Biến tướng quà tết là hối lộ trá hình

TP - Trước dịp Tết Nguyên đán 2020, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đã có cuộc trò chuyện với Tiền Phong về những biến tướng trong việc biếu quà tết cấp trên. 
Ông Lê Như Tiến

Theo ông Tiến, "những món quà tết đáng lên án là những món quà hối lộ trá hình, xuất phát từ động cơ vụ lợi, hoặc là cơ hội để trả ơn vì được nâng đỡ, hoặc giúp đỡ để có được dự án này, lợi lộc kia. Nếu không trả ơn thì cũng là dịp để người biếu tặng và người nhận mặc cả, hy vọng được nâng đỡ, được cất nhắc bổ nhiệm”.

Trả ơn, vụ lợi

Cứ vào dịp cuối năm, các bộ ngành, cơ quan từ trung ương đến địa phương lại ban hành những văn bản, chỉ thị nhằm ngăn chặn tình trạng biếu quà tết cấp trên. Mặc dù vậy, tình trạng này vẫn diễn ra, thưa ông?

Đúng là cứ vào mỗi dịp cuối năm này, nhiều văn bản, chỉ thị, quy định từ trung ương đến các địa phương đều được đưa ra. Điều này cũng cần thiết, thế nhưng điều đáng nói là tình trạng biếu tặng quà tết không hề giảm, thậm chí nhiều người còn cho rằng, tình trạng này còn có thể diễn ra nhiều hơn. Cứ chuẩn bị vào dịp giáp tết là người, xe lại kéo lên trung ương, cấp dưới tìm đến cấp trên để chúc Tết.

Xe cộ không chỉ đến nhà riêng quan chức, mà người ta còn tìm đến cơ quan “xin ý kiến”, “xin chỉ thị” rồi tranh thủ tặng quà. Cũng có nhiều đơn vị tranh thủ dịp tổng kết cuối năm mời lãnh đạo xuống tham dự, rồi kết hợp biếu quà tết… Có thể nói, vấn nạn này đang biến tướng rất nhiều, và chưa chặn đứng, đẩy lùi được.

Ngoài những món quà tiền tỷ, dư luận vẫn râm ran, nhiều gia đình quan chức chỉ đi bán các loại quà tết đã đủ giàu?

Qủa là như vậy. Nhiều người từng là thư ký, lái xe cho những ông lãnh đạo cấp bộ, cấp tỉnh còn thông tin với chúng tôi, cứ sau một cái Tết, vợ hoặc người nhà quan chức ấy lại mang hàng trăm chai rượu ngoại ra cửa hàng ký gửi, nhờ bán hộ. Hàng trăm chai rượu nghĩa là hàng trăm con người đến biếu tặng. Nhưng những chai rượu, thùng bia, hộp bánh, giỏ hoa quả đó là quà nhưng cũng chỉ là bình phong thôi. Điều quan trọng là ở bên trong đó còn có những cọc tiền rất to, thậm chí còn lên đến hàng trăm nghìn USD.

Tôi cũng được biết, có những người còn biếu tặng nhau những món quà tiền tỷ, như những cây cảnh hàng chục tỷ đồng, hay những bức tượng được đúc bằng vàng trị giá nhiều tỷ đồng… Đó cũng là một hình thức hối lộ trá hình. Nếu bằng cái tâm, bằng tình cảm đặc biệt của mình với người mình yêu quý thì thiếu gì cách để thể hiện. Đâu phải chỉ vật chất trị giá càng cao mới thể hiện tình cảm càng lớn! Đôi khi người ta chỉ cần đến với nhau bằng tình cảm chân thành cũng là điều rất đáng quý trọng.

Những biến tướng trong việc biếu tặng quà tết không chỉ làm mất đi giá trị thiêng liêng truyền thống, mà nó đã bị biến thành cơ hội để nhiều người mua bán, đổi chác.  Ông nghĩ sao về điều này?

Biến tướng quà tết quả là rất đáng báo động. Ngày xưa có thể người ta chỉ biếu tặng những món quà giản dị, như con cá chép dưới ao, những giỏ hoa quả từ vườn nhà mang ý nghĩa rất tình cảm, trân trọng. Còn bây giờ quà tết đã biến tướng thành những món quà tiền tỷ. Đó không phải quà cáp đơn thuần mà xuất phát từ động cơ vụ lợi. Nhiều trường hợp nói “biếu anh giỏ hoa quả”, nhưng trong đó lại có những cọc tiền hàng trăm nghìn USD.

Tặng quà tết vốn là một nét văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc ta, mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Chúng ta không phủ nhận việc tặng quà cho nhau nhân dịp lễ, tết, nhưng những món quà ấy phải làm sao cho thực sự ý nghĩa. Ví dụ như ông bác sĩ cứu được bệnh nhân từ cõi chết trở về, hay người thầy giáo cưu mang con cái, giúp từ học yếu kém trở thành con ngoan trò giỏi, thì sự mang ơn đó là bình thường. Những trường hợp đó, việc biếu tặng món quà giản dị là đáng trân trọng.

