Làng biển học làm du lịch
Những bức bích họa được vẽ trên tường nhà, hàng rào bê tông xen lẫn vẻ đẹp cổ kính, rêu phong của những bức tường san hô hàng trăm năm tuổi, tạo nên điểm nhấn không phải làng chài nào cũng có được. Sau khi thích thú ngắm nghía, chụp hình với những bức bích họa, du khách có thể rẽ ngang một con ngõ nhỏ vào tham quan những ngôi nhà cổ có từ hàng trăm năm còn sót lại sau biết bao thăng trầm, biến cố thiên tai, địch họa để hòa mình với cuộc sống dân dã, chân tình của người dân… Không còn là ý tưởng, là mơ ước mà dự án đã dần trở thành hiện thực, người dân làng biển Cảnh Dương bắt đầu làm quen với một nghề mới: làm du lịch.
Đôi mắt chị Ngô Thị Toan ở thôn Liên Trung ánh lên niềm vui khi nói với chúng tôi: Từ ngày có đường bích họa, khách đến tham quan, chụp hình, làng vui hẳn. Đường làng nhìn sinh động, tươi mới hơn.Mấy ngày vừa rồi, đã có khách tây đến thuê nhà ở, khả năng những gia đình này, kinh tế sẽ ngày càng phát triển.
“Lâu nay chỉ biết đến đánh bắt cá không thôi, ai nghĩ có ngày quê mình lại phát triển du lịch. Sắp tới, nhà tui cũng đi học cách làm du lịch. Tui vẫn đi biển, còn vợ con ở nhà sẽ làm “hôm sờ tây” (home stay). Dù sao, đi bằng hai chân vẫn vững vàng hơn” - ngư dân Võ Sỹ Dũng hồ hởi cho biết.
Gần hai năm về trước, làng biển Cảnh Dương xáo trộn bởi những hậu quả do sự cố môi trường biển, thì nay, đang rộn ràng, tấp nập với những dự án, ý tưởng mới hình thành. Nhiều người khấp khởi hy vọng về một cuộc sống mới no ấm, nhiều màu sắc hơn.
Những bạn trẻ yêu biển
Một trong hai thành viên có ý tưởng ban đầu về dự án “Bích họa tương lai”, bạn Lê Thị Nhung (SN 1984), Giám đốc Công ty TNHH Meka Media chia sẻ: Chứng kiến những khó khăn của bà con ngư dân ở các làng chài ven biển miền Trung sau sự cố môi trường biển do Formosa gây ra, chúng tôi muốn làm một việc gì đó để cổ vũ tinh thần người dân làng chài có thêm niềm tin vào cuộc sống. Từ câu chuyện làng bích họa Tam Thanh ở tỉnh Quảng Nam do các tình nguyện viên Hàn Quốc thực hiện, tôi lóe lên ý tưởng: tại sao mình không tự vẽ nên các làng bích họa khi đội ngũ họa sĩ trẻ ở Việt Nam rất sáng tạo và giàu nhiệt huyết cống hiến. Ý tưởng này ngay lập tức nhận được sự đồng tình, ủng hộ từ họa sĩ Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Công ty TNHH Imajoo.
Chúng tôi kỳ vọng, sẽ thu hút khách du lịch đến các làng chài nhờ các tác phẩm bích họa, qua đó phát triển thêm các dịch vụ du lịch đi kèm. Đồng thời, việc tạo nên một chuỗi tác phẩm nghệ thuật độc đáo sẽ khơi gợi niềm đam mê và truyền cảm hứng sáng tạo. Từ việc chung tay thực hiện các hoạt động cộng đồng như vậy, sẽ lan tỏa những điều tốt đẹp đến mọi người.
Tỉnh đầu tiên chúng tôi hướng đến là Quảng Bình, bởi địa phương này chịu thiệt hại nặng nề nhất từ sự cố môi trường biển. Trong đó, làng biển Cảnh Dương là nơi hội tụ đủ các yếu tố về mặt cảnh quan, truyền thống lịch sử văn hoá và có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng, phù hợp với tiêu chí lựa chọn của dự án.
Lê Thị Nhung phụ trách công tác đối ngoại, truyền thông, hậu cần; còn Nguyễn Việt Dũng chịu trách nhiệm chuyên môn và quy tụ 15 họa sĩ trẻ đến từ khắp cả nước, như: Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thanh Hoá, Quảng Bình... Các bạn trẻ mong muốn mang lại một món quà tinh thần cho người dân ven biển miền Trung, vùng chịu nhiều thiệt hại do thiên tai và chịu ảnh hưởng sự cố môi trường biển.
“Ấp ủ hơn một năm, tự làm hồ sơ, phân tích và chọn lọc địa điểm, xin được công văn phê duyệt chủ trương của tỉnh thì cũng đúng lúc đợt bão lũ về miền Trung, việc kêu gọi tài trợ thất bại. Dù không bỏ cuộc, nhưng khi đó, tôi nghĩ rằng sẽ phải mất thêm thời gian chờ bão qua để tìm kiếm các nhà tài trợ nhằm hiện thực hoá ý tưởng. Thật may, Cảnh Dương được Sở Du lịch Quảng Bình lựa chọn phát triển thành Làng văn hóa, du lịch với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch độc đáo, là khu du lịch cộng đồng kiểu mẫu của Quảng Bình. Và “làng bích họa” trở thành một phần trong dự án Làng văn hóa, du lịch Cảnh Dương” - Lê Thị Nhung chia sẻ.
Mỗi làng bích họa phải có một đời sống riêng
Họa sĩ, kiến trúc sư Nguyễn Việt Dũng (SN 1984), là người phụ trách nhóm họa sĩ trẻ thực hiện dự án “Bích họa tương lai”. Là họa sĩ có kinh nghiệm vẽ tranh 3D đường phố và từng thực hiện hàng trăm bức tranh 3D cho các đối tác trong và ngoài nước, Dũng chia sẻ: Quan điểm là phải giữ được nét riêng của mỗi tác phẩm, mỗi ngôi làng mà chúng tôi thực hiện! Chính vì vậy, chúng tôi đã trực tiếp về Cảnh Dương khảo sát cũng như tìm kiếm thông tin qua sách báo, mạng xã hội để hiểu rõ hơn về vùng đất này.
Phần lớn các bức họa ở Cảnh Dương do Dũng tìm kiếm tư liệu từ Nhà truyền thống làng Cảnh Dương, ảnh của một số nhiếp ảnh gia và sưu tầm, sau đó được Dũng thiết kế đổ 3D để các bạn vẽ.
Từ các nguồn xã hội hóa và đặc biệt có sự hỗ trợ kinh phí từ phía Sở Du lịch Quảng Bình, sự tham mưu chuyên môn của Sở Văn hóa - Thể thao, đến nay, dự án hoàn thành hơn 500 m2 với gần 20 bức họa chạy dài từ đình thờ Tổ đến gần khu vực làng nghề xã Cảnh Dương.
Các nội dung lớn mà làng bích họa hướng tới là truyền thống lịch sử, văn hoá, khung cảnh tự nhiên, nếp sinh hoạt đời thường của người dân Cảnh Dương mộc mạc, yên bình cũng như vẻ đẹp của đại dương. Đặc biệt, thông qua một số tác phẩm, nhóm họa sĩ đề cao việc nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho thế hệ sau, ngay tại làng biển đã thấm thía những tác động từ môi trường. Ngoài ra, có những bức bích họa mang tính giải trí và tương tác với người xem để tăng sự thu hút, phù hợp nhiều đối tượng xem tranh.
“Khi bắt đầu dự án, mình không nghĩ một xã nhỏ như Cảnh Dương lại có nhiều những nguồn cảm hứng đến như thế. Cảnh Dương có những đường nét kiến trúc rất riêng từ lâu đời, mang nhiều dấu ấn của thời gian. Con người ở đây có nét văn hoá riêng, rất ấm áp trong cách mọi người sống với nhau cũng như trong cách tiếp đón họa sĩ. Khi vẽ tranh, thấy được nhiều người đang ủng hộ mình, ngắm nhìn, nâng niu những bức tranh thì rõ ràng sẽ tạo cảm hứng cho người họa sĩ rất nhiều. Và mình tin rằng, những bức bích họa ở Cảnh Dương sẽ có đời sống riêng của nó” - họa sĩ Nguyễn Việt Dũng khẳng định.
“Nếu được triển khai giai đoạn 2, nhóm sẽ thực hiện những bức bích họa khó và thu hút hơn nữa gồm các bức vẽ tràn lòng đường và tranh phát sáng. Hy vọng, sẽ có các đơn vị tài trợ để biến ý tưởng của chúng tôi thành hiện thực và cung đường bích họa ở Cảnh Dương sẽ hoàn hảo, xứng tầm, có giá trị nghệ thuật” - Lê Thị Nhung chia sẻ thêm.
Nhung cho rằng, mô hình thí điểm ở Cảnh Dương đến thời điểm này khá thành công nhưng cũng khá vất vả cho nhóm. Nếu như Sở Du lịch Quảng Bình không chọn Cảnh Dương để phát triển thành Làng văn hóa, du lịch với nhiều sản phẩm, dịch vụ du lịch đồng bộ thì e rằng, dự án làng bích họa của chúng tôi sẽ còn khó khăn hơn. Rút kinh nghiệm từ mô hình đầu tiên, tới đây, chúng tôi sẽ liên hệ với Tổng cục Du lịch để có sự tham vấn, chọn địa phương đang phát triển du lịch biển và đặc biệt ưu tiên các tỉnh chịu thiệt hại do sự cố môi trường biển.
Xã Cảnh Dương là ngôi làng biển có bề dày truyền thống, với gần 400 năm thành lập, 2 lần vinh dự được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT chống Pháp và chống Mỹ, được nhạc sỹ Hoàng Vân ví là “quê hương đứng nơi đầu sóng” trong bài hát Quảng Bình quê ta ơi”. Hiện Cảnh Dương vẫn còn lưu giữ được nhiều nét kiến trúc, văn hóa, tín ngưỡng tiêu biểu của một làng biển miền Trung, như: Những bức tường rào bằng san hô hàng trăm năm tuổi; đình tổ thờ 2 bộ xương cá voi lớn nhất Việt Nam và một nghĩa địa cá voi độc nhất vô nhị; hay Lễ Cầu ngư độc đáo diễn ra vào rằm tháng Giêng hằng năm… Hiện Cảnh Dương đã được Sở Du lịch Quảng Bình chọn làm làng du lịch kiểu mẫu, mà điểm nhấn là công viên thuyền thúng chạy dọc theo bờ biển.