Thống kê cho thấy, trong 10 tháng đầu năm 2020, toàn tỉnh Bình Dương xảy ra 1.103 vụ tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt, đường thủy làm chết 226 người, bị thương 1.139 người, hư hỏng 2.020 phương tiện. Trong đó, tai nạn đường sắt xảy ra 1 vụ, làm chết 1 người; tai nạn đường thủy xảy ra 1 vụ nghiêm trọng, làm chết 1 người, hư hỏng 1 xe ô tô.
So với cùng kỳ năm 2019, giảm 142 vụ (giảm 11,4%); số người chết tăng 15 người (tăng 7,11%); giảm 166 người bị thương (giảm 122,72%). Tuy giảm số vụ và số người bị thương, nhưng số vụ, số người chết do TNGT vẫn còn ở mức cao; đã xảy ra TNGT đường bộ đặc biệt nghiêm trọng. Tình hình vi phạm pháp luật về trật tự ATGT đường bộ xảy ra nhiều (67.595 trường hợp).
Thời gian qua, các ngành chức năng thường xuyên theo dõi tình hình giao thông trên các tuyến đường, các nút giao lộ trọng điểm, kịp thời bổ sung biển báo điều tiết lưu thông, đến nay, tình trạng ùn tắc giao thông kéo dài tại các nút giao lộ, tuyến đường trọng điểm của tỉnh đã từng bước được khắc phục.
Tuy nhiên, tình trạng ùn tắc giao thông cục bộ khi hệ thống đèn tín hiệu giao thông không hoạt động do bị hư hoặc mất điện, khi trời mưa gây ngập nước, phương tiện giao thông bị hư hỏng… vẫn còn xảy ra ở một số giao lộ trên tuyến đường Quốc lộ 13, ĐT.743, đường Mỹ Phước - Tân Vạn.
Để giải quyết những bất cập trên, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương ông Nguyễn Hoàng Thao yêu cầu kiện toàn lại Ban ATGT các cấp cũng như cơ chế hoạt động phải có báo cáo hàng ngày về tình hình giao thông. Cùng với đó xây dựng Đề án tăng cường nguồn lực tuần tra kiểm soát, điều tiết giao thông; thiết chế giao thông cần đồng nhất; xây dựng chuyên mục kênh giao thông thông báo các điểm kẹt xe; lắp đặt thêm nhiều camera giao thông, nhất là tại các tuyến đường trọng điểm, đổi mới cách thức, nội dung tuyên truyền. Giao Ban ATGT tỉnh rà soát lại cụ thể từng lĩnh vực liên quan đến vấn đề ATGT (kẹt xe, ngập nước, thoát nước…).
Khắc phục đối với các đoạn đường, điểm ngập trên đường trong khu vực đô thị; đẩy nhanh tiến độ các dự án, công trình thoát nước trên địa bàn tỉnh, nhằm đảm bảo hạ lưu thoát nước, xử lý triệt để, căn cơ các đoạn tuyến (trong đô thị, ngoài đô thị) thường bị ngập nước khi trời mưa; đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng các công trình giao thông, nhất là các công trình trọng điểm của tỉnh.