Bí thư Cần Thơ: 'Thành phố như đại công trường, không có đồng thuận của dân thì rất khó'

TPO - Ngày 7/6, Thành ủy, Ban Cán sự Đảng UBND thành phố Cần Thơ tổ chức Hội nghị báo cáo tiến độ triển khai thực hiện các công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn thành phố.

Tỷ lệ giải ngân một số dự án còn chậm

Báo cáo tại hội nghị, ông Dương Tấn Hiển – Phó Chủ tịch Thường trực UBND thành phố Cần Thơ cho biết, thành phố hiện có 14 công trình trọng điểm, gồm 9 dự án sử dụng vốn đầu tư công trên địa bàn thành phố, 2 dự án trọng điểm của trung ương trên địa bàn và 3 dự án đầu tư ngoài ngân sách.

Trong đó, 3 dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư, 2 dự án đang trong giai đoạn thủ tục đề xuất chủ trương đầu tư. Ba dự án đang triển khai thực hiện với tổng mức đầu tư hơn 14.700 tỷ đồng gồm: Phát triển thành phố Cần Thơ và tăng cường thích ứng của đô thị; Đường vành đai phía Tây; Bệnh viện Ung bướu.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu phát biểu chỉ đạo. Ảnh: CK.

Hai dự án trọng điểm của T.Ư trên địa bàn thành phố là dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ – Hậu Giang và dự án cao tốc Châu Đốc – Cần Thơ – Sóc Trăng (dự án thành phần 2).

Còn 3 dự án đầu tư ngoài ngân sách là dự án Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP); Cụm nhiệt điện Ô Môn và Trung tâm liên kết, sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng ĐBSCL tại Cần Thơ.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Bí thư Thành ủy Cần Thơ Nguyễn Văn Hiếu cho biết, các công trình đều có tính chất động lực cho sự phát triển của thành phố. Nếu làm tốt, các công trình này sẽ mở ra không gian phát triển rất mới cho thành phố. Do vậy, cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, xác định là nhiệm vụ chính trị đặc biệt quan trọng.

Đối với các dự án chậm tiến độ, vướng giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư, điều chỉnh vốn…, ông Hiếu đề nghị có giải pháp khắc phục, hạn chế tối đa phát sinh. Ban Cán sự đảng UBND thành phố chỉ đạo các sở ngành sớm xác định nguồn tài chính cho các dự án.

“Các phương án như vay kho bạc, trái phiếu, đấu giá các quỹ nhà đất công sản… cần có kế hoạch chi tiết, không dựa vào nguồn thu ngân sách, bởi hiện tổng thu ngân sách trên địa bàn chủ yếu phục vụ chi thường thường xuyên. Tỷ lệ giải ngân một số dự án còn chậm, cần xem lại ách tắc chỗ nào, xem đây là công việc thường xuyên hàng tuần để tháo gỡ” - ông Hiếu lưu ý.

'Cần có định mức khác biệt'

Theo Bí thư Nguyễn Văn Hiếu, các dự án còn góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, bởi khi thu hồi đất nông nghiệp, người dân được đưa vào các khu tái định cư, nếu khang trang, hiện đại, đồng bộ sẽ trở thành những khu thương mại dịch vụ trong tương lai.

“Người ta sẽ kinh doanh, buôn bán chứ đâu chỉ ở không. Tức là phải tạo ra những giá trị mới trong tương lai. Phải hết sức quan tâm, xem đó là cơ hội để chỉnh trang đô thị, hiện đại hóa, mở ra không gian phát triển mới. Nơi ở mới phải bằng hoặc cao hơn nơi ở cũ, làm sao để người dân thấy được sự xứng đáng, chất lượng cuộc sống cao hơn, tiếp cận các dịch vụ tốt hơn” – ông Hiếu nhấn mạnh, đồng thời đề nghị đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, kịp thời động viên những nơi làm tốt, những nơi có sự đồng thuận của nhân dân.

Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ Trần Việt Trường. Ảnh: CK.

“Người dân có sự đồng thuận, được hưởng lợi từ các dự án thì công việc triển khai được thuận lợi. Thành phố hiện nay gần như một đại công trường, chỗ nào cũng có công trình, dự án, nếu không có sự đồng thuận của người dân thì rất khó. Rất mừng là một số nơi như ở huyện Cờ Đỏ, bà con xung phong hiến đất, sẵn sàng giao đất dù chưa nhận tiền bồi thường. Cần có chính sách, mạnh dạn đề xuất khen thưởng cho những nơi làm tốt như vậy" - Bí thư Thành uỷ Cần Thơ nói.

Ngược lại, theo ông Hiếu, nơi nào làm chưa tốt cần cảnh báo, nhắc nhở, uốn nắn, tăng cường trách nhiệm. Việc này phải làm thường xuyên, trở thành kỷ luật, kỷ cương. Tiếp tục rà soát các quy chế phối hợp, để đảm bảo phối hợp nhịp nhàng, đồng bộ, hiệu quả; tránh tình trạng đùn đẩy, né tránh, bê trễ trong công việc được giao.

“Đề nghị Chánh Văn phòng nghiên cứu có một định mức gì đó khác biệt chứ không phải theo hệ số lương nữa. Làm sao có định mức gì đó tăng thêm chút. Thường vụ sẽ quyết cái này để có động lực cho anh em làm. Qua cái này cũng để đánh giá năng lực đội ngũ cán bộ, rồi cân nhắc vị trí cán bộ…”.

Phát biểu tiếp thu, ông Trần Việt Trường – Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ cho biết sẽ sớm cụ thể hóa, phân công nhiệm vụ chi tiết từng dự án, từng mốc thời gian, cố gắng khắc phục mọi khó khăn, phấn đấu hoàn thành cho bằng được các dự án theo nhiệm vụ được giao.

Theo ông Trường, khó khăn của các dự án đó là đều tăng vốn, nhất là các dự án giao thông như: Đường tỉnh 917, 918, 921, 923… tăng cả nghìn tỷ đồng; đường Vành đai phía Tây cũng tăng cả nghìn tỷ; dự án cải tạo 5 nút giao cũng tăng 1.500 tỷ; dự án nâng cấp Quốc lộ 91 (Km0-Km7) vốn 3.200 tỷ nhưng nhu cầu phải giải ngân hơn 7.000 tỷ…

"Như vậy thì giải pháp gì để có vốn thực hiện?" - ông Trường nêu vấn đề và cho biết, Nghị quyết 45 của Quốc hội cho phép thành phố phát hành trái phiếu chính quyền địa phương. Thành phố sẽ chỉ đạo các sở ngành nghiên cứu, triển khai. Tuy nhiên quá trình chuẩn bị thủ tục cần có thời gian, do vậy trước tiên vay kho bạc để bố trí cho các dự án cấp bách. Bên cạnh đó là quỹ đất, tài sản nhà đất sẽ được đấu giá; xin chủ trương một số dự án đầu tư theo hình thức PPP…