Vụ phó Vụ Tổ chức Biên chế (Bộ Nội vụ) Đào Thị Hồng Minh cho biết, thực hiện Nghị quyết 18, T.Ư 6 và kế hoạch số 07 của Bộ Chính trị, Bộ Công an là một trong những bộ đi đầu trong việc xây dựng sắp xếp lại tổ chức bộ máy hiệu lực, hiệu quả.
Bộ Công an đã trình và Bộ Chính trị cho chủ trương, đồng ý bỏ tổng cục thuộc Bộ Công an, sau đó Chính phủ đã ban hành Nghị định.
Bên cạnh việc bỏ 6 tổng cục cũng thành lập thêm một số cục. Theo bà Minh, đương nhiên khi sắp xếp lại vậy thì số lượng cấp phó cao hơn so quy định. Bộ Chính trị đã cho ý kiến chỉ đạo, số lượng cấp phó các cục của Bộ Công an có thể cao hơn so với quy định, nhưng đến năm 2021, phải đảm bảo thực hiện theo đúng quy định. Bộ Công an cũng thống nhất với chủ trương này.