Nhìn xuyên suốt cả quá trình chống dịch tại Bắc Giang sẽ thấy hiệu quả của phương án đó: Ca COVID-19 đầu tiên của Bắc Giang xuất phát từ công nhân KCN rồi lan khắp các nhà trọ, khu dân cư. Những cuộc truy vết thần tốc không hiệu quả khi 150.000 công nhân tại Bắc Giang vẫn di chuyển như con thoi mỗi ngày. Dịch quá lớn, Bắc Giang phải đóng cửa cả 4 KCN lớn nhất tỉnh, để công nhân co cụm trong các khu trọ.
Sự kiện đó xảy ra vào ngày 18/5, chấn động dư luận vì 4 KCN là biểu tượng thành công của Bắc Giang. Trong cuộc họp vào đêm khuya để quyết định dừng, gần như 100% DN phản đối. Nhưng rất nhanh, chỉ 10 ngày, sau khi tầm soát, sàng lọc, phân tách ca bệnh, Bắc Giang lại cho công nhân sạch bệnh vào KCN sản xuất. Tất nhiên, vẫn là trạng thái co cụm: Công nhân vừa ăn, vừa ở, vừa làm tại nhà máy (gọi như hiện nay là 3 tại chỗ).
Ông Cường nói, DN ban đầu phản đối bởi họ phải lo chỗ ở, lo hàng nghìn bữa ăn mỗi ngày. Rồi chi phí, công sức xét nghiệm cực kỳ tốn kém… Nhưng Bắc Giang vẫn quyết tâm thực hiện bởi nếu không làm, không biết ngày nào hết dịch, thiệt hại sẽ lớn gấp bội. Tất nhiên phải động viên, tuyên truyền, khích lệ. Và như Tiền Phong phản ánh, các ông chủ đi sắm sanh, sắp đặt mùng màn, chăn chiếu cho công nhân. Thậm chí có ông chủ người Hàn Quốc còn kỳ công sắm mỹ phẩm cho cả công nhân nữ tránh bị khô da khi ở trong phòng lạnh. Đến nay, các khu trọ đã bình yên, nhà máy sạch dịch, hầu hết công nhân lại được đi đi về về như trước.
Bắc Ninh có lẽ đã rút kinh nghiệm so với Bắc Giang khi thực hiện "3 tại chỗ" ngay từ ngày 2/6 – thời điểm dịch chưa bùng phát. “Không còn đường lùi, DN phải chọn một là đóng cửa, hai là vẫn sản xuất”– bà Đào Hồng Lan – Bí thư Bắc Ninh nói sau khi vãn dịch. Dù không quá ồn ào nhưng việc dập dịch theo kiểu chia để trị, lùi một bước, tiến ba bước đã thành công.
Trong cuộc trò chuyện với ông Cường, chúng tôi hỏi về tình trạng 3 cùng tại các tỉnh đang gặp khó. Ông Cường cho rằng, mỗi tỉnh khác nhau nhưng giải pháp chung vẫn phải gom lại để kiểm soát và trong KCN, không có biện pháp nào ngoài "3 tại chỗ". Chuyện công nhân không yên tâm khi để con nhỏ, mẹ già ở nhà cũng không hề gì vì số lượng đó không lớn. Họ có thể ở nhà, DN vẫn cứ hoạt động khép kín để kiểm soát dịch. “Co lại, xét nghiệm thật nhanh, phân tách thật kỹ rồi dịch sẽ qua. Để dịch kéo dài, lan rộng là đuối sức, đuối sức là buông và buông là chết” – ông Cường đúc kết.
Một kinh nghiệm mà ông Cường đúc kết thêm đó là sự quyết liệt của các cấp chính quyền. Đó là câu chuyện 2 tháng ông “nằm” lại tại Ban không về nhà lấy một ngày. Là câu chuyện về những đôi mắt trũng sâu của lãnh đạo tỉnh Bắc Giang giữa những ngày dịch dã.