Cách người Hàn chinh phục thế giới- Bài cuối:

Biến Jeju thành thiên đường du lịch

TP - Đảo Jeju có diện tích gấp 3 lần đảo Phú Quốc của Việt Nam, hiện đang  thu hút 10 triệu du khách nước ngoài  mỗi năm. Một con số đáng thèm muốn của  ngành du lịch Việt Nam (lượng du khách nước ngoài của cả ngành du lịch  Việt Nam 9 tháng đầu năm 2015 đạt 5,7 triệu lượt).
Đồi chè ở Jeju hút khách du lịch.

Mục tiêu mấy năm tới của Jeju  là 14 triệu du khách/năm và họ tin sẽ làm được. 

Biến đảo hoang thành thiên đường

Có thể nói, đảo Jeju thay đổi đến chóng mặt. Để có sự chuyển mình nhanh chóng này là quyết tâm của chính phủ Hàn Quốc khi họ đưa ra chiến lược tổng thể biến hòn đảo hoang vắng này thành thiên đường du lịch của Hàn Quốc. Hơn  10 năm trước, các chiến lược truyền thông cho đảo Jeju được đưa vào các bộ phim Hàn Quốc hết sức tinh vi và khéo léo. Các kênh truyền hình lớn của Hàn Quốc như KBS, MBC đều được chính phủ hỗ trợ một khoản tiền không nhỏ để làm phim quảng bá du lịch, phát không cho các nước Đông Nam Á.

Sự khéo léo được thể hiện ở chỗ, phim quảng bá du lịch của Hàn Quốc không phải là phim giới thiệu về các cảnh đẹp của đảo Jeju đơn thuần, mà phong cảnh của đảo Jeju trở thành bối cảnh của nhiều bộ phim truyền hình. Motif chung của các bộ phim truyền hình Hàn Quốc lúc bấy giờ là các nhân vật chính yêu nhau, rồi kết hôn, sau đó đi hưởng tuần trăng mật lãng mạn trên đảo Jeju đẹp như thiên đường. Sự quảng bá này hữu hiệu đến nỗi, khi biết tôi đi công tác tại Hàn Quốc, rất nhiều người bạn nhắn nhủ: “Đừng để lỡ cơ hội đến đảo Jeju nhé, thiên đường du lịch đấy.”

Thực tế, lúc đó, Jeju vẫn còn khá hoang vắng. Nhà cửa thưa thớt, cư dân lác đác nhưng cơ sở hạ tầng cho du lịch như  nhà vệ sinh công cộng, hệ thống đường sá đã được xây dựng hiện đại, tiện lợi, sẵn sàng cho một lượng lớn khách du lịch tới đây. “Tài nguyên” du lịch đảo Jeju lúc đó vẫn khá hoang sơ với hòn đá hình đầu rồng, bảo tàng gấu (Teddy bears museum), khu vực núi lửa ngừng phun từ vài ngàn năm trước, con đường bí ẩn (Mysterous road), nơi các xe đi đến đoạn đường đó tự leo dốc mà không cần nổ máy… Tượng Harubang, con vật tượng trưng cho vật canh đảo, cũng trở nên khá hấp dẫn khi nó được “thổi” với truyền thuyết li kỳ cũng như niềm tin không căn cứ vào việc nếu ai muốn có con trai thì sờ mũi tượng Harubang, ai muốn sinh con gái thì sờ tai …

Không ai có thể ngờ rằng, hòn đảo vốn là nơi đi đày của các tù nhân trước kia, giờ tấp nập khách du lịch. Các du khách đáp chuyến bay thẳng tới đảo Jeju mà không cần thị thực nhập cảnh ( visa) là một trong những nguyên nhân chính khiến lượng khách đến đây ngày một tăng. Chưa kể, các chính sách hỗ trợ du lịch của chính phủ Hàn Quốc khiến giá tour tới đảo Jeju cho khách du lịch nước ngoài rẻ như đi du lịch trong nước. Chẳng hạn, giá tour trọn gói Hà Nội- Jeju  5 ngày/ 4 đêm có đợt khuyến mại tháng 11 vừa qua chỉ hơn 9 triệu đồng/ khách.

Giờ đây, sân bay quốc tế Jeju có tới 300 chuyến bay lên xuống mỗi ngày, tính trung bình cứ 10 phút có 1 chuyến bay. Theo chị Kim, hướng dẫn viên bản địa, sân bay này đang hoạt động gần hết công suất và Jeju sắp phải xây thêm sân bay mới. Chị cho biết, 5 năm qua, Jeju thay đổi khá nhiều. Dân số Jeju hiện giờ là 600.000 người, tăng 100.000 người so với 5 năm trước.

Cảnh sắc như thiên đường ở Lotte

Ngoài ra, khách sạn Lotte được cho là điểm nhấn mới của đảo Jeju với kiến trúc như thiên đường. Từ sân bay quốc tế Jeju, đi qua trung tâm thành phố và đi tiếp chừng 20 km nữa, đoàn chúng tôi mới  tới được khách sạn Lotte. Có vẻ ái ngại khi đưa khách đi một chặng đường dài, chị Kim an ủi: “ Tuy hơi xa trung tâm một chút, nhưng tôi hy vọng rằng, các bạn sẽ không lấy làm hối tiếc khi ở đây”. Do “sinh sau đẻ muộn”, từ khu nghỉ dưỡng Lotte, du khách phải leo hơn 300 bậc thang ngoằn nghèo mới ra được bãi tắm. Đủ xa cho người ngại leo trèo, nhưng cũng đủ hấp dẫn đối với du khách ưa khám phá. Bù lại, cách bài trí của khách sạn khiến du khách ngỡ mình lạc vào thiên đường. Sân vườn được bài trí như vườn thượng uyển. Đặc biệt, tối đến, các chương trình hòa nhạc cổ điển với các giọng ca opera thánh thót, náo nhiệt tới tận đêm khuya. Trong nhà, tiếng đàn, tiếng hát cũng ngân nga với các bài ca trữ tình du dương. Ai hát cứ hát, ai đàn cứ đàn, ai ăn cứ ăn và ai ngủ cứ ngủ.

Từ thiên đường du lịch đến thung lũng silicon

Không ăn mày dĩ vãng. Sau khi đạt được mục tiêu Thiên đường du lịch, giờ đây Jeju đang được hoạch định để trở thành hòn đảo xanh, hòn đảo thông minh, thung lũng Silicon của Hàn Quốc ( Korea silicon valley). Trung tâm đổi mới kinh tế và sáng tạo Jeju được đặt tại trung tâm thành phố, nơi thu hút các nhân tài về khoa học công nghệ, các doanh nghiệp khởi nghiệp trong cả nước tới đây làm việc.

Một phần diện tích của đảo hiện được trồng trà xanh và trở thành nơi chế xuất dòng mỹ phẩm thiên nhiên đang được ưa chuộng tại Hàn Quốc và thế giới Innisfree với các chiết xuất hoàn toàn từ trà xanh. Giờ đây, các du khách tới đảo Jeju không thể bỏ qua thăm khu trồng chè, bảo tàng chè Ussuloc. Chúng tôi  đã  chứng kiến từng đoàn du khách nô nức tới đây. Họ được hướng dẫn đi thăm đồi chè, được xem bảo tàng chè và học cách pha trà... theo kiểu Hàn Quốc. Trong khi đó, 30 năm trước, cả hòn đảo chỉ có đất đá, sỏi cát này không hề trồng chè, và càng không thể nói có văn hóa trà. Hãng mỹ phẩm Innisfree và bảo tàng chè mới xuất hiện ở đây được hơn 3 năm, vậy mà dòng mỹ phẩm từ chè này đã nhanh chóng được ưa chuộng ở châu Á.

Trung tâm đổi mới kinh tế và sáng tạo Jeju.

Trở lại việc trở thành thung lũng silicon của Hàn Quốc. Đích thân nữ tổng thống Hàn Quốc Park Geun-hye mới đây đã kêu gọi và các  cơ quan bộ ngành chung tay để đạt mục tiêu này. Bà tuyên bố: “ Chính phủ sẽ biến đảo Jeju thành điểm du lịch thông minh”.

Các chính sách đãi ngộ nhân tài được đưa ra, chính sách nhà ở miễn phí hoặc giá rẻ cũng được áp dụng nếu các chuyên gia ra đây làm việc. Chủ tịch Hội đồng quản trị và giám đốc điều hành của tập đoàn công nghệ lớn của Hàn Quốc Kakao cũng đã trở thành lãnh đạo của Trung tâm này. Họ đều là người Seoul tới đây làm việc và cuối tuần hoặc cuối tháng mới trở về nhà. Jeon Jeong Hwan , CEO của Trung tâm chia sẻ: “Chúng tôi có nhiều chính sách khuyến khích các công ty start- up (khởi nghiệp về công nghệ). Nếu như trước kia, các sinh viên khoa công nghệ tốt nghiệp đều chăm chăm đi tìm việc làm ở các công ty, tập đoàn lớn, thì nay đa phần họ  tự nghĩ ra các dự án để khởi nghiệp.”

Kakao hiện nay là một trong 15 công ty start- up lớn nhất Hàn Quốc, với 97% người tiêu dùng là người Hàn Quốc. Ở Việt Nam thời gian gần đây, Kakao Talk (ứng dụng gọi điện thoại trên Internet) của hãng Kakao đã được quảng bá tại Việt Nam, nhưng dường như chưa được hiệu quả lắm.

Jeju còn muốn trở thành soft- tourists, nơi mà khách du lịch khi đến Jeju, sử dụng điện thoại thông minh có thể cập nhật mọi thông tin, biển báo của hòn đảo này trên điện thoại bằng tiếng Anh, thay vì tiếng Hàn.

Anh cho biết, chính phủ không hỗ trợ tiền cho các công ty start- up, mà cho địa điểm, trụ sở làm việc và cho cơ chế để phát triển. Hiện nay Jeju đang thu hút các công ty start- up cả nước tụ về đây.

So với 10 năm trước, đảo Jeju giờ nhộn nhịp và đô thị hóa đến chóng mặt,  thì Seoul hiện đại  lại “mềm mại”, quyến rũ hơn trước bởi rất nhiều công trình xanh bên cạnh các tòa nhà cao vút, san sát nhau. Đó là suối Cheonggyecheon dài 6km nằm ngay giữa đô thị  sầm uất  mà thị trưởng Seoul 10 năm trước là ông  Lee Myung - bak quyết tâm tạo dựng bằng việc phá dỡ một con đường cao tốc. Chính nhờ công trình xanh này mà ông Lee Myung-bak đã “ăn điểm” trong kỳ tranh cử và trở thành tổng thống Hàn Quốc sau này. Rồi ngôi làng truyền thống Hanok Bukchon, cũng nằm ngay trung tâm thành phố, giữ được vẹn nguyên với hơn 900 ngôi nhà gỗ truyền thống. Ít ai có thể ngờ rằng, ngôi làng này từng có nguy cơ bị biến thành một khu đô thị trong tiến trình đô thị hóa của Seoul. Nhờ có chính sách hỗ trợ kịp thời và đúng đắn của chính quyền Seoul, dân làng này vừa bảo tồn được ngôi nhà cổ của mình nhưng vẫn có thể sống tiện nghi trong đó. Giá nhà trong làng khá cao, khoảng 1 triệu USD/căn, được cho là khu đáng sống giữa Seoul hiện đại, xô bồ.