Bích họa Phùng Hưng lại gây tranh cãi

Bích họa Phùng Hưng gây dư luận trái chiều. Ảnh: Như Ý.
Bích họa Phùng Hưng gây dư luận trái chiều. Ảnh: Như Ý.
TP - Tuần lễ thời trang phố cổ của nghệ sĩ trẻ Xuân Lam nằm trong dự án bích họa Phùng Hưng trở thành tâm điểm tranh luận: Trên nền tranh dân gian xuất hiện một loạt thương hiệu thời trang đắt đỏ bậc nhất thế giới.

Quảng cáo?

Tuần lễ thời trang phố cô không phải tác phẩm đầu tiên trong dự án này vấp phải tranh cãi. Nhà số 63 Phùng Hưng của Trần Hậu Yên Thế từng rùm beng về chuyện “xé, xoạc”. Phố bích hoạ Phùng Hưng khai mạc ngày 2/2, mở ra điểm đến mới cho du khách và giới trẻ, lập tức nhiều người soi ngay những chi tiết lạ ở tác phẩm của Xuân Lam: Trên nền bức Múa rồng của dòng tranh Hàng Trống, những đứa bé khoác những bộ cánh gắn nhãn hiệu thời trang nổi tiếng thế giới. Nhãn hiệu của các hãng thời trang khác còn xuất hiện trên phần đắp nổi của đèn lồng và một số đồ vật khác. Nhiều người nghi ngờ đó là chiêu quảng cáo trá hình.

Tác phẩm này nằm ở ô vòm cầu số 73, sử dụng hình thức phù điêu composite với kích thước hơn 4m mỗi chiều. Xuân Lam giải thích về ý tưởng tạo nên tác phẩm: “Làn sóng toàn cầu hóa du nhập vào Việt Nam cùng với guồng phát triển kinh tế, mang theo những giá trị mới mẻ cùng những sản phẩm xa xỉ. Từ chỗ “ăn no mặc ấm”, nhu cầu của người dân được nâng tầm lên “ăn ngon mặc đẹp”. Mới ngày nào, những bộ trang phục giản dị, đơn sắc còn ngự trị khắp chốn thì giờ đây, bóng dáng của những thương hiệu thời trang quốc tế đã không còn xa lạ trên phố phường. Từ hiện thực nhìn về quá khứ, có bao giờ mỗi chúng ta tự hỏi, nếu những nhân vật dân gian, với sức sống trường tồn của mình bước ra khỏi các tác phẩm nghệ thuật, thì giờ đây sẽ trông thế nào? Bất chợt hình ảnh những em bé trong tranh Múa rồng hiện lên, và biết đâu, trong một xã hội hiện đại, sẽ mang trên mình những bộ đồ thời thượng hơn”.

Chấp nhận tranh cãi

Họa sĩ Nguyễn Thế Sơn, Giám tuyển của dự án Nghệ thuật công cộng phố Phùng Hưng nói ngay không có chuyện quảng cáo thương mại ở đây. “Múa rồng vốn là tranh Hàng Trống - di sản truyền thống trước 1945 nằm ngay trong phố cổ - nhưng nay nhiều người chỉ mang máng. Họ không biết tới di sản tranh Hàng Trống nhưng nhận ra ngay thương hiệu thời trang nổi tiếng kia. Tác phẩm của Xuân Lam là sự cảnh báo giá trị truyền thống đang bị phai nhạt”, anh  nói. Họa sĩ Thế Sơn cho rằng tác phẩm nghệ thuật đương đại không phải là sự mô phỏng, sao chép mà người xem nên tiếp cận theo hướng mở. “Với tư cách giám tuyển, tôi yêu cầu các nghệ sĩ đưa ra tác phẩm có yếu tố sáng tạo, phải là những câu chuyện mà người ta xem xong và đặt câu hỏi, có sự tương tác về mặt tư duy”, anh nói.

Kiến trúc sư Đoàn Kỳ Thanh vốn nhiều kinh nghiệm sáng tạo nghệ thuật cộng đồng và đương đại nêu quan điểm: “Nghệ thuật có quyền làm mới lại cái cũ. Di sản không phải di tích, hoàn toàn có thể làm mới. Năm người mười ý tôi nghĩ hết sức bình thường, tuy nhiên người xem nên nhìn ở góc độ thoáng hơn không nên hẹp hòi suy diễn. Quan trọng nhất là tôn trọng sự khác biệt, cần sự khoan dung”.

Ông Đặng Đình Bằng, Phó trưởng Ban thường trực BQL Phố cổ Hà Nội cho biết: “Hoạ sĩ Xuân Lam  là người quan tâm tới dòng tranh Hàng Trống, Đông Hồ. Cách thể hiện này không đơn giản sao chép tranh cũ, có sự sáng tạo trong quá trình thể hiện: Nếu chỉ là bức tranh truyền thống có khi chẳng ai để ý, nhưng lập tức nhận ra ngay logo thương hiệu thời trang. Tôi cho rằng tác giả muốn nhân cơ hội khơi dậy giá trị truyền thống, qua đây nhiều bạn trẻ sẽ quan tâm hơn tới di sản tranh Hàng Trống”. Ông Bằng nói, dự án bích họa Phùng Hưng chỉ là bước khởi đầu trong dự án tổng thể dài hơi gồm đục thông vòm cầu, biến không gian phố Phùng Hưng thành phố đi bộ và không gian nghệ thuật trẻ.

Dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng do các họa sĩ Hàn Quốc và Việt Nam thực hiện, cả thảy 19 tác phẩm chứa đựng những ký ức về Hà Nội cả những nỗi niềm băn khoăn về những giá trị phai mờ theo năm tháng hoặc mất đi như tranh Hàng Trống, chùa Báo Ân, máy nước công cộng. Lãnh đạo UBND quận Hoàn Kiếm hứa hẹn tổ chức các hoạt động để nâng cao giá trị không gian văn hoá nghệ thuật tại tuyến phố này, tiếp tục dự án nghiên cứu tổng thể về 131 vòm cầu Phùng Hưng.

Nghệ thuật hay quảng cáo?

Tuần lễ thời trang phố cổ là tác phẩm bích họa gây tranh cãi tại dự án nghệ thuật công cộng Phùng Hưng. Ngay khi ra mắt, nhiều người dùng những từ như “kỳ cục”, “tân cổ giao duyên” để nói về sáng tạo này của nghệ sĩ 9X Xuân Lam. Một độc giả của Tiền Phong cho rằng ý tưởng của nghệ sĩ “khiên cưỡng, không ăn nhập với nội dung tranh dân gian Hàng Trống”. Có nhiều người còn đặt vấn đề “quảng cáo trá hình” cho những thương hiệu nổi tiếng này. Bên cạnh những người chấp nhận ý tưởng của tác giả, không ít người xem không chịu thỏa hiệp, họ cho rằng không có chuyện đem những yếu tố “ngoại lai” gắn vào di sản.

MỚI - NÓNG