Bộ Công thương: Taxi Uber nhiều rủi ro tiềm ẩn

TP - Trong báo cáo vừa được gửi tới Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Bộ Công Thương nêu quan điểm cần siết quản lý hoạt động của Uber tại Việt Nam do có nhiều nguy cơ tiềm ẩn.

Theo Bộ Công Thương, Uber là một dịch vụ trung gian, không sở hữu xe ô tô, không có lái xe và làm nhiệm vụ gắn kết người cần đi xe với người sở hữu xe. Khác với GrabTaxi và EasyTaxi, xe tham gia vào mạng lưới Uber không phải là của hãng taxi mà là xe cá nhân. Vì vậy, đây còn được gọi là dịch vụ “taxi không biển hiệu”.

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, trường hợp Cty Uber không phải là đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, không trực tiếp có hợp đồng với các lái xe và vận hành mạng lưới xe, chỉ cung cấp giải pháp công nghệ nên Uber phải tuân thủ các quy định về hoạt động kinh doanh, thương mại và thương mại điện tử của Chính phủ. Công ty cũng phải tuân thủ các quy định trong Nghị định của Chính phủ về kinh doanh vận tải hành khách bằng ô tô. Ngay cả khi xếp Uber vào loại hình đơn vị kinh doanh vận tải hay cung cấp dịch vụ hỗ trợ thì Uber vẫn là một mô hình tổ chức hoạt động kinh doanh mới dựa trên nền tảng ứng dụng công nghệ cao, tiềm ẩn nhiều yếu tố mới chưa được quy định và kiểm soát đầy đủ bởi pháp luật hiện hành. Bộ GTVT cần có các quy định mới về điều kiện kinh doanh vận tải và cách thức quản lý phù hợp.

“Bộ Tài chính và Bộ GTVT cần phối hợp nghiên cứu để có phương án quản lý cách tính cước phí của Uber do hóa đơn do Uber phát hành thay cho chủ xe. Mô hình phân chia thu nhập giữa Uber và các đơn vị kinh doanh vận tải đối tác cũng đặt ra nhiều thách thức về quản lý thuế đòi hỏi có biện pháp quản lý phù hợp để duy trì sự bình đẳng với các đơn vị kinh doanh vận tải khác”, Bộ Công Thương đề xuất.

Một vấn đề lớn khác cũng được Bộ Công Thương chỉ rõ là việc Uber áp dụng phương thức thanh toán qua thẻ mà không cần chữ ký xác nhận của chủ thẻ khi ghi nhận giao dịch thanh toán sẽ tiềm ẩn rủi ro rất lớn cho người tiêu dùng. Để phòng ngừa, Ngân hàng Nhà nước cần có quy định về những giao dịch thanh toán thẻ không cần xác nhận như trên; đồng thời có biện pháp quản lý theo dõi luồng tiền trong trường hợp đơn vị cung cấp dịch vụ không hiện diện tại Việt Nam nhưng vẫn thu tiền khách hàng qua thẻ thanh toán quốc tế.

Đại diện Bộ Công Thương cũng cho rằng, với mô hình hiện nay, Uber đang hoạt động như doanh nghiệp cung cấp dịch vụ thương mại điện tử, cung cấp dịch vụ sàn giao dịch thương mại điện tử trên nền tảng thiết bị di động. Trong khi hiện chưa có văn bản pháp luật nào quy định cụ thể về hoạt động này.