Bộ GD&ĐT lên tiếng về đề án “mỗi học sinh 1 máy tính bảng“

Chiều 21/8, ông Phạm Ngọc Định, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học, Bộ GD&ĐT trao đổi về đề án “máy tính bảng 4.000 tỉ đồng” đang gây bão trong dư luận mấy ngày nay.
Ông Phạm Ngọc Định

Ông Định nêu quan điểm:

- TP.HCM dẫn đầu cả nước về tăng trưởng kinh tế và thu hút đầu tư. Vì vậy, người dân có thu nhập khá hơn nhiều địa phương khác, dân trí được nâng cao. Đặc biệt, giáo dục TP.HCM được sự quan tâm, đầu tư, chăm sóc của các cấp đảng uỷ, chính quyền. Phụ huynh cũng quan tâm việc học của con cái. Đại đa số học sinh TP.HCM thuận lợi trong học tập hơn so với các địa phương khác.

Vì vậy, việc đổi mới giáo dục ở TP.HCM có thể có những nghiên cứu, thực nghiệm đi trước các tỉnh thành khác, để đẩy nhanh quá trình đổi mới giáo dục.

Tuy nhiên, sự thực nghiệm phải có sự đồng tình của phụ huynh và được các cấp có thẩm quyền cho phép.

Ví dụ, tuỳ nội dung thực nghiệm mà các cấp độ phải xin phép khác nhau, từ cấp phòng, cấp Sở tới cấp Bộ.

Quan trọng nhất là phải được sự đồng tình của phụ huynh.

Vấn đề tiếp theo là nội dung đề án này liên quan đến SGK, phạm vi đối tượng thử nghiệm, vì vậy nhất thiết phải xin ý kiến của Bộ GD-ĐT. Máy tính bảng liên quan tới kinh phí, phải xin phép thành phố.

Hiện nay, tôi biết Sở GD-ĐT TP.HCM đã xây dựng đề án, tổ chức hội thảo xin ý kiến của các nhà khoa học, các nhà quản lý giáo dục, phụ huynh học sinh. Nếu thấy nội dung đề án có tác dụng thúc đẩy sự phát triển của giáo dục và có tính khả thi, Sở phải xin phép thành phố và Bộ GD-ĐT để thực hiện. Nếu không hiệu qủa chắc chắn phải dừng lại.

Vậy Bộ GD-ĐT đã nhận được ý kiến xin phép của Sở GD-ĐT TP.HCM chưa, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT chưa nhận được. Có lẽ vì đây là đề án mà Sở mới đưa ra để thảo luận, chưa tới bước xin phép. Tuy nhiên, sau thông tin báo chí đăng tải, lãnh đạo Bộ GD-ĐT đã yêu cầu Sở báo cáo lại về sự việc.

Quan điểm của ông với vai trò nhà quản lý, và với tư cách cá nhân, về đề án này như thế nào?

- Tôi chưa thể nói được vì chưa được đọc cụ thể đề án. Sau khi có thông tin đầy đủ và tham khảo ý kiến của các nhà khoa học, tôi mới có thể có ý kiến chính thức.

Vậy thì, với tư cách là nhà nghiên cứu khoa học giáo dục, ông nhận định như thế nào về ảnh hưởng của thiết bị công nghệ đối với trẻ nhỏ nếu thực hiện đề án?

- Phải có đủ mọi thông tin về đề án mới đánh giá chính xác được.

Ngoài TP.HCM, còn có địa phương nào dự kiến áp dụng phương án dạy học này chưa, thưa ông?

- Cho đến thời điểm này chưa có địa phương nào khác. Mà nếu có nơi nào dự định, sau vụ việc này chắc sẽ phải cân nhắc lại.

Bộ GD-ĐT đã từng có đoàn công tác nào đi khảo sát ở nước ngoài về phương pháp dạy học này chưa, thưa ông?

- Bộ GD-ĐT chưa tổ chức khảo sát về vấn đề này.

Nếu dư luận không có phản ứng gay gắt về đề án như trong mấy ngày qua, theo ông, sự việc sẽ như thế nào? Và trong năm nay, đề án này có thực hiện được không?

- Một đề án muốn thực hiện phải xin phép qua nhiều cấp như đã nói, và không phải là chuyện đơn giản. Quan trọng nhất là phải được phụ huynh đồng tình.

Trong vài ngày tới sẽ có báo cáo của Sở TP.HCM. Nếu khả thi thì Sở phải tiếp tục xin phép tiếp, không thì dừng lại.

Xin cảm ơn ông.

Theo Theo Vietnamnet