Ông Tiến rất hoan nghênh và đánh giá cao sáng kiến của Trung ương Đoàn về việc xây dựng các làng thanh niên lập nghiệp ở các vùng dân tộc miền núi. Hàng chục nghìn thanh niên chưa có việc làm có thể tình nguyện lên đây lập thành làng thanh niên, xây dựng cuộc sống mới, vừa trồng rừng vừa giữ đất, đây là một hướng tiếp cận tốt giữa trồng rừng với bảo vệ Tổ quốc cần được nhân rộng.
Cũng trong sáng nay, Phó Chủ nhiệm Lê Như Tiến nêu ra hai vấn đề có yếu tố nước ngoài mà Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập: Cho thuê đất rừng và lao động nước ngoài tại Việt Nam.
Về hai vấn đề mà Báo cáo của Chính phủ chưa đề cập, ông Tiến phân tích:
Một, tại các kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XII và đầu nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, tôi đều nêu trách nhiệm của các bộ, ngành về việc để cho 10 tỉnh trong cả nước cho nước ngoài thuê 342.000ha đất rừng với thời hạn 50 năm ở những khu vực rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, khu vực phòng thủ, nhạy cảm về quốc phòng, an ninh, trong khi người dân của chúng ta thiếu đất sản xuất, thiếu đất trồng rừng và hoàn toàn có thể trồng rừng phát triển và bảo vệ rừng của mình.
“Tại kỳ họp trước các bộ, ngành quản lý nhà nước hứa sẽ chấm dứt cho thuê và sẽ thu hồi giấy phép đầu tư, đến nay đã xử lý vấn đề này như thế nào? Còn bao nhiêu héc ta rừng cho nước ngoài thuê, là người thường đeo bám đến cùng của một sự việc, tôi đề nghị các vị Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư với tư cách cấp phép đầu tư, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn với tư cách quản lý nhà nước về đất rừng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quản lý đất đai, tài nguyên trả lời cho các vị đại biểu Quốc hội và cử tri biết kết quả xử lý”, ông Tiến nhấn mạnh.
Hai, theo thống kê chưa đầy đủ cả nước có trên 78.000 lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam, trong khi bối cảnh thế giới có sự dịch chuyển lao động xuyên biên giới, thì lao động từ quốc gia này sang làm việc tại quốc gia khác là điều có thể lý giải được. Song, vấn đề là công tác quản lý người nước ngoài làm việc tại Việt Nam, nhiều thông tin cho biết có những lao động nước ngoài không được cấp giấy phép lao động, giấy phép cư trú, họ mặc nhiên đi lại, mặc nhiên di chuyển, thay đổi công việc, thay đổi nơi làm việc mà không ai kiểm soát.
“Điều này có ảnh hưởng đến chất lượng việc làm, ảnh hưởng đến bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn xã hội. Đề nghị Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng chia sẻ”, ông Tiến nói.