Chị Phùng Anh nhà ở tận Tam Hiệp, Thanh Trì, nhưng năm tới, chị quyết định cho cậu con trai vào học Nguyễn Siêu, Cầu Giấy. “Việc chọn trường cho con thực sự là một cuộc chiến gian nan của gia đình tôi.
Ngay từ lớp 1, hai vợ chồng đã định hướng sau này sẽ cho con học tại trường THCS chất lượng cao nên đầu tư cho con từ rất sớm. Thế nên, ngoài học ở trường, hai vợ chồng thay phiên nhau đưa đón con đi học tiếng Anh để tham gia các kỳ thi tiếng Anh và giải toán bằng tiếng Anh qua mạng” - chị Anh cho hay. Được đầu tư có bài bản, nên giờ, con trai chị đã có “vốn liếng” kha khá các giải thưởng, chứng chỉ để an tâm vào lớp 6 trường điểm.
Với nhiều phụ huynh khác, không có thời gian, tiền bạc để đầu tư cho con tham gia thi các giải thưởng, họ tìm các mối quan hệ để “đặt vấn đề”.
Theo anh Trần Thế Cương, nhà ở Nam Từ Liêm, Hà Nội cho biết nguyện vọng cho con vào học lớp 6 tại trường THCS Nghĩa Tân, Cầu Giấy. Nhưng do trái tuyến, đi hỏi các “cửa” thì được tư vấn xem có nhà ai quen đúng tuyến ở trường, nhờ xin giấy tạm trú tạm vắng cho con.
“Vận dụng tất cả các mối quan hệ, tôi đã nhờ xin giấy tạm trú tạm vắng. Nhưng vừa qua, chỗ quen biết trả lời không làm được. Thế nên, chúng tôi chắc sẽ phải tính phương án khác” - anh Cương chia sẻ.
PGS Văn Như Cương, chủ tịch Hội đồng quản trị, trường THCS&THPT Lương Thế Vinh cho biết, cho đến thời điểm hiện tại, trường hệ THCS của trường đã nhận được 3.000 - 4.000 hồ sơ, trong khi đó, chỉ tiêu vào trường là 600. Số lượng hồ sơ cao gấp nhiều lần, phần lớn là học sinh giỏi và có giải thưởng.
Theo PGS.Văn Như Cương, do thực trạng đó nên trường buộc phải đưa ra tiêu chí phụ là các giải thưởng văn hóa, thể thao để lọc hồ sơ. Nhưng cứ 10 thí sinh đăng ký vào trường thì 3 em có giải thi học sinh giỏi cấp trường, cấp quận, thi Toán, tiếng Anh qua mạng, thi thể dục thể thao…
PGS Cương cho biết thêm, năm đầu tiên bỏ thi, trong số 4.000 hồ sơ nhận được, có đến 1.000 hồ sơ toàn điểm 10 hai môn Toán, tiếng Việt từ lớp 1 đến lớp 5.
Bà Lê Kim Anh, hiệu trưởng trường THCS Cầu Giấy, Hà Nội cho biết: Năm nay trường chưa đến thời điểm tuyển sinh. Nhưng qua số liệu hàng năm thì số hồ sơ nộp vào trường thường gấp hai hoặc gấp ba so với chỉ tiêu đề ra.
“Trong số hồ sơ nộp về trường, lượng học sinh có giải thưởng khá lớn. Vì đó là để phân biệt sự giống nhau của học bạ” - bà Kim Anh cho hay. Bà Kim Anh khẳng định những học sinh được giải văn hóa, âm nhạc, thể dục thể thao theo quy định của Sở GD&ĐT đều được cộng điểm. Ngoài cách lựa chọn dựa trên tiêu chí phụ nói trên thì không còn cách nào khác.
Còn tại trường THCS Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy, Hà Nội thì lớp 6, trường tuyển 240 chỉ tiêu. Ngoài đối tượng tuyển thẳng áp dụng cho những học sinh có thành tích đặc biệt trong năm học lớp 5 như đạt giải trong kỳ thi học sinh giỏi các môn văn hóa cấp tỉnh, thành phố trở lên, các cuộc thi giải Toán qua mạng, tiếng Anh qua mạng, cuộc thi Robothon toàn quốc, quốc tế,... thì với những học sinh xét tuyển trường có cộng điểm khuyến khích đối với các giải thi đấu thể dục thể thao cấp thành phố. Trong đó, huy chương vàng được cộng 10 điểm, số điểm cộng giảm dần theo màu huy chương.
Năm học tới, Trường THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam tuyển khoảng 200 chỉ tiêu vào lớp 6. Đối tượng xét tuyển là học sinh có hộ khẩu thường trú tại Hà Nội, đạt học lực giỏi từ lớp 1 đến lớp 3, được đánh giá hoàn thành học lớp 4 và lớp 5. Từ lớp 1 đến lớp 5 tổng điểm bài kiểm tra định kỳ cuối năm 2 môn tiếng Việt và Toán phải đạt từ 19 điểm trở lên.
Điểm xét là tổng điểm của điểm học tập từ lớp 1 đến lớp 5, điểm ưu tiên và điểm khuyến khích. Trường quy đổi điểm ưu tiên và khuyến khích cho học sinh tham gia các giải theo quy định của Sở.
Còn tại Trường Marie Curie, năm học tới sẽ xét tuyển 50% học sinh đã học tiểu học trong hệ thống giáo dục của trường. Số còn lại xét tuyển dựa vào kết quả học tập của học sinh ở cấp tiểu học, học sinh có chứng chỉ tiếng Anh...