Sáng 5/1, Bí thư Thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ làm việc với quận Hoàng Mai. Theo Bí thư quận ủy Nguyễn Quang Hiếu, Hoàng Mai là quận có diện tích lớn thứ 3 của Thủ đô. Trên địa bàn Quận có các tuyến đường quan trọng nối từ thành phố đi các tỉnh như đường Lĩnh Nam, Tam Trinh, Giải Phóng, Vành đai 3… Ngoài ra có các đầu mối giao thông khác như đường thuỷ (cảng Khuyến Lương), đường sắt (ga Giáp Bát)…
Các nguồn lực cho đầu tư phát triển tăng dần qua các năm; hạ tầng giao thông và xã hội trên địa bàn quận được đầu tư hoàn thiện; tiềm năng, lợi thế về đất đai đang được phát huy, sử dụng hiệu quả.
Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn kết thúc năm 2020 hoàn thành vượt dự toán thành phố giao và HĐND quận quyết nghị, đạt 6.160 tỷ đồng, bằng 102% dự toán (dự toán 6.057,94 tỷ đồng), trong đó thu tiền sử dụng đất vượt cao so với dự toán ước đạt 3.331 tỷ đồng bằng 141% dự toán. Thu đấu giá quyền sử dụng đất được thực hiện hiệu quả đạt 318,08 tỷ đồng.
Theo ông Hiếu, khó khăn đặt ra với quận Hoàng Mai là tốc độ phát triển đô thị nhanh; dân số cơ học tiếp tục gia tăng gây tình trạng quá tải đối với hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật xã hội - đô thị, trong khi nguồn vốn đầu tư phát triển khó khăn, nguồn lực về đất đai dần hạn hẹp; nhu cầu định hướng nghề nghiệp, giải quyết việc làm trong độ tuổi lao động, bảo đảm an sinh xã hội đặt ra ngày càng gay gắt...
Năm 2021, quận đặt mục tiêu thực hiện quyết liệt công tác giải phóng mặt bằng các Dự án trọng điểm trên địa bàn như tuyến đường 2,5 đoạn Đầm Hồng - Quốc lộ 1A, tuyến đường nối tiếp phía Đông Trung tâm hành chính Quận ra đường Tam Trinh, tuyến đường 2,5 phía Bắc khu công nghiệp Vĩnh Tuy, tuyến đường Lĩnh Nam.
Tập trung đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng các dự án giao thông ngay sau khi được thành phố phê duyệt và đủ điều kiện triển khai thực hiện (Dự án Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên; nút giao giữa đường Tam Trinh và đường Minh Khai-Vĩnh Tuy-Yên Duyên; dự án các tuyến đường xung quanh bãi đỗ xe và Trung tâm thương mại Aeonmall; dự án đê sông Gạo đến sông Hồng); các dự án khu đô thị, các dự án xây dựng trường học công lập trên địa bàn.
Quận đề nghị thành phố chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch vùng bãi phân khu đô thị sông Hồng trong đó có các phường của quận Hoàng Mai với mục tiêu giữ lại khu vực làng xóm hiện hữu, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội đồng bộ, khai thác quỹ đất dự kiến theo hướng đô thị sinh thái.
Đối với 2 tuyến đường giao thông trọng điểm, quan trọng, mang tính kết nối hạ tầng khung của quận, có mặt cắt từ 22,5m đến 30m thuộc thẩm quyền đầu tư của thành phố, đề nghị giao UBND quận Hoàng Mai làm chủ đầu tư thực hiện bằng nguồn vốn ngân sách quận để thực hiện (Tuyến đường Minh Khai - Vĩnh Tuy - Yên Duyên nối tiếp, đoạn từ đường 2,5 đến đường vành đai 3; Tuyến đường nối từ Khu đô thị Đồng Tầu đến đường Giải Phóng, thuộc dự án khu chức năng đô thị Trũng Kênh chậm triển khai nhiều năm).
Đối với tuyến đường Trương Định, quận đề nghị thành phố chỉ đạo, đầu tư trong giai đoạn 2021-2025 bởi đây là tuyến đường trọng điểm, kết nối đường Giải Phóng (trục xuyên tâm của thành phố) với đường vành đai 2 và đường vành đai 2,5, chiều dài khoảng 2,8km (trên địa bàn quận Hoàng Mai), mặt cắt ngang 40m. Việc đầu tư tuyến đường theo quy hoạch là hết sức cần thiết sẽ góp phần làm giảm áp lực giao thông cho tuyến đường Giải Phóng, Tam Trinh.
Quận cũng nêu đề nghị thành phố chấp thuận cải tạo, nâng cấp tuyến đê Hữu Hồng trên địa bàn kết hợp chỉnh trang hạ tầng giao thông tuyến đê Hữu Hồng, chiều dài khoảng 8,4km, mật độ tham gia giao thông cao và khớp nối với các tỉnh lân cận của thành phố, việc mở rộng mặt cắt tuyến đê kết hợp chỉnh trang hạ tầng giao thông tuyến đê sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông và tạo động lực phát triển kinh tế, xã hội của quận và thành phố.
Kết luận buổi làm việc, Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ cho rằng, Hoàng Mai có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển như đất rộng, dân số đông, là cửa ngõ phía Nam thành phố, giao thông liên kết thuận lợi với các vùng, các tỉnh lân cận... Nhưng nhìn chung, quận còn rất nhiều việc phải làm vì trên các lĩnh vực đều còn những hạn chế, tồn tại, nhất là hạ tầng còn nhiều bất cập, lạc hậu, manh mún; đô thị phát triển nhưng chưa gắn với kinh tế đô thị; thương mại, dịch vụ còn chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế; công nghiệp chưa định hình rõ nét...
Bí thư Thành ủy chỉ đạo, sau cuộc làm việc, quận phải có kế hoạch hành động rất quyết liệt, trước mắt là xác định rõ phương hướng, mục tiêu trong 3 năm tới đến mốc kỷ niệm 20 năm ngày thành lập quận, 5 năm, 10 năm và 25 năm tới.
Trong đó, quận phải lên danh sách dự án mang tính động lực như các dự án giao thông, Khu đô thị Gamuda, Khu B Công viên Yên Sở, Trung tâm thương mại AEON; tháo gỡ vướng mắc di dời bến xe phía Nam; phối hợp cùng các chủ đầu tư rà soát, điều chỉnh bất cập về quy hoạch 1/500 các khu đô thị...
“Thành phố sẽ thúc đẩy sớm việc xin ý kiến các bộ, ngành để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch phân khu sông Hồng. Sở Xây dựng Hà Nội cần sớm tham mưu, rà soát quy hoạch để giải quyết sinh kế cho bà con vùng bãi. Đây là vấn đề rất quan trọng”, ông Huệ nói.
Ông Huệ yêu cầu, quận phải coi giải phóng mặt bằng là khâu đột phá; đăng ký với thành phố là đơn vị đầu tiên thí điểm quy trình giải phóng mặt bằng rút gọn mà Thủ tướng Chính phủ đã cho phép; đăng ký xây dựng mô hình một khu đô thị văn minh và mô hình đội quản lý trật tự xây dựng kiểu mẫu của thành phố...
Bí thư Thành ủy Vương Đình Huệ chỉ đạo, Quận ủy Hoàng Mai phải tăng cường hơn nữa công tác xây dựng Đảng, coi công tác cán bộ là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng trong giai đoạn 2020-2025; lấy sản phẩm để đánh giá cán bộ; đào tạo cán bộ toàn diện, đưa cán bộ vào thực tiễn để đào tạo…