Nhưng quà tết đáng lên án ở đây là những món quà hối lộ trá hình, nó không còn mang ý nghĩa quà tết nữa. Tặng quà trong trường hợp này là cơ hội để người tặng trả ơn vì được nâng đỡ, hoặc giúp đỡ để có được dự án này, lợi lộc kia. Nếu không trả ơn thì cũng là dịp để người biếu tặng và người nhận mặc cả, hy vọng tới đây được nâng đỡ, được biết đến, được cất nhắc bổ nhiệm, hay có ý vụ lợi trong những thương vụ nào đó…  Tất cả những động cơ như vậy không còn mang ý nghĩa tình cảm chân thành mà đều mang tính vụ lợi, trao đổi, mua bán.

Cấp trên cần cương quyết, gương mẫu

Dịp Tết 2020 này càng nhạy cảm vì rơi vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ, chuẩn bị cho Đại hội Đảng các cấp... Ông nghĩ gì về việc này?

Tôi từng phát biểu về thời điểm “hoàng hôn nhiệm kỳ” tại diễn đàn Quốc hội. Nhiều quan chức đã tranh thủ làm những “chuyến tàu vét” cuối cùng trước khi hạ cánh. Rõ ràng đây là một cơ hội để một số quan chức không còn ở những vị trí cũ, tới đây rời nhiệm sở thực hiện những chuyến tàu vét cuối cùng.

Có những trường hợp "biếu giỏ hoa quả" nhưng trong đó lại có phong bì USD. Ảnh: Hồng Vĩnh

Đây cũng là thời điểm để nhiều người lợi dụng xin dự án béo bở, như thương vụ Mobifone mua cổ phần AVG cũng diễn ra vào thời điểm cuối nhiệm kỳ vừa qua. Hoặc cũng có thể có người tranh thủ chạy chọt, “mua ghế”, mà thực tế đã có những trường hợp trước khi nghỉ đã ký bổ nhiệm, đề bạt cho vài chục người.

Cho nên vào thời điểm chuyển giao nhiệm kỳ cần phải đặc biệt chú ý. Cơ quan truyền thông, công luận có vai trò quan trọng trong việc cảnh báo, rung lên những tiếng chuông cảnh tỉnh đối với những sự việc đó, mượn dịp này tặng quà để vụ lợi và trục lợi.

Theo ông có giải pháp nào thiết thực, hiệu quả hơn để ngăn chặn tình trạng này?

Có cung thì ắt có cầu, đó là quy luật tất yếu. Nếu quan chức lãnh đạo mà nghiêm túc và trong sáng, dứt khoát không nhận quà tết, thậm chí đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với người đưa quà tết thì sẽ không bao giờ họ đến nữa. Thế nhưng, vào mỗi dịp lễ, tết, người biếu vẫn đến và người được tặng vẫn vui vẻ nhận thì rất khó ngăn chặn đẩy lùi.

Mặc dù rất khó phát hiện, vì khi biếu tặng chỉ “anh biết, tôi biết, trời biết” như lời một quan chức nói về tham nhũng, hối lộ, nhưng nếu quyết tâm, chúng ta cũng không thiếu những biện pháp để ngăn chặn. Có phải là cái kim sợi chỉ đâu, người xe lũ lượt đến và đi như vậy sao lại không biết được? Tại sao chỉ thị rất nhiều mà lại vẫn không ngăn chặn được tình trạng này, là bởi chính cấp trên vẫn chưa gương mẫu, có thể những người nói không được tặng quà tết có khi lại vẫn vui vẻ nhận, thậm chí còn “nhắc khéo” để họ tìm đến.

Do vậy, để ngăn chặn được tình trạng biếu tặng quà “không trong sáng”, phải giáo dục sâu rộng, phổ biến các quy định và thực hiện một cách nghiêm túc các quy định ấy. Trước hết người được tặng quà phải có thái độ cương quyết với cấp dưới. Hoặc có thể “ghi sổ”, ai biếu tặng, tặng bao nhiêu, tặng những gì… rồi công khai, minh bạch hết ra.

Nếu chỉ làm nghiêm túc trong một hai lần thì chắc chắn Tết sau đó, không bao giờ người ta đến nữa. Có rất nhiều biến tướng, nhưng xin được nhấn mạnh rằng, tình trạng biếu tặng quà tết có giảm đi hay không, quan trọng nhất vẫn nằm ở sự cương quyết và gương mẫu của chính lãnh đạo cấp trên.

Cảm ơn ông.

“Nếu quan chức lãnh đạo mà nghiêm túc và trong sáng, dứt khoát không nhận quà tết, thậm chí đưa ra những cảnh báo nghiêm khắc với người đưa quà tết thì sẽ không bao giờ họ đến nữa. Thế nhưng, vào mỗi dịp lễ, tết, người biếu vẫn đến và người được tặng vẫn vui vẻ nhận thì rất khó ngăn chặn đẩy lùi”.

Ông Lê Như Tiến