Khu vực trồng mì mênh mông đồi núi, khe suối, có mấy con đường đất rất khó đi. Tại huyện Bù Đăng (Bình Phước), ông Nguyễn Văn Thành và Đoàn Văn Sỹ ở xã Bom Bo xin phép san ủi một con đường tại xã Đắk Nhau (có đoạn đi qua đất của ông Sỹ), dài khoảng 4 km. Họ gửi “đơn xin tự nguyện làm đường” để “vận chuyển nông sản” đến UBND xã Đắk Nhau, được Chủ tịch xã chấp thuận và cho phép thu phí để “tự hoàn vốn”. Cuối năm 2012, đường làm xong, hai ông thống nhất với các chủ xe tải, thu 150.000 đồng/tấn và thu được 407 triệu đồng.
Bên huyện Tuy Đức (Đắk Nông), khoai mì ở xã Quảng Đức thu hoạch cũng được chở qua con đường này. Cơ quan CSĐT tỉnh Đắk Nông phát hiện và cho rằng, hành vi của hai ông là “cưỡng đoạt tài sản” nên khởi tố, bắt tạm giam hai ông. Lúc thu phí, hai ông thuê ông Hoàng Văn Tình ở xã Đắk Nhau trông coi, nên ông Tình cũng bị khởi tố, bắt tạm giam.
TAND tỉnh Đắk Nông 5 lần mở phiên sơ thẩm nhưng chưa xử được. Một lần, Viện KSND tỉnh Đắk Nông rút hồ sơ để điều tra bổ sung, những lần khác do vắng mặt bị hại. Trong quyết định trả hồ sơ để điều tra bổ sung ngày 16/4/2014, TAND tỉnh Đắk Nông yêu cầu “chuyển vụ án cho các cơ quan tố tụng tỉnh Bình Phước giải quyết theo thẩm quyền” vì các bị cáo và địa bàn xảy ra vụ án đều ở tỉnh Bình Phước; còn nếu Viện KSND tỉnh Đắk Nông “xét thấy vẫn thuộc thẩm quyền” thì cần làm rõ 4 nội dung.
Trong đó, “đối chất để làm rõ các bị hại có bị đe dọa dùng vũ lực hoặc các thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần để buộc giao tài sản hay các bị hại tự nguyện giao tài sản”. Các yêu cầu chưa được đáp ứng, Viện KSND tỉnh Đắk Nông tiếp tục chuyển sang tòa cáo trạng ký ngày 4/11/2013 và phiên tòa sáng 10/6/2014 lại tạm hoãn, do vắng mặt tất cả các bị hại.
Theo cáo trạng, có 5 bị hại là chủ xe tải ở xã Bom Bo và Đắk Nhau. Phóng viên Tiền Phong gặp một “bị hại” là ông Đinh Hữu Thuật ở xã Bom Bo. Ông Thuật cho biết, ông không có mặt tại tòa vì không nhận được giấy triệu tập và cũng như các chủ xe tải khác, ông không có đơn từ yêu cầu gì liên quan vụ án.
Ông kể, trước đây, các ông phải hùn tiền sửa đường, khi có ông Thành và Sỹ làm đường thì phấn khởi, đồng ý trả 150.000 đồng/tấn và số tiền này các ông không bị thiệt vì vào tận ruộng mua được mì giá rẻ. “Chúng tôi không hề có ý đòi lại tiền”, ông Thuật nói.
Luật sư Ngô Quốc Chiến ở Văn phòng Luật sư Quốc Tế của Đoàn Luật sư Bình Phước cho rằng, vụ án rõ dấu hiệu oan sai với ba ông nông dân. Theo luật sư Chiến, ba ông nông dân chỉ vi phạm hành chính trong kinh doanh, khi được phép làm đường thu phí thì phải đăng ký kinh doanh để nộp thuế, “nếu xử lý hành chính mà các ông không chấp hành thì mới xem xét hình sự”.