Ông T, một người dân sinh sống tại thôn Lâm Trường (xã Minh Phú) cho biết, khoảng hơn chục năm trước đã xuất hiện 1 - 2 biệt thự nghỉ dưỡng tại đây. Tuy nhiên, thời gian gần đây người bên ngoài, chủ yếu là ở trung tâm Hà Nội lên mua đất rừng khá nhiều với mục đích xây biệt thự kinh doanh. Chỉ sau 1 năm, thôn đã thành khu sinh thái nghỉ dưỡng với hơn chục căn biệt thự nghỉ dưỡng lớn nhỏ. “Cuối tuần nào cũng có các đoàn lên ăn uống, bật nhạc ầm ĩ, nướng thức ăn khói nghi ngút một góc rừng”, ông T kể.
Theo ghi nhận của PV, dọc đường vào thôn Lâm Trường, xen giữa những ngôi nhà cấp 4 lụp xụp là những tòa biệt thự hoành tráng xây dựng kiên cố trên sườn đồi hoặc bên hồ. Có thể kể đến các khu nghỉ dưỡng: The Choai Villa, U-LESA, Thiên Phú Lâm, The Homie…
Đại diện khu nghỉ dưỡng The Choai Villa cho biết, mặc dù mới cuối tháng 9 nhưng nếu muốn đặt phòng chỉ có thể đặt vào tháng 11 vì khách đặt kín phòng từ nay đến hết tháng 10. Giá phòng ngày thường là 4 triệu đồng/đêm; vào ngày thứ 7 hoặc ngày lễ giá lên đến 5,9 triệu/đêm. Tương tự tại khu nghỉ dưỡng The Homie Sóc Sơn cũng thông báo hết phòng tất cả các ngày thứ 7 của tháng 10. Giá nhà chòi dành cho 4 - 6 khách là 2,6 triệu/đêm cho ngày cao điểm.
Tại thôn Minh Tân (xã Minh Trí, Sóc Sơn), hoạt động mua bán, xây dựng đang diễn ra nhộn nhịp. Một loạt đất đồi phía đối diện mặt hồ bị san gạt để chuẩn bị xây dựng. Đáng chú ý là khu tổ hợp “khủng” mang tên Hoàng Lê Gia Garden với khoảng 5 biệt thự xây dựng trên đồi. Được biết, đây là một “đại gia” đến từ trung tâm Hà Nội, mua gom đất từ 5 hộ dân khoảng 10 năm trước đây. Hoạt động xây dựng, hoàn thiện công trình mới diễn ra gần đây. Đặc biệt, các thủ tục chuyển nhượng quyền sử dụng đất giữa người dân và tổ hợp nghỉ dưỡng hàng chục nghìn m2 trên đều thông qua UBND xã Minh Trí.
Kinh doanh phát đạt nên số lượng người tìm đến 2 thôn nói trên để mua đất rừng xây biệt thự ngày càng nhiều. Một “cò đất” tại khu vực này cho biết, giá đất tại 2 thôn lên từng ngày. Đơn cử như năm 2017 có thể mua đất ven hồ với giá khoảng 3 triệu/m2, đến năm nay khó tìm được mảnh đất ven hồ nào giá dưới 4 triệu/m2. Đối với khu vực đất ven đồi thì rẻ hơn, tính tiền theo sào, giá khoảng 150 triệu đồng/sào. Mua bán có chứng nhận của chính quyền địa phương?! “Chưa kể hàng ra là có người đặt cọc mua ngay, chậm chân là mất”, người bán đất ở đây nói.
Chậm xử lý vì thiếu bản đồ?
Ban Quản lý rừng Phòng hộ - Đặc dụng Hà Nội (Sở NN&PTNT Hà Nội) nằm ngay tại thôn Lâm Trường. Đại diện BQL rừng cho biết, toàn bộ khu vực thôn Lâm Trường có hơn 100ha rừng phòng hộ, toàn bộ các công trình xây dựng là tự phát. Lý do bởi rừng phòng hộ thì không thể xây dựng công trình. Đại diện BQL rừng cho biết, đã “phối hợp với huyện Sóc Sơn để xử lý” việc này.
Báo cáo mới nhất của BQL rừng lý giải, do BQL rừng trải qua nhiều giai đoạn sắp xếp, kiện toàn tổ chức với nhiều tên gọi khác nhau nên gặp khó khăn trong thực hiện nhiệm vụ. Chưa đo đạc bản đồ địa chính đất lâm nghiệp và các loại đất khác nằm trong quy hoạch rừng, điều chỉnh quy hoạch rừng phòng hộ chưa phù hợp với thực tế địa phương. Sau khi có yêu cầu của Sở NN&PTNT Hà Nội, BQL rừng đã rà soát và xác định một số hộ dân xây dựng nhà và làm lán trại trên diện tích đất lâm nghiệp. Một số hộ đã tự khắc phục, tháo dỡ hoàn trả mặt bằng. Ngoài ra, vẫn còn 18 hộ xây dựng sửa chữa chây ì không tháo dỡ. BQL rừng đề nghị Sở NN&PTNT, huyện Sóc Sơn, xã Minh Phú có ý kiến chỉ đạo chấm dứt tình trạng nêu trên.
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Trường Giang - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) huyện Sóc Sơn cho biết, quy hoạch đất rừng ở Sóc Sơn được làm theo nhiều giai đoạn. Trong đó có 2 bản quy hoạch là năm 1998 và năm 2008, đến nay quy hoạch rừng 2008 vẫn đang có tính pháp lý và là văn bản có giá trị cao nhất của thành phố. Tuy nhiên, bản đồ quy hoạch còn thiếu sót do mới chỉ làm đường bao chu vi, vạch ra chỗ nào là hồ nước, nơi nào trồng cây gì… Còn chi tiết như diện tích nhà bao nhiêu, bao nhiêu phần thì không được thể hiện. Trong khi ở thôn Minh Tân người dân đã cư trú từ những năm 1985 sau khi nhà nước khuyến khích khai hoang; người dân thôn Lâm Trường cũng đã được vận động lên trồng rừng từ những năm 1990.
Ông Giang cho biết thêm, vừa qua cơ quan chức năng đã đo lại để có cơ sở pháp lý rõ ràng về đất ở xen giữa đất rừng, hiện đã đo được 6/11 xã, thị trấn có rừng, dự kiến hoàn thành vào tháng 10/2018.
Lãnh đạo Phòng TNMT thông tin thêm, có mấy chục trường hợp mua bán đất rừng có xác nhận của trưởng thôn và UBND xã. Việc mua bán chuyển nhượng đất rừng không giấy tờ là sai sót, trong đó có nguyên nhân khách quan và chủ quan, cần làm rõ. “Huyện đã yêu cầu giữ nguyên hiện trạng các công trình, theo tôi biết lẻ tẻ có công trình đang hoàn thiện như trát cổng, làm nền nhà, phát sinh mới là không có”, ông Giang nói.
Trước vi phạm phức tạp về trật tự xây dựng tại xã Minh Trí, UBND huyện Sóc Sơn tiếp tục có Văn bản số 1123/UBND-TTXD đôn đốc việc xử lý vi phạm đất đai, trật tự xây dựng tại xã Minh Trí. Ðây cũng là văn bản thứ 4 từ đầu năm 2018 chỉ đạo giải quyết vấn đề này. Theo đó, yêu cầu cơ quan liên quan tập trung ngăn chặn, đình chỉ thi công đối với vi phạm trật tự xây dựng tại thôn Minh Tân, không để phát sinh thêm khối lượng; khẩn trương xây dựng kế hoạch và tổ chức cưỡng chế phá dỡ các công trình vi phạm. Tuy nhiên, đến nay, nhiều công trình vẫn đang được khẩn trương xây dựng, hoàn thiện.
Một “cò đất” tại khu vực này cho biết, giá đất tại 2 thôn lên từng ngày. Ðơn cử như năm 2017 có thể mua đất ven hồ với giá khoảng 3 triệu/m2, đến năm nay khó tìm được mảnh đất ven hồ nào giá dưới 4 triệu/m2.