Bình dị kỷ vật trong ngôi nhà tranh thuở ấu thơ của Bác

TPO - Ngôi nhà là những ân tình làng xóm quê hương, nơi chứng kiến quá trình học tập, trưởng thành; nơi ghi dấu cảm xúc đầu tiên về lòng yêu nước và những nhận thức thời cuộc, bước tiền đề cho con đường cứu nước sau này của Chủ tịch Hồ Chí Minh. 

Dẫu đã qua cả thế kỷ, nhưng những hình ảnh xưa cũ của làng Sen gắn liền với tuổi thơ của Bác được lưu giữ đến bây giờ như một miền ký ức đẹp và là tấm gương sáng cho mọi thế hệ.

Từ thành phố Vinh đi theo Quốc lộ 46 khoảng 15km là tới làng Sen, xã Kim Liên, huyện Nam Đàn (tỉnh Nghệ An) - quê hương Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Năm 1901, thân phụ Bác Hồ là cụ Nguyễn Sinh Sắc đỗ Phó bảng trở thành niềm vinh dự của gia đình, họ tộc và cả làng Sen. Dân làng Sen đã dựng một ngôi nhà gỗ mái tranh 5 gian để đón vị Phó bảng vinh quy bái tổ. Cả gia đình đã từ làng Hoàng Trù (quê ngoại Bác Hồ) trở về sống tại Làng Sen. Ngôi nhà này đã gắn với tuổi thơ Bác Hồ từ năm 1901 đến năm 1906 (trước khi theo cha vào Huế).
Trước cổng vào là hàng dâm bụt uốn lượn thành vòm, hai bên cây cối cắt tỉa thành hàng, mảnh đất nhỏ trồng lạc, đậu quanh năm tốt tươi.
Phía trong ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, nhiều kỷ vật gắn với cuộc đời Người được lưu giữ nguyên vẹn.
Tấm liếp tre làm vách ngăn, mỏng manh nhưng vững chãi, ngăn cản gió mưa thuở ấu thơ của Người.
Chiếc võng nối giữa hai gian nhà còn nguyên vẹn.
 Chiếc chum đựng nước bên góc tường đất.
Những chiếc thúng mây tre gác dưới mái nhà.
Trước khi chuyển từ làng Hoàng Trù sang ngôi nhà mà dân làng Sen dựng thì thân mẫu Bác Hồ là bà Hoàng Thị Loan đã mất. Tuy nhiên, khung cửi dệt vẫn được cụ Nguyễn Sinh Sắc cùng các con mang theo, đó là sự tưởng niệm người quá cố, người mẹ của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
 Nghiên bút của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc dạy học trò.
Khu Di tích Kim Liên là điểm đến mà nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế muốn tìm hiểu về cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh. Hằng năm, Khu di tích Kim Liên đón hàng triệu lượt khách viếng thăm.