Bỏ thời hiệu khởi kiện: Bảo vệ tối đa quyền công dân

TP - Đó là một trong những nội dung quan trọng trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Dân sự, được đông đảo dư luận ủng hộ, quan tâm. Theo đó, các quyền dân sự của công dân được bảo vệ triệt để, cũng như các mâu thuẫn trong tranh chấp dân sự sẽ có điều kiện được giải quyết tận gốc khi hủy chế định thời hiệu khởi kiện.
Bỏ chế định thời hiệu khởi kiện được coi là một bước cách mạng trong công tác lập pháp. Ảnh: BT

Mất trắng gia tài chỉ vì … thời hiệu!

Năm 1999, chị Nguyễn Thị G. (SN 1967, ở Hàng Gà, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) bán căn nhà cho một khách hàng với giá 38 tỷ đồng. Sau đó, hai bên thống nhất chuyển sang hợp đồng vay nợ. Đến năm 2005, sau khi thống nhất, chốt cả nợ lẫn lãi, bên khách hàng phải trả cho chị G. gần 50 tỷ đồng.

Tuy nhiên, ngay lúc đó, hai bên phát sinh tranh chấp về một số nội dung trong hợp đồng, và có yêu cầu cơ quan chức năng giải quyết. Cùng thời điểm đó, chị G. phải đi nước ngoài chữa bệnh nhiều năm và khi quay lại Việt Nam, thời hiệu khởi kiện đã hết. Điều này cũng có nghĩa, cả gia tài gần 50 tỷ đồng mất trắng.

“Khi được biết dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này, các nhà làm luật đã quyết tâm xóa bỏ thời hiệu, chúng tôi rất hoan nghênh, và coi đó là một cuộc cách mạng về công tác lập pháp”.

Luật sư Hằng Nga

Trong một tình huống khác, ông Nguyễn Bảo V. (nhà ở phố Huế, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) được hưởng phần thừa kế căn nhà do cha mẹ để lại. Theo giá thị trường, căn nhà có giá hàng trăm tỷ đồng. Nhưng, do ông V. (nhiều năm sinh sống ở Đức) thiếu thông tin hiểu biết pháp luật Việt Nam, quá 10 năm sau khi thời điểm mở thừa kế (cha mẹ ông V chết) mới trở về yêu cầu chia di sản thừa kế. Đương nhiên, ông này đã thất bại, mất trắng số tiền lớn trên chỉ vì quá thời hiệu.

Có rất nhiều các trường hợp như chị G., hay ông V. trên thực tế. Qua đó, thấy rõ một tồn tại bất cập khi duy trì chế định thời hiệu.

Chế định thấu tình, đạt lý

Bàn về câu chuyện quy định thời hiệu, luật sư Hằng Nga phân tích: “Với chế định thời hiệu khởi kiện hiện hành, những nhà làm luật chuyên nghiệp như chúng tôi đánh giá là vô cùng phi lý. Chỉ vì một lý do nào đó, một công dân có thể mất trắng gia tài, bị tước quyền năng vốn thuộc về họ. Chính vì thế, khi được biết dự thảo Bộ luật Dân sự sửa đổi lần này, các nhà làm luật đã quyết tâm xóa bỏ thời hiệu, chúng tôi rất hoan nghênh, và coi đó là một cuộc cách mạng về công tác lập pháp”.

Theo luật sư Nga, khi xây dựng các chế định pháp luật, ngoài tính định hướng, dự báo, có một nguyên tắc hết sức quan trọng, đó là tính phản ảnh thực tiễn. “Bỏ vấn đề thời hiệu, nghĩa là nhà làm luật đã hiểu được hoàn cảnh của nhiều công dân bị mất trắng tài sản chỉ sau một đêm” - bà Nga nhấn mạnh.

Ở góc nhìn khác, luật sư Hà Đăng (Đoàn luật sư Hà Nội) cảnh báo: “Nếu chúng ta duy trì thời hiệu, nghĩa là, một nguy cơ tiềm ẩn gây mất trật tự xã hội rất cao, bởi khi không thể bám víu vào các cơ quan công quyền, họ sẽ tìm đến những thứ sức mạnh khác, như các đối tượng giang hồ chuyên đòi nợ thuê… Điều này là rất nguy hiểm”.

Cũng là câu chuyện thời hiệu, nhưng ở góc độ cơ quan tòa án, nhiều thẩm phán cũng tỏ ra “ái ngại” bởi chế định tuyên bố một công dân mất tích, hoặc chết. Một thẩm phán giàu kinh nghiệm tại TAND TP Hà Nội chia sẻ, theo luật định, một công dân có thể bị tòa án tuyên bố mất tích hoặc chết nếu thỏa mãn các quy định tại Điều 78. 81 Bộ luật Dân sự. Đơn cử tình huống tuyên bố mất tích, nếu sau 2 năm, công dân này bặt vô âm tín, mặc dù đã sử dụng các biện pháp tìm kiếm, nhưng không mang lại kết quả, tòa án có thể tuyên bố người này mất tích. Tuy vậy, theo thẩm phán nói trên, đây là một giải pháp tố tụng rất dễ bị “sượng”. Bởi thực tế, kể cả tình huống một người bị tuyên bố đã chết, nhưng có thể họ chỉ bị gián đoạn liên lạc với người thân, hoặc một lý do nào đó vắng mặt tại địa phương, sau đó lại quay về, sẽ dẫn đến một câu chuyện rất phức tạp.

“Không chỉ câu chuyện khó khăn trong câu chuyện tố tụng, còn các lĩnh vực sát sườn của họ, như tình cảm, hôn nhân, hay đạo đức, rồi dư luận… cũng sẽ khó giải quyết vô cùng” - vị thẩm phán nói.

Khẳng định những ưu việt về dự thảo mới, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường cho rằng, việc quy định thời hiệu đúng là thuận lợi cho Tòa án, nhưng vô hình trung đã hạn chế quyền của người dân được pháp luật bảo vệ. Khi các tranh chấp không được Nhà nước đứng ra giải quyết, vì thế, có những trường hợp người dân phải “tự xử” với nhau, vừa thiếu văn minh, vừa dẫn đến mất trật tự, an toàn xã hội. “Nếu được Quốc hội chấp thuận, thì sau này, bất cứ lúc nào người dân khởi kiện, Tòa án đều phải thụ lý, giải quyết” - Bộ trưởng Hà Hùng Cường nhấn mạnh.