Ông Đinh Tiến Dũng khẳng định, chia sẻ trước những khó khăn của doanh nghiệp, chính quyền thành phố đã và đang nỗ lực hết mình, thực hiện đồng bộ các biện pháp để kiểm soát dịch bệnh sớm nhất và nhanh nhất; tập trung tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để duy trì và phục hồi sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu tác động tiêu cực từ đại dịch.
Cụ thể, thực hiện việc miễn, giảm, gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất cho trên 38.000 lượt doanh nghiệp, người nộp thuế, với tổng số tiền đã thực hiện là 22.600 tỷ đồng. Đồng thời, tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, giải quyết các điểm nghẽn, bất cập về cơ chế, chính sách, về thủ tục hành chính để thúc đẩy doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.
Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh, thành phố đặt mục tiêu xây dựng Thủ đô trở thành thành phố “Xanh, Văn hiến, Văn minh, Hiện đại”, xây dựng thành phố thông minh, có sức cạnh tranh cao trong nước và khu vực, giữ vững danh hiệu thành phố vì hòa bình, duy trì tốc độ phát triển nhanh, bền vững và toàn diện.
Để thực hiện mục tiêu đó, Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế dựa trên phát triển ứng dụng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo trong toàn xã hội. Phát triển hạ tầng số, hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng dữ liệu, kết nối liên thông, đồng bộ và thống nhất, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số.
Ưu tiên hiện đại hóa, phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; phát triển hạ tầng giao thông kết nối đô thị trung tâm với khu vực ngoại thành, các đô thị vệ tinh, các tỉnh, thành phố trong Vùng Thủ đô. Đẩy mạnh công tác chỉnh trang, phát triển, hiện đại hóa đô thị gắn với phát triển kinh tế đô thị theo hướng thông minh, xanh và bền vững. Tạo chuyển biến căn bản đối với các vấn đề dân sinh cấp bách về giảm thiểu ô nhiễm môi trường, ùn tắc giao thông, quá tải bệnh viện…
Tiếp tục nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý đất đai, đô thị, trật tự đô thị và trật tự xây dựng; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp một cách thực chất và hiệu quả hơn; nâng cao ý thức trách nhiệm, chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp của đội ngũ cán bộ, công chức của thành phố.
"Thành phố khuyến khích và tạo mọi điều kiện thuận lợi để chào đón và thu hút các doanh nghiệp đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô, cam kết bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật", ông Dũng nói.
Đồng thời, thành phố cũng đề nghị các doanh nghiệp tiếp tục nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật, tuân thủ nghiêm túc và đầy đủ các quy định của pháp luật về đầu tư, kinh doanh và các nghĩa vụ đối với Nhà nước; thực hiện liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nhân và trách nhiệm của doanh nghiệp đối với xã hội, đối với cộng đồng; phát triển doanh nghiệp đi đôi với bảo vệ môi trường và giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa và con người Việt Nam.
Các kiến nghị, đề xuất từ phía doanh nghiệp, các Hiệp hội cũng sẽ là cơ sở quan trọng để thành phố thực hiện các giải pháp khôi phục và phát triển kinh tế một cách thực chất hơn và hiệu quả hơn, xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, an toàn và lành mạnh cho cộng đồng doanh nghiệp và các nhà đầu tư, kinh doanh trên địa bàn Thủ đô.
Bí thư thành ủy Đinh Tiến Dũng khẳng định: "Thành phố cam kết sẽ luôn đồng hành, sát cánh cùng doanh nghiệp, lắng nghe và giải quyết thấu đáo ngay tại hội nghị đối với những kiến nghị, đề xuất chính đáng từ phía doanh nghiệp, và tổng hợp báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, giải quyết đối với những kiến nghị, đề xuất vượt thẩm quyền của thành phố".
Đến nay, thành phố Hà Nội đã thu hút được trên 201.000 doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đang hoạt động trên địa bàn, đứng thứ 2 trên toàn quốc và chiếm tới 23,7% tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động của cả nước, góp phần cùng Thủ đô đóng góp 16% GDP, 18,5% tổng thu ngân sách, 8,6% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước.
3 mục tiêu phát triển kinh tế trong bình thường mới
Trước đó, UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 246/KH-UBND về phục hồi và phát triển kinh tế thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 năm 2022 và 2023.
Kế hoạch đề ra 3 mục tiêu chính là: Hỗ trợ và tháo gỡ kịp thời các khó khăn, vướng mắc và điểm nghẽn nhằm phục hồi, phát triển sản xuất, kinh doanh; bảo đảm ổn định kinh tế, cân đối ngân sách, củng cố nguồn thu cho ngân sách thành phố, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh; đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất; đẩy nhanh khởi nghiệp sáng tạo, chuyển đổi số nhằm thiết lập nền tảng phát triển bền vững.
Kế hoạch cũng đã đề ra 5 nhóm giải pháp.
Thứ nhất, kiểm soát dịch COVID-19, nâng cao năng lực của hệ thống y tế.
Thứ hai, duy trì sự ổn định kinh tế, bảo đảm cân đối ngân sách.
Thứ ba, phục hồi và phát triển ngành, lĩnh vực; xây dựng tiêu chí thích ứng an toàn với dịch Covid-19 và kế hoạch phục hồi, phát triển.
Thứ tư, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; thành lập một số tổ công tác đặc biệt tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và đầu tư công.
Thứ năm, hỗ trợ sản xuất, kinh doanh trong các ngành, lĩnh vực. Trong đó, thực hiện nhanh nhất, đầy đủ nhất các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh theo các quy định của Chính phủ. Đồng thời, thực hiện các cơ chế, chính sách của thành phố. Đó là thúc đẩy mạnh hỗ trợ doanh nghiệp và khởi nghiệp sáng tạo, trong đó, tập trung hỗ trợ về mặt bằng sản xuất kinh doanh thông qua phát triển các khu, cụm công nghiệp; hỗ trợ công nghệ, cơ sở kỹ thuật; hỗ trợ mở rộng thị trường, phát triển nguồn nhân lực, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị và hỗ trợ gia nhập thị trường